Công viên Địa chất Toàn cầu Đắk Nông: Di sản Việt vươn tầm quốc tế

Cập nhật: 27/07/2020
Năm năm thành lập là một chặng đường chưa dài nhưng danh hiệu mà Công viên Địa chất Đắk Nông nhận được hôm nay chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực nhằm đưa giá trị di sản địa chất Việt Nam vươn ra quốc tế.

Cảnh đẹp trong CVĐCTC Đăk Nông. (Nguồn: Ban quản lý Công viên Địa chất Đắk Nông)

Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội... Với sự công nhận của UNESCO, CVĐCTC Đắk Nông trở thành di sản địa chất thứ ba ở Việt Nam được tôn vinh (sau CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn và CVĐCTC Non nước Cao Bằng). Như vậy, di sản này tiếp tục tạo lợi thế để quảng bá hình ảnh Việt Nam, lưu giữ được những giá trị đặc trưng, cũng như tạo đòn bẩy lớn cho ngành du lịch của tỉnh Đắk Nông.

Miền đất của âm điệu phong phú

CVĐCTC là một danh hiệu cao quý của UNESCO, nhưng hơn cả một danh hiệu, đây là một mô hình phát triển bền vững. CVĐCTC chứa đựng, liên kết trong mình các di sản: địa chất, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học... Bởi vậy, bên cạnh mục tiêu bảo tồn, CVĐCTC đề ra một mục tiêu rất rõ ràng là nâng cao đời sống cộng đồng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển một cách bền vững, đặc biệt là thúc đẩy du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung.

Với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước…, CVĐCTC Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Là một phần của cao nguyên M'Nông nên thơ, nơi đây hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Điểm đặc biệt nhất trong khu vực di sản là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư R'Luh. Trong khu vực CVĐC còn có các di sản địa kiểu cổ sinh như các hóa thạch Cúc đá, Sò, Hai mảnh vỏ..., các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Tây... và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Trinh Nữ, Dray Sáp...
 
Ngoài những nét đặc trưng nêu trên, CVĐCTC Đắk Nông còn là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di tích cấp quốc gia đặc biệt Đường mòn Hồ Chí Minh và năm di tích cấp quốc gia khác như Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N'Trang Gưh, Địa điểm Chiến thắng Đồi 722 - Đắk Sắk, Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ. 

Đáng chú ý, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng - cảnh quan Đray Sáp và một phần phía nam của Vườn quốc gia Yok Đôn (xã Ea Pô, huyện Cư Jút) là những nơi lưu giữa các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực di sản.

Thành quả của sự chung tay

CVĐCTC Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km, bao trùm trên sáu huyện, thành phố của tỉnh là Krông Nô, Cư Jut, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk Glong và Gia Nghĩa.  Kể từ khi được từ tháng 12/2015 tới nay, công viên đã hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển du lịch tại các điểm, tuyến du lịch đã được thiết kế như điểm đỗ xe, chòi dừng chân, hệ thống pano quảng bá trên các tuyến đường, biển chỉ dẫn tới các điểm tham quan...

Trong suốt thời gian qua, các bộ ngành liên quan, trong đó có Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và nhất là UBND tỉnh Đắk Nông, cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phối hợp, nghiên cứu các giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học để xây dựng và đệ trình hồ sơ CVĐC Đắk Nông lên UNESCO vào tháng 11/2018.

Cảnh đẹp hang động núi lửa Chư Bluk trong CVĐCTC Đăk Nông. (Nguồn: Ban quản lý Công viên Địa chất Đắk Nông)

Chia sẻ về quá trình này, ông Mai Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có một số thuận lợi như: có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và chính quyền nhân dân các cấp; sự quan tâm ủng hộ, hỗ trợ về chuyên môn từ các bộ, ngành và cơ quan Trung ương, đặc biệt là Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, các chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam hiện nay ngày càng cao trên trường quốc tế nói chung và tại UNESCO nói riêng, Việt Nam cũng có mạng lưới các chuyên gia trong nước có uy tín, trình độ chuyên môn tốt và có quan hệ tốt trong mạng lưới các chuyên gia trong lĩnh vực di sản địa chất. 

Tuy nhiên, việc xây dựng hồ sơ và đệ trình UNESCO cũng gặp nhiều khó khăn bởi danh hiệu này là một danh hiệu mới nhằm thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để xây dựng và phát triển CVĐCTC cần có quyết tâm và đồng thuận của chính quyền và người dân, nhưng ông Mai Phan Dũng cho rằng nhận thức của một bộ phận người dân về CVĐC, du lịch bền vững, trách nhiệm bảo vệ các điểm di sản công viên địa chất và mô hình công viên địa chất để phát triển bền vững còn chưa cao. Ngoài ra, nguồn lực về con người, tài chính… dành cho việc xây dựng và hoạt động của CVĐC Đắk Nông còn hạn chế, trong khi Mạng lưới CVĐCTC đòi hỏi sự chuyên sâu về xây dựng cơ sở hạ tầng, biển bảng thông tin, tờ rơi, điểm đỗ xe tại các điểm di sản…

Chặng đường ở phía trước

Có thể thấy, danh hiệu CVĐCTC sẽ góp phần quảng bá mạnh mẽ các địa điểm du lịch của Đắk Nông, qua đó giúp Tỉnh từng bước xây dựng thương hiệu của địa phương gắn với danh hiệu CVĐCTC. Khi được công nhận, Tỉnh phải có những cam kết với UNESCO trong quá trình xây dựng và phát huy giá trị danh hiệu bao gồm công tác xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế cho phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.

Theo quy định, cứ bốn năm một lần, UNESCO sẽ tái thẩm định và đánh giá sự phát triển của từng CVĐCTC. Bởi vậy, sau nỗ lực phát triển để có được danh hiệu, Đắk Nông tiếp tục có chiến lược đầu tư, phát triển để bảo vệ và lan tỏa danh hiệu này.

Được biết, Đắk Nông sẽ sớm hoàn thành đề án khoanh vùng di sản và phương án bảo tồn, phát huy tổng thể các giá trị di sản của CVĐC Đắk Nông, phát triển các sản phẩm để định hướng du lịch cộng đồng và du lịch bền vững tại địa phương. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã có công văn yêu cầu tăng cường thực hiện Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với CVĐC Đắk Nông hướng đến năm 2030. 

Theo Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông, trên nền tảng CVĐC Đắk Nông, tỉnh đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến hấp dẫn theo ba chủ đề chính: Trường ca của lửa và nước, Bản giao hưởng của làn gió mới và Âm vang từ Trái đất... Chính việc thực hiện các cam kết của tỉnh với UNESCO trong quá trình vận hành CVĐCTC sẽ là đóng góp quan trọng vào quy hoạch phát triển chung của Tỉnh theo hướng bền vững.

Chúng tôi đánh giá cao những giá trị nổi bật của CVĐC Đắk Nông và nỗ lực của tỉnh trong việc quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận công viên địa chất toàn cầu. Thời gian tới, tỉnh cần sáng tạo thêm những sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch đồng thời quảng bá được hình ảnh, giá trị của công viên địa chất ứng dụng vào đời sống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt là cho các thế hệ trẻ; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản và cần phải có kế hoạch cụ thể bảo vệ môi trường.

Ông Guy Martini – Chủ tịch Hội đồng thẩm định mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Hà Anh

Nguồn: Báo Quốc tế