Biến đổi khí hậu và mô hình du lịch có trách nhiệm của thế kỷ 21

Cập nhật: 28/06/2020
(TITC) - Theo ông Nicolas Stern, Nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, ngày nay khi nói về xu hướng du lịch trong tương lai thì không thể bỏ qua những dấu hiệu báo động về sự mất bền vững hiện tại. Hệ sinh thái của trái đất đã thay đổi nhanh chóng trong nửa cuối thế kỷ 20. Năm 1962, nhu cầu sử dụng tài nguyên của con người tương ứng 70% khả năng tái tạo của trái đất. Đến những năm 1980, nhu cầu sử dụng đã bằng 100% khả năng tái tạo hàng năm của trái đất; và đến những năm 1990, nhu cầu đã vượt quá 20% khả năng tái tạo của trái đất.

Sự tăng trưởng nhanh chóng dân số thế giới và hậu quả của công nghiệp hóa gây áp lực ngày càng tăng lên nguồn tài nguyên thiên nhiên toàn cầu dẫn tới những thảm họa môi trường, tạo ra những vùng không thể sinh sống trên mặt đất và dưới nước. Hệ thống kinh tế không bền vững này phát triển nóng dựa trên nhiên liệu hóa thạch đã làm tăng lượng khí thải CO2, gây ra biến đổi khí hậu chưa từng có. Năm 2007, Paul Crutzen và các nhà khoa học tự nhiên khác đã chứng minh một cách khoa học rằng sự biến đổi khí hậu và địa chất gây “rung động trái đất” là hậu quả trực tiếp gây ra bởi các hoạt động của con người, bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp vào khoảng năm 1800. Về mặt địa chất, các nhà khoa học cho rằng sự phát triển công nghiệp đã mang lại dấu chấm hết cho kỷ địa chất Holocene và bước vào thế kỷ 21 với kỷ Anthropocene - thời kỳ con người phải đối mặt với nguy cơ tự tuyệt chủng.

Suy thoái kinh tế Phố Wall năm 2008 đã tác động lớn đến kinh tế thế giới làm gia tăng khoảng cách giầu nghèo là một minh chứng cho sự mong manh của kinh tế và xã hội toàn cầu.

Ngoài ra, các thông tin được đưa ra trong các cuộc nghiên cứu khác cũng sẽ minh họa sự không hài lòng với cách sống hiện tại. Cuộc nghiên cứu diễn ra trong 13 năm với sự tham gia của trên 100.000 người được khảo sát ở độ tuổi trên 22, chia ra khoảng 500 nhóm và tiến hành 60 cuộc phỏng vấn chuyên sâu. Cuộc nghiên cứu đã ước tính rằng khoảng 24% người Mỹ đang chuyển từ văn hóa truyền thống và hiện đại để chào đón cách sống “hiện đại hơn” Một loạt tiêu chuẩn khác nhau đã hình thành nên xu hướng văn hóa mới. Họ đánh giá cao mối quan hệ nhân văn, hợp tác, hòa bình, công bằng xã hội, sự linh hoạt và biểu lộ bản thân. Họ quan tâm đến nội tâm và xã hội. Các tiêu chuẩn của xu hướng văn hóa mới được thể hiện tóm tắt như: Quan tâm đến hệ sinh thái bền vững, từ việc xây dựng lại cộng đồng, cho đến việc cần chấm dứt hiện tượng nóng lên toàn cầu; Chủ nghĩa toàn cầu, thể hiện từ sự yêu thích du lịch tới những điểm mới, cho đến sự quan tâm các vấn đề về dân số toàn cầu; Những giá trị nhân văn tích cực, từ sự đồng cảm lẫn nhau, cho đến mong muốn cải thiện mối quan hệ công cộng và trong cuộc sống cá nhân; Tính nguyên bản, có nghĩa là hành động nhất quán phù hợp với các giá trị, tiêu chuẩn; Chủ nghĩa vị tha, đề cập đến sự phát triển cá nhân, sự tự hoàn thiện và đời sống tinh thần; Hoạt động xã hội, bao gồm cam kết về việc xây dựng tương lai bền vững.

