Hành động toàn cầu vì năng lượng bền vững

Cập nhật: 12/01/2021
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng, năng lượng sạch sẽ phát triển mạnh trong năm 2021.

Mọi người lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời cho một bệnh viện ở Yemen. Ảnh: UNDP Yemen

Mặc dù, thế giới hiện khó đạt được các mục tiêu khí hậu và Mục tiêu Phát triển Bền vững 7 (SDG7) để tiếp cận phổ quát với năng lượng sạch, giá cả phải chăng và đáng tin cậy, nhưng ông Marcel Alers, Trưởng bộ phận Năng lượng của UNDP cho rằng, các giải pháp năng lượng sạch hiện tại có thể giúp chúng ta đạt được điều đó. “Ngày càng có nhiều động lực cho thấy năng lượng sạch cần được ưu tiên đầu tư”, ông Alers nói.

Đầu tư thông minh

Theo ông Alers, nhiên liệu hóa thạch từng ít tốn kém hơn năng lượng sạch nhưng điều này đang thay đổi. “Năng lượng tái tạo đang có giá cả hợp lý hơn hàng năm và một số loại năng lượng này hiện rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch”, ông cho biết và chỉ rõ kể từ năm 2010, giá thành điện mặt trời đã giảm 89%.

“Hiện nay, việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ có chi phí thấp hơn việc xây dựng các nhà máy điện than mới ở hầu hết các quốc gia và năng lượng mặt trời hiện là loại năng lượng rẻ nhất trong lịch sử”, ông Alers nhấn mạnh.

Hơn nữa, trong bối cảnh một năm đặc biệt khó khăn và phải chịu nhiều thất bại, nhưng lĩnh vực năng lượng tái tạo đã dần có khả năng phục hồi. “Giá thành điện mặt trời giảm cùng với tiến bộ công nghệ và sự ra đời của các mô hình kinh doanh sáng tạo cho thấy năng lượng tái tạo đã thay đổi đáng kể”, ông Alers cho biết và thúc giục các khoản đầu tư năng lượng sạch quy mô lớn từ khu vực công và tư nhân.

Biến cam kết thành hành động

Trong suốt năm 2020, các quốc gia đã cam kết xây dựng các nước “xanh hơn và công bằng hơn”. Ông Alers nói: “Với sự hỗ trợ từ Cam kết Khí hậu của UNDP, 115 quốc gia đã cam kết trình các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)”.

Ông cũng cho biết, các nước có mức phát thải cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đã đưa ra các cam kết không phát thải carbon và Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố sẽ tái gia nhập Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

“Cần phải chuyển những cam kết này thành hành động. Các cam kết mang tính tham vọng cao là tín hiệu mạnh mẽ và là bước đầu tiên cần thiết để đạt được mức phát thải ròng bằng không”, ông Alers khẳng định.

Phục hồi xanh

Năng lượng sạch cũng là một giải pháp tốt để phục hồi từ đại dịch Covid-19 vì nó có thể cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo nhất trên thế giới, đồng thời cung cấp nguồn điện giúp các trung tâm y tế hoạt động.

“Vì một số vắc-xin Covid-19 cần được bảo quản ở -70 độ C nên việc cung cấp điện đảm bảo việc bảo quản này sẽ rất quan trọng”, ông Alers nói.

Hơn nữa, đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể tạo ra nhiều việc làm gấp ba lần so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. “Khi thế giới đang đô thị hóa nhanh chóng, hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà, hệ thống sưởi và làm mát bền vững, quy hoạch đô thị thông minh và các phương án giao thông bền vững… là chìa khóa cho tương lai của các thành phố”, ông Alers nói thêm.

Hướng đến tháng 9/2021

Vào tháng 9 năm nay, lần đầu tiên sau 40 năm, Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức Đối thoại Cấp cao về Năng lượng dành cho các quốc gia, doanh nghiệp, xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh hành động về năng lượng bền vững.

Quản trị viên của UN-Energy và UNDP Achim Steiner gần đây đã kêu gọi tăng cường quản trị năng lượng toàn cầu và cho rằng “năng lượng sạch vừa có thể mang lại khả năng tiếp cận năng lượng toàn cầu vừa góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Mặc dù, việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang các nền kinh tế xanh là một nhiệm vụ lớn, nhưng ông Alers đảm bảo rằng “chúng ta đã sẵn sàng để vượt qua thách thức đó”.

Mai Đan

Nguồn: Báo Tài Nguyên & Môi Trường