Du lịch Vườn quốc gia Cúc Phương: Tìm về thế giới của thiên nhiên và động vật hoang dã

Cập nhật: 15/06/2020
(TITC) - Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Hàng năm VQG Cúc Phương thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến khám phá hệ động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, tham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa trại, mạo hiểm, nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử, văn hóa bản địa.

Vườn Quốc gia Cúc Phương là Vườn quốc gia (VQG) đầu tiên ở Việt Nam được thành lập theo Quyết định 72/TTg ngày 07/07/1962. Vườn Quốc gia nằm trên địa bàn ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá với tổng diện tích là 22.408 ha, trong đó một nửa diện tích VQG nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, phần còn lại thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình.

Cách thủ đô Hà Nội 120 km về phía nam, nằm sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, Vườn quốc gia Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú, đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới.

Về thực vật, theo số liệu điều tra gần đây VQG Cúc Phương có 2.234 loài thực vật thuộc 117 bộ, 260 họ, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.

Về động vật có xương sống đã điều tra, thống kê và phát hiện bảy bộ, 38 họ và 659 loài, trong đó có nhiều loài thú được xếp vào loài quý hiếm như voọc mông trắng, báo gấm, báo lửa, gấu ngựa... Nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới (trong đó voọc đen mông trắng hay còn gọi là voọc quần đùi trắng là loài thú linh trưởng rất đẹp và quý hiếm được chọn làm biểu tượng của VQG Cúc Phương). Với 336 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương, vì vậy VQG Cúc Phương từ lâu đã trở thành địa điểm lý tưởng đối với các nhà xem chim.

Về động vật không xương sống, đã thống kê được khoảng 1.900 loài và phân loài, thuộc 169 họ, 33 bộ, sáu lớp và ba ngành.

Vùng đệm của Vườn hiện có tới hơn 80 nghìn dân của ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa sinh sống, đã tạo ra áp lực khá lớn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là hoạt động săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD).

Cùng với việc quản lý tài nguyên rừng, hệ sinh thái đá vôi và các nguồn gien động vật, thực vật hoang dã, thời gian qua, VQG Cúc Phương đã có rất nhiều cố gắng trong công tác bảo tồn các loài ĐVHD.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Cúc Phương, Vườn đang thực hiện nhiều chương trình, dự án bảo tồn ĐVHD, gồm: Bảo tồn linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, bảo tồn các loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê, bảo tồn rùa. Năm 2019, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của VQG Cúc Phương đã tiếp tục chăm sóc 181 cá thể của 15 loài linh trưởng quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và khu vực Đông Dương. Trong năm đã cứu hộ 17 cá thể, sinh sản 11 cá thể, tái thả 8 cá thể và chết 15 cá thể. Về bảo tồn rùa, VQG cũng đã cứu hộ 185 cá thể rùa của 14 loài, sinh sản 415 cá thể của chín loài, thả về tự nhiên 82 cá thể của ba loài. Về chương trình bảo tồn các loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê, hiện tại Trung tâm chăm sóc, nhân nuôi 91 cá thể của tám loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê. Trong năm 2019 đã tiếp nhận 204 cá thể của sáu loài, gây nuôi sinh sản mới được năm cá thể tê tê.

Cuối năm 2019, Vườn đã tiếp nhận và cứu hộ thành công hai cá thể hổ (Pathera tigris) hơn một tuần tuổi bị những kẻ buôn bán ĐVHD bỏ rơi ở Hà Tĩnh, sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện. Đây là lần đầu tiên VQG tiếp nhận và nhanh chóng thực hiện cứu hộ thành công hổ non.

Về công tác bảo tồn thực vật, Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng một Vườn thực vật với diện tích 167 ha. Đến nay đã trồng và sưu tập được 811 loài cây quý hiếm phục vụ lưu giữ và bảo tồn nguồn gen. Trong đó có 210 loài cây gỗ Cúc Phương, 85 loài cây gỗ ở các vùng khác của Việt Nam, 5 loài nhập nội, 25 loài cây thuộc họ ráy của Cúc Phương, 20 loài cây ăn quả, 15 loài tre trúc, 17 loài Tuế, 15 loài cau dừa, 296 loài cây thuốc và 140 loài lan. Hiện nhiều loài cây sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều loài đã ra hoa, quả. Vườn Thực vật Cúc Phương là một trong ba vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong Danh mục vườn thực vật quốc tế. Đây là cơ sở cung cấp giống cho các chương trình trồng cây rừng bản địa của Việt Nam.

Về chương trình giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn, VQG Cúc Phương đã thành lập được 43 câu lạc bộ bảo tồn tại các trường học, đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng vào chương trình học tập chính khoá cho các em học sinh, với số lượng học sinh tham gia học tập hàng năm lên tới 15.000 lượt. Ngoài chương trình tại các trường học, Vườn cũng đã triển khai một số chương trình tại các thôn bản tập trung vào đối tượng người lớn tại các cộng đồng dân cư và chương trình giáo dục du khách cho khách du lịch tới Cúc Phương.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ của VQG Cúc Phương Đỗ Hồng Hải cho biết: Chương trình giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn là một phần quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển của Vườn quốc gia Cúc Phương. Đây là chương trình được triển khai sớm nhất và hoạt động lâu nhất ở Việt Nam, chương trình cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ của VQG Cúc Phương Đỗ Hồng Hải

Một số hình ảnh tại Vườn Quốc gia Cúc Phương:

Hàng năm VQG Cúc Phương thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến khám phá hệ động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, tham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa trại, mạo hiểm, nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử, văn hóa bản địa.

Cán bộ của VQG Cúc Phương đang chuẩn bị thực phẩm cho những động vật được chăm sóc ở đây

Một cán bộ của VQG đang chăm sóc những chú khỉ con

Đường dây nóng cứu hộ động vật hoang dã bị săn bắt, buôn bán và sử dụng trái phép

Bài và ảnh: Thế Phi