Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học

Cập nhật: 13/01/2021
Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường kết hợp du lịch, cân bằng hệ sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là để rừng sinh trưởng bền vững. Hiện, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực cùng các địa phương chú trọng thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học.

Người dân xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) ươm giống rau sắng để nhân rộng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Thanh Bạch

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, kết quả điều tra cho thấy, khu vực rừng của Hà Nội có mức độ đa dạng sinh học cao, rất nhiều động, thực vật cần bảo tồn; hệ sinh thái rừng kín, mưa ẩm; lá nhiệt đới, cây lá rộng xen cây lá kim ở độ cao từ 600m trở lên so với mặt nước biển. Hệ sinh thái này chỉ có ở Vườn quốc gia Ba Vì. Tiếp đến là hệ sinh thái núi đá vôi, chủ yếu ở khu vực Hương Tích, Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), ngoài phát triển du lịch, khu vực này còn lưu giữ một số loài thực vật quý hiếm. Rừng của Hà Nội còn có hàng trăm loài động vật quý hiếm. Để bảo tồn đa dạng sinh học, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ; tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Về phía Chi cục Kiểm lâm, thời gian qua, đã cấp chứng nhận đăng ký cho 104 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; 81 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường; 1 cơ sở trồng cấy nhân tạo thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhằm giảm khai thác tự nhiên; cấp mới, cấp đổi 94 chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản động, thực vật hoang dã; tịch thu, tái thả hàng trăm cá thể động vật hoang dã…

Tuy nhiên, hiện công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực rừng vẫn khó khăn. Cụ thể, công tác xử phạt vi phạm pháp luật về bảo tồn chưa hiệu quả, còn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; nhận thức về bảo vệ đa dạng sinh học trong phát triển rừng bền vững của một bộ phận người dân và chính quyền địa phương chưa cao; nguồn lực phục vụ làm giàu rừng, đa dạng sinh học còn hạn chế...

Đơn cử, Mỹ Đức là một trong những huyện có diện tích rừng lớn của thành phố. Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn thông tin, Mỹ Đức có 3.400ha rừng đặc dụng, hơn 1.100ha rừng đồi núi đá vôi, độ che phủ chưa tới 20%; trữ lượng rừng, đa dạng sinh học rất kém; địa phương và người dân trên địa bàn nhận thức về bảo vệ, phát triển đa dạng sinh học rừng chưa rõ nét. Do đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Mỹ Đức đề nghị thành phố và ngành lâm nghiệp hỗ trợ việc bảo tồn đa dạng sinh học... Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, diện tích rừng phòng hộ tại Sóc Sơn được hình thành trên cơ sở rừng trồng, chủ yếu là rừng hỗn giao, đơn loài; rừng được giao quản lý mà chưa gắn với giao đất khiến kinh phí phục vụ lĩnh vực này chưa tương xứng...

Để khắc phục tồn tại, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, từ nay đến năm 2025, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh giao rừng gắn với giao quyền sử dụng đất; tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và người dân trong công tác bảo vệ rừng... Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo tồn, phục hồi các loài linh trưởng quý hiếm ở rừng đặc dụng Hương Sơn; điều tra, đánh giá hiện trạng các loài thực vật, động vật đặc hữu thuộc Vườn quốc gia Ba Vì và rừng đặc dụng Hương Sơn; tiếp tục nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giá trị bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm...

Sơn Tùng

Nguồn: Báo Hànộimới