Quảng Ngãi: Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 17/11/2020
Trong dòng chảy văn hóa của dân tộc, Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn có giá trị văn hóa độc đáo, chỉ riêng có ở huyện đảo này. Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội cổ truyền trong đời sống đương đại 

Hiếm có nơi nào như ở Lý Sơn, nhiều giá trị văn hóa truyền thống vẫn được giữ gìn nguyên vẹn mặc cho cuộc sống có nhiều đổi thay. Lễ hội đua thuyền tứ linh cũng vậy, qua bao đời vẫn thế, người dân Lý Sơn từ già chí trẻ vẫn mong chờ Tết đến Xuân về để được xem hội đua thuyền. Thế nên, ở Lý Sơn mới lưu truyền qua bao đời câu ca dao:

“Lý Sơn có lệ cổ truyền
Hằng năm Tết đến đua thuyền vui Xuân”

hay như: 

“Mùng Bốn có hội đua ghe
Cho đến mùng Bảy bắt phe dồi bòng”... 

Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn. Ảnh: Minh Anh

Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn gắn liền với lịch sử lâu đời khi cư dân Việt từ đất liền ra đảo định cư từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, dưới thời Lê Trung Hưng và các chúa Nguyễn. Gọi là đua thuyền tứ linh bởi lẽ có 4 thuyền đua được trang trí hình dáng tượng trưng và mang tên con vật trong bộ tứ linh theo quan niệm trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt, đó là: Long, Lân, Quy, Phụng. Đây là sinh hoạt văn hóa tinh thần - kết hợp nghi lễ với vui chơi dân gian có quy mô lớn nhất, thu hút người dân tham gia đông nhất trên huyện đảo.

Hình thức diễn xướng nghi lễ mang hình thức tâm linh thể hiện trong toàn bộ các hoạt động của lễ hội đua thuyền tứ linh, ở cả phần nghi lễ lẫn phần hội, tạo thành hồn cốt của lễ hội, rõ nhất là ở quy trình lễ hội cũng như các nghi thức, các điều kiêng kỵ... vốn được lưu truyền từ xa xưa.

Vẹn nguyên giá trị cổ xưa

Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã cất công nghiên cứu từ trong thực tiễn và qua các tài liệu cổ xưa suốt một thời gian dài để làm hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội đua thuyền diễn ra ở nhiều địa phương, nhưng không nơi nào có được giá trị độc đáo như ở Lý Sơn. Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn diễn ra theo trình tự 3 giai đoạn: Trước lễ hội, lễ hội và sau lễ hội. Trước lễ hội thì đóng thuyền mới, sửa sang thuyền cũ. 

Theo quan niệm của người dân địa phương, con thuyền cũng có linh hồn và là yếu tố quyết định sự thành bại trong một cuộc đua. Những năm không đóng thuyền mới thì tiến hành sửa chữa, vệ sinh thuyền đua cẩn trọng. Việc đóng thuyền mới và sửa chữa thuyền cũ phải nhất thiết hoàn thành vào đầu tháng Chạp, sau đó chọn ngày lành để làm lễ hạ thủy. Lễ hạ thủy được tổ chức trang nghiêm với đầy đủ các lễ vật và nghi thức cổ xưa. Trong buổi lễ, có nghi thức phạt mộc, thầy phù thủy dùng chiếc rìu chặt ba nhát tượng trưng vào thân gỗ ở mũi thuyền với ý nghĩa xua đuổi mộc tinh, ma quỷ vấn vít trong thân mộc, để thuyền đua được “nhẹ nhàng” mà lướt đi trên sóng nước...

Trước khi tham dự hội đua thuyền, đại diện các tộc họ trong làng đến đình làng làm lễ cáo Thành hoàng và các vị tiền hiền, xin phép mở hội. Hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn theo truyền thống gồm 2 cuộc đua, diễn ra tại hai xã An Hải và An Vĩnh (trước đây). Mỗi xã có 4 con thuyền đua. Cuộc đua của hai xã cùng diễn ra trong 4 ngày (từ mùng 4 đến mùng 7 tháng Giêng).

Trường đua thay vì trên sông như ở các nơi, ở Lý Sơn thì là đua thuyền trên biển gần bờ, gần với đình làng. Đường đua là khoảng đường biển mà thuyền đua phải vượt qua trong một cuộc đua gồm 4 vòng (8 dạo), với tổng chiều dài khoảng hơn 4 hải lý. Cuộc đua bắt đầu sau phần nghi lễ dành cho các chủ thuyền và các tài công. Những ai đã một lần xem hội đua thuyền ở Lý Sơn thì không sao quên được không khí rộn rã với tiếng trống giục giã, tiếng hò reo cổ vũ huyên náo cả một vùng không gian biển đảo. 

Sau khi kết thúc hội đua thuyền, các vị chức sắc của làng cùng các tay đua và người dân về lại các dinh (miếu) để làm lễ hoàn nguyện, sau đó là tiệc chiêu đãi quan khách và dân làng.

Riêng khía cạnh thuyền đua ở Lý Sơn là giá trị văn hóa độc đáo, đi cùng với đó là nhiều nghi thức và tục lệ cầu cúng thần linh. Mỗi thuyền đua đều được cất giữ và thờ cúng tại một nơi gọi là xưởng thuyền, nằm ngay phía sau các miếu của thôn hoặc của lân. Thuyền đua được chạm khắc rất công phu. Đội đua thuyền là những chàng trai mạnh khỏe, giỏi nghề biển. Mỗi đội đua có 21 - 24 người, đều là nam giới, tuổi từ 18 đến 55, trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng khoan (lo việc tát nước), 1 đập then và các tay chèo. Mỗi thuyền đua đều có đồng phục riêng cho các tay đua. 

Qua lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn cho thấy ý  thức cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm và tình yêu quê hương, tình yêu biển, đảo đã ăn sâu trong tâm thức của cư dân đất đảo.

Minh Anh

Nguồn: Báo Quảng Ngãi