Du lịch kết hợp với giáo dục bảo vệ thiên nhiên

Cập nhật: 25/08/2020
Con người đang có xu hướng tìm về với thiên nhiên, do vậy hình thức du lịch kết hợp với giáo dục, bảo vệ thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng, nhất là trong giới trẻ. Không chỉ đơn giản là "thưởng thức thiên nhiên", hình thức du lịch này còn giúp du khách biết cách học hỏi, tôn trọng và gìn giữ thiên nhiên. Gần đây, Ninh Bình cũng đang xây dựng và phát triển một số sản phẩm du lịch như vậy.

Hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho các em học sinh tiểu học tại Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình.

Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan) một cái tên khá mới trong bản đồ du lịch. Cơ sở này thuộc FOUR PAWS Viet - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập tại Ninh Bình vào năm 2014 hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi động vật. Tại đây, hiện đang chăm sóc và bảo vệ cho gần 40 cá thể gấu đã từng bị lấy mật hoặc là tang vật của những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép. 

Đến tham quan nơi này, bạn có cơ hội chứng kiến cảnh sinh hoạt bơi lội, tắm nắng ngoài trời của những chú gấu dễ thương từ cửa sổ của Nhà quan sát. Nhà đón tiếp du khách được xây dựng theo kết cấu gỗ xoan, tường xây bằng đá ong và mái lợp bằng lá cọ, phù hợp với xu hướng kiến trúc xanh ngày nay. 

Tại đây, bạn cũng có thể thưởng thức những món ăn ngon trong nhà hàng chay, nhâm nhi một tách trà và nghe những câu chuyện cảm động về gấu hay mua sắm những món quà lưu niệm nhỏ, thân thiện với môi trường cho bạn bè và người thân như: cốc, bình ủ nước, ống hút bằng tre. 

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của các nhóm du khách mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của gấu và công việc của những người chăm sóc gấu, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình cung cấp các chương trình giáo dục trải nghiệm như "Hướng dẫn làm đồ ăn cho gấu", "Em biết gì về gấu",… 

Em Nguyễn Mai Phương, học sinh Trường THCS Đồng Giao, thành phố Tam Điệp thích thú chia sẻ: Tới đây, chúng em được xem phim, nghe kể chuyện, chơi trò chơi, đóng vai hỏi đáp, đặc biệt là được trải nghiệm công việc chế biến thức ăn cho gấu… Chúng em đã hiểu hơn về mối quan hệ chặt chẽ giữa các loài trong tự nhiên và tại sao phải bảo tồn đa dạng sinh học. 

Bà Ngô Mai Hương, Giám đốc FOUR PAWS Viet cho biết: Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ FOUR PAWS Quốc tế, chúng tôi đang tập trung hỗ trợ các loài động vật chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của con người, động vật hoang dã bị nuôi nhốt trong các điều kiện không phù hợp với tập tính của loài. 

Ngoài các mục đích cứu hộ, các hoạt động dành cho du khách tại Cơ sở còn hướng tới nuôi dưỡng tình yêu của mọi người với động vật, hình thành tư duy và hành động tích cực để bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. Thu nhập từ việc quyên góp, bán đồ lưu niệm sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc chăm sóc gấu và vận hành cơ sở bảo tồn. Khi sử dụng bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào tại đây, bạn đang trực tiếp giúp các cá thể gấu ở đây có một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Thật vui là mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng cơ sở đã thu hút được hàng nghìn lượt khách đến thăm quan trải nghiệm. Đáng chú ý trong số này phần lớn là học sinh, sinh viên và khách quốc tế. Điều này chứng minh giới trẻ đang ngày một quan tâm đến môi trường sinh thái.

Khác với Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, Vườn quốc gia Cúc Phương từ lâu đã là một địa điểm nghiên cứu, tham khảo mẫu vật quan trọng của các thế hệ học sinh, sinh viên, các chuyên gia về bảo tồn, thực vật, động vật tham quan và học tập. Với diện tích trên 22 nghìn ha, Cúc Phương ẩn chứa trong mình hệ động thực vật vô cùng phong phú. 

Tại đây, các nhà khoa học đã thống kê có tới hơn 2,2 nghìn loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam. Về động vật, Cúc Phương có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2 nghìn loài côn trùng, 135 loài thú, 336 loài chim. 

Ngoài ra, ở đây còn có Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng có nhiệm vụ cứu hộ từng cá thể các loài thú linh trưởng quý hiếm (Voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh, voọc Chà vá chân nâu…); chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê hoạt động nhằm góp phần bảo tồn quần thể thú ăn thịt và tê tê hoang dã bị đe dọa ở Việt Nam; chương trình bảo tồn rùa chăm sóc hơn 600 cá thể của 19 loài trên tổng số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam. 

Mang trong mình những giá trị to lớn như vậy nên Vườn luôn thu hút một số lượng lớn khách du lịch đến tham quan và luôn tăng theo từng năm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, du khách lại càng có xu hướng tìm kiếm những nơi ít đông đúc, gần gũi với thiên nhiên hơn như Cúc Phương.

Đại diện lãnh đạo Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết: Các hoạt động du lịch tại Vườn hướng đến những du khách quan tâm và yêu thích với rừng từ khía cạnh kiến thức cũng như bảo tồn. Đây là những khách du lịch có nhận thức tốt về trách nhiệm đối với môi trường. Ngoài ra, những tour du lịch giáo dục trải nghiệm thiên nhiên như: tìm hiểu cuộc sống về đêm của động vật, đi bộ xuyên rừng và tìm hiểu về nghề bảo tồn thiên nhiên, tham quan các trung tâm cứu hộ động vật… cũng thu hút rất đông du khách, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên. 

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường đang là xu hướng phát triển tất yếu của ngành Du lịch nhiều quốc gia trên thế giới. Mô hình du lịch kết hợp với giáo dục bảo vệ thiên nhiên như ở Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình và Vườn quốc gia Cúc Phương cho thấy những giá trị kinh tế - xã hội bền vững mà nó mang lại. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác, quản lý tốt hơn loại hình du lịch này đang cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhà quản lý. 

Thực tế như ở Vườn quốc gia Cúc Phương, nguồn thu từ các hoạt động du lịch vẫn còn rất khiêm tốn. Thực ra, khách du lịch yêu thích thiên nhiên họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho những dịch vụ ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia dù dịch vụ có đơn sơ hơn. Vườn quốc gia Cúc Phương hoàn toàn có thể tăng giá vé hoặc có thêm phụ thu ngày lễ để có ngân sách cho việc xử lý rác thải, bảo vệ rừng, chăm sóc, cứu hộ động vật…

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn: Báo Nhân dân