Nắm bắt “dòng chảy” tin tức biến đổi khí hậu

Cập nhật: 19/06/2020
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trở thành chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong thời đại công nghệ số lên ngôi, báo chí đòi hỏi phải giải tỏa cơn khát thông tin mà vẫn đảm bảo yếu tố mới, nóng, tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng thì đề tài về BĐKH hoàn toàn đáp ứng được.

Chưa chú trọng truyền thông về giảm phát thải khí nhà kính

Biến đổi khí hậu là một lĩnh vực khá mới tại Việt Nam. Không đơn giản là những biểu hiện như nắng nóng gây hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, nước biển dâng, bão lũ cực đoan bất thường…, muốn ứng phó với các tác động của BĐKH phải có cái nhìn đa chiều, toàn diện từ nguyên nhân, diễn biến đến các giải pháp tổng thể trên nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực.

Đánh giá về tình hình thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH từ năm 2011 đến nay, Bộ TN&MT nhận định, nhiều hình thức truyền thông đa dạng đã được áp dụng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt, truyền thông tăng cường ý thức, trách nhiệm cá nhân và cộng đồng tại các địa phương về ứng phó BĐKH, nêu gương những mô hình hiệu quả về ứng phó BĐKH… Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành khi phát biểu tại Hội nghị truyền thông về BĐKH cũng nhấn mạnh, các cơ quan truyền thông đã ưu tiên thời lượng, dung lượng đăng phát, đổi mới phương thức truyền thông. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạch định chiến lược, chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về thích ứng với BĐKH, phát triển bền vững.

Dù vậy, thực tế, dường như báo chí khi viết về BĐKH mới “đậm đặc” về phần biểu hiện cụ thể và giải pháp thích ứng với tác động. Trong khi đó, việc giảm phát thải khí nhà kính - nguyên nhân gây ra BĐKH lại chưa được chú trọng. Những giải pháp ở tầm Quy hoạch, Kế hoạch để áp dụng đồng bộ mới chỉ được giới thiệu chung chung và chưa thể hiện rõ được tầm quan trọng. Điều này bắt nguồn từ việc cơ quan báo chí chưa thực sự hiểu đầy đủ và toàn diện về các vấn đề của BĐKH. Lĩnh vực có nhiều thuật ngữ chuyên ngành, học thuật; phương pháp truyền thông chưa thực sự phong phú, hấp dẫn, thu hút người dân; dung lượng, thời lượng, nội dung truyền thông về BĐKH chưa thực sự đáp ứng so với yêu cầu thực tiễn hiện nay; chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội mới, Việt Nam đồng thời phải giảm phát thải khí nhà kính theo ràng buộc cam kết quốc tế về ứng phó BĐKH toàn của Thỏa thuận Paris. Báo chí với vai trò là cơ quan truyền thông đại chúng cần nắm lấy cơ hội để tăng cường hoạt động truyền thông liên quan đến vấn đề này. Đặc biệt, nếu Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, giảm phát thải không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước mà sẽ trở thành trách nhiệm chung của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Vì vậy, việc nhanh chóng nhận thức rõ những thách thức và cơ hội do BĐKH mang lại sẽ giúp cộng đồng có thời gian chuẩn bị. Từ đó, biến thách thức thành cơ hội phát triển kinh tế một cách bền vững, bảo vệ môi trường, đồng thời, xây dựng cộng đồng an toàn trước các tác động khó lường của BĐKH.

Ảnh minh họa

Tận dụng sức mạnh của mạng xã hội

Có một thời gian, sự phát triển của mạng xã hội đe dọa báo chí truyền thống bởi thông tin cập nhật liên tục, đi trước tin tức trên báo chí. Tuy vậy, trước vấn nạn tin giả tràn lan không kiểm chứng trên mạng xã hội, báo chí đã chứng minh được giá trị của mình là nguồn tin chính thống, chính xác, đáng tin cậy. Đồng thời, tận dụng chính mạng xã hội làm kênh giới thiệu tin bài, tăng khả năng lan tỏa thông tin để tiếp cận đến đông đảo bạn đọc hơn nữa. Đây cũng chính là lực đẩy cho việc truyền thông về BĐKH.

Trong thời đại cạnh tranh tin tức, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng sức mạnh của các nền tảng số để đổi mới hình thức và nội dung tin bài sẽ giúp cơ quan báo chí khẳng định vị thế trong tâm trí người đọc. Thực tế, biến đổi khí hậu vẫn luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là ở Việt Nam - 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Điều này thể hiện rõ qua các đợt thiên tai không theo vòng lặp lịch sử. Độc giả ngóng đợi, chia sẻ, bàn luận những tin tức cập nhật từng ngày về diễn biến hạn mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khốc liệt ở miền Trung, Tây Nguyên; băng tuyết xuất hiện trên núi cao hay bão lớn, mưa dông hoành hành gây lũ quét, sạt lở đất ở các vùng núi phía Bắc… Tin tức có đến đâu, mạng xã hội giúp lưu truyền đến đó, theo diễn tiến thời gian thực.

Báo chí có lợi thế là kênh thông tin tổng hợp và có thể khai thác được các nguồn tin phong phú, đáng tin cậy. Đồng thời, phân tích và đưa ra cái nhìn tổng quan nguyên nhân, giải pháp đến độc giả. Khi hai kênh này cùng kết hợp với nhau tạo ra một lực đẩy lớn giúp lưu chuyển dòng chảy các bài viết đến mọi đối tượng. Đây cũng có thể coi là một trong những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả truyền thông về biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Khánh Ly

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường