Phát triển du lịch gắn kết với môi trường sinh thái và đào tạo nguồn nhân lực

Cập nhật: 04/08/2020
Trong định hướng phát triển kinh tế, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều chú trọng đến mô hình du lịch sinh thái. Đây là loại hình du lịch dồi dào, phong phú, đa dạng và bước đầu khai thác có hiệu quả. Tuy nhiên, để ngành Du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh hơn nữa, những người làm công tác du lịch cần chú trọng đến môi trường sinh thái và đào tạo nguồn nhân lực.

Có thể thấy, việc khai thác hợp lý, phục hồi, cải tạo và tái tạo tài nguyên du lịch sẽ làm tốt lên chất lượng môi trường du lịch, làm tăng sức hấp dẫn tại các điểm, khu du lịch. Ngược lại, việc khai thác không đồng bộ, không có các biện pháp phục hồi, tái tạo tài nguyên du lịch sẽ dẫn đến việc phá vỡ cân bằng sinh thái, gây nên sự giảm sút chất lượng môi trường, sự đi xuống của hoạt động du lịch cũng như chất lượng của môi trường du lịch ở khu vực đó.

Sự phát triển nhanh chóng của du lịch thời gian qua đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhiều địa phương nói riêng. Hoạt động du lịch đã có những tác động góp phần làm tăng tính đa dạng sinh học, bảo tồn cảnh quan, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hóa, hoạt động của các làng nghề truyền thống…

Từ kết quả khảo sát thực tế cho thấy, khá đông du khách lựa chọn du lịch cuối tuần kết hợp du lịch sinh thái tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, để tiềm năng du lịch sinh thái - cuối tuần ở đồng bằng sông Cửu Long được khai thác hiệu quả hơn theo hướng phát triển bền vững, du lịch ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn rất nhiều việc phải làm, trong đó, vấn đề nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch sinh thái là quan trọng nhất.

Hiện nay, ở tất cả các khu du lịch sinh thái ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đội ngũ lao động chuyên nghiệp có năng lực chưa nhiều. Những người lao động thời vụ tại các khu du lịch này có ưu thế là người địa phương, nhưng hoàn toàn thiếu kiến thức về nghiệp vụ du lịch. Trong khi đó sản phẩm du lịch và dịch vụ ở các khu du lịch thường hay bị trùng lặp, đơn điệu, thiếu khả năng cạnh tranh lâu dài. Do đó, ngành Du lịch ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch sinh thái đáp ứng tiêu chí vừa đảm bảo đủ số lượng, vừa có chất lượng chuyên môn cao.

Việc đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và cho phát triển du lịch sinh thái nói riêng cần hướng cụ thể vào những nội dung sau:

Một là, cần tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý và văn hóa giao tiếp kinh doanh du lịch cho tất cả đội ngũ lao động đang làm việc tại các khu du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch. Điều này đặc biệt cần thiết với những người làm nhiệm vụ quản lý từ bộ phận lên tới chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành, giám đốc kinh doanh...

Hai là, cần thực hiện đào tạo tại chỗ và đào tạo lại về nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ lao động trong các cơ sở kinh doanh du lịch. Các lớp này cần được tổ chức linh hoạt để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dịch vụ. Nội dung bồi dưỡng phải thiết thực và cập nhật cả kỹ năng nghiệp vụ, trang thiết bị phù hợp với từng vùng. Riêng đào tạo ngoại ngữ, các cơ sở kinh doanh du lịch phải hướng tới việc đào tạo và sử dụng nhân lực lâu dài để có kế hoạch đầu tư và cho cá nhân tự đầu tư thời gian học ngoại ngữ, không thể chỉ quan niệm chưa có khách quốc tế mà coi thường vốn ngoại ngữ.

Ba là, bên cạnh việc đào tạo nghiệp vụ ngoại ngữ, cần chú ý đến cung cấp kiến thức về môi trường sinh thái như: cảnh quan tự nhiên, các giá trị du lịch sinh thái, hiểm họa môi trường sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, xã hội hóa du lịch... Các kiến thức về nhu cầu, sở thích, thói quen, tập quán giao tiếp ứng xử của khách du lịch cuối tuần (cả khách quốc tế và khách nội địa) khi chọn Đồng bằng sông Cửu Long làm nơi đến cũng cần được trang bị cho người làm dịch vụ, kinh doanh du lịch nơi đây. Từ đó, các khu du lịch, các cơ sở du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được khuyến khích khả năng sáng tạo, cho ra đời những dịch vụ du lịch phù hợp nhất với khách du lịch sinh thái – cuối tuần, đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương.

Bốn là, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho những lao động thời vụ vốn là dân cư địa phương. Vì đây là lực lượng không thuần nhất, không có kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn. Họ được tham gia vào phục vụ trong một số công việc lao động đơn giản phụ trợ cho các hoạt động tham quan, tâm linh, nghỉ dưỡng. Tất cả họ cần phải được trang bị kiến thức cơ bản về giao tiếp ứng xử, kỹ năng bán hàng, vệ sinh môi trường, tiếp thị du lịch…

Có như vậy, du lịch sinh thái – cuối tuần ở Đồng bằng sông Cửu Long mới phát triển bền vững góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Trần Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí Du lịch