Bến Tre: Các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường

Cập nhật: 15/01/2021
Thời gian qua, các mô hình tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) tại tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai có ý nghĩa, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn môi trường sống “xanh - sạch - đẹp” tại địa phương.

Nhiều mô hình thiết thực

Quyền Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Phúc Linh cho biết, những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Bến Tre đã quan tâm hướng dẫn các vị chức sắc và đồng bào tín đồ các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động theo đặc điểm riêng của từng tôn giáo bằng những việc làm thiết thực. Trong đó, có các hoạt động BVMT đã mang lại nhiều hiệu quả.

Cụ thể, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) đã chọn xã Vĩnh Thành làm mô hình điểm cung cấp hơn 3.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác BVMT cho 100% số hộ trên địa bàn. Và Xã Vĩnh Thành cũng đã chọn ấp Bình Tây có trên 90% đồng bào theo đạo Công Giáo làm điểm, tổ chức tuyên truyền, vận động đăng ký thực hiện.

Triển khai mô hình xã điểm “Xây dựng mô hình vận động chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài Ban chỉnh đạo Mỹ Thạnh và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường”

Qua đó, đã nạo vét được 3.500 m kênh mương, lấp cống rạch để trữ nước ngọt; ra quân xây dựng cảnh quan môi trường, dọn dẹp vệ sinh và làm cỏ 3 tuyến đường dài gần 3.000 m trên địa bàn; xây dựng 5 hầm chứa rác thải độc hại để xử lý, chủ yếu là vỏ chai và bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức đắp 8 tuyến đê chiều dài 5.100 m và xây 93 cống, mua 204 bồn chứa nước ngọt để phòng chống hạn mặn.

Còn huyện Ba Tri đã xây dựng mô hình xã điểm “Xây dựng mô hình vận động chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài, Ban chỉnh đạo Mỹ Thạnh và nhân dân tham gia BVMT”. Kết quả đã có 100% hộ gia đình tham gia dọn dẹp cảnh quan môi trường trong khu dân cư sạch đẹp; trên 90% hộ gia đình có hàng rào khuôn viên được chăm sóc cắt tỉa; hộ gia đình có số lượng chăn nuôi nhiều tham gia xây dựng hầm biogas xử lý chất thải, nước thải và có trên 95% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh.

Riêng Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Bến Tre đã thành lập 4 Ban vận động tại 4 cụm điểm của Ban Trị sự các xã: An Hòa Tây (Ba Tri), Quới Thành (Châu Thành), Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc), Vĩnh Bình (Chợ Lách) với 28 thành viên. Từ đó, có hàng trăm hộ tín đồ đăng ký trang bị dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt, xử lý rác thải bằng cách chôn hoặc đốt, thu gom vỏ bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi. Đặc biệt, qua đợt sạt lở tại cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách) vừa qua, cụm điểm Ban Trị sự xã Vĩnh Bình đã phối hợp Hội Chữ thập đỏ địa phương thành lập đội ứng phó, tích cực tham gia xuyên suốt khắc phục, hỗ trợ di dời nhà dân, củng cố lại các tuyến đê bao…

Nhân rộng các mô hình

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mỹ Thạnh (huyện Ba Tri), mô hình xã điểm “Xây dựng mô hình vận động chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài, Ban chỉnh đạo Mỹ Thạnh và nhân dân tham gia BVMT” được triển khai đã làm thay đổi nhận thức và có tác động tích cực đến ý thức BVMT trong đồng bào tín đồ và nhân dân. Trong quá trình sinh hoạt, sản xuất,… các vỏ bao bì, chai lọ, túi ni lông, những rác thải độc hại được bà con thu gom, tiêu hủy đúng quy định.

Hoạt động trồng cây xanh, giữ môi trường xanh - sạch - đẹp

“Trong thời gian tới, MTTQ xã Mỹ Thạnh tiếp tục theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các ấp thực hiện tốt các nội dung công việc của mô hình. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân đăng ký tham gia đầy đủ việc thu gom rác thải về nơi tập trung; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, đồng bào tín đồ các tôn giáo và quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo 100% hộ dân chủ động trong việc BVMT”, ông Tuấn cho hay.

Còn theo Hiến pháp Lữ Minh Châu - Tổng Thư ký Tòa Thánh Bến Tre, trên toàn tỉnh Bến Tre có 60 thánh thất với khoảng hơn 800.000 tín đồ. Hội Thánh sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tích cực tham gia các hoạt động BVMT như: trồng cây xanh tại các cơ sở thờ tự; phối hợp dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; đặc biệt là vận động các tín đồ và người thân thay đổi những thói quen trong sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi có nguy cơ mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.

Quyền Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Phúc Linh cho rằng, các mô hình của tôn giáo tham gia BVMT giúp gắn kết giữa đồng bào theo đạo và đồng bào ngoại đạo. Qua mô hình, ý thức chung về BVMT trong đồng bào tín đồ và nhân dân được nâng cao, có ý thức trong việc giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp, cũng như có các giải pháp để phòng chống hạn mặn cho cây trồng, vật nuôi,… nhất là kinh nghiệm giúp thích ứng với diễn biến thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra rất phức tạp như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Phúc Linh, thời gian tới, MTTQ tỉnh Bến Tre sẽ tập trung nhân rộng các mô hình hiện có nhằm góp phần BVMT. Tăng cường công tác vận động xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, chức sắc, tín đồ các tôn giáo hỗ trợ các hoạt động BVMT. Đồng thời, xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản, cơ sở tôn giáo đoàn kết trong việc BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bạch Thanh

Nguồn: Báo Tài Nguyên & Môi Trường