Thêm vào đấy, cuộc Khảo sát giá trị thế giới (WVS) nổi tiếng được triển khai từ năm 1981 đến nay với các cuộc khảo sát tại 100 quốc gia (chiếm khoảng 90% dân số thế giới), đã chỉ ra rằng ngày càng nhiều người ở cả quốc gia giàu hay nghèo đều dành nhiều thời gian để suy nghĩ về ý nghĩa và mục đích sống, chuyển từ mô hình vật chất sang mô hình hậu vật chất.

Cuộc đại tái thiết và sự xuất hiện lớp ‘người tiêu dùng có ý thức’ sau khủng hoảng kinh tế

Xu hướng thay đổi mô hình phát triển càng được thúc đẩy sau khi xảy ra cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất. Rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành bởi các tổ chức chuyên về thị trường đã khẳng định xu hướng này. Ví dụ như cuốn Great Reset (2010) của Richard Florida nói về lối sống và làm việc mới đã dẫn dắt sự phát triển thời kỳ hậu suy thoái kinh tế. Công ty Futures đã xuất bản cuốn A Darwinian Gale and the Era of Consequences (2010) đề cập đến sự chuyển đổi hướng đến một ‘kỷ nguyên mới’ với những tiêu chuẩn liên quan đến tính trách nhiệm, đối ngược với thế kỷ 20 là ‘kỷ nguyên đam mê” với các tiêu chuẩn dựa trên thương mại - tiêu dùng; còn thế kỷ 18, 19 được coi là ‘kỷ nguyên sẵn sàng’ với những giá trị mới sinh ra trong quá trình mở mang.

Tương tự như vậy, công ty Euro RSCG đã tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn khảo sát chuyên sâu 5.700 người trưởng thành tại 7 quốc gia (Brazil, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Anh). Kết quả khảo sát đã cho thấy họ cảm thấy mệt mỏi trước những sức ép về kinh tế, ngay cả lúc trước khi xảy ra khủng hoảng.  Các phong trào như sử dụng thực phẩm hữu cơ hay đồ tái chế trở thành trào lưu trong các thị trường này. Đây là biểu hiện của sự nâng cao ý thức về việc lựa chọn tiêu dùng cá nhân khi lựa chọn này có ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, của những người xung quanh, và cuối cùng là của hệ sinh thái. Nghiên cứu của Euro RSCG chỉ ra rằng khi suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng hơn, mọi người bắt đầu suy nghĩ sâu hơn về cuộc sống và sự lựa chọn của mình.

Trong tất cả phân khúc thị trường được khảo sát, các phản hồi đều cho thấy sự bất mãn với văn hóa tập trung vào chủ nghĩa tiêu thụ và dành quá nhiều thời gian trước màn hình tivi và màn hình máy tính. Nghiên cứu cũng cho thấy những thông tin thú vị khác: có 69% tổng số người được điều tra lo lắng rằng xã hội đang trở nên quá nông cạn và chỉ tập trung vào bề nổi của cuộc sống. Tỷ lệ đó tăng lên 79% tại Mỹ, 77% tại Pháp và 75% tại Anh. Có 60% người điều tra tin rằng con người đang trở nên lười suy nghĩ, trong khi 67% tin rằng con người đang lười tập thể dục. Trong cả hai trường hợp, tỷ lệ cao nhất là tại Mỹ và Anh, cả hai nước đều bị bão hòa bởi sự gia tăng của chủ nghĩa tiêu thụ.

‘Người tiêu dùng mới’ muốn nhiều hơn nữa, họ không quan tâm đến việc tiêu thụ số lượng lớn hàng hóa mà họ quan tâm nhiều đến mục đích ý nghĩa, gắn kết xã hội, tính bền vững. Điều tra thị trường của công ty Ogilvy and Mather cũng có kết quả tương tự về ý thức người tiêu dùng sau suy thoái kinh tế với 75% người được khảo sát cho rằng họ muốn thoát khỏi áp lực cạnh tranh công việc, muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn là dành cho việc kiếm tiền.

Xuất hiện ngày càng nhiều người tiêu dùng và khách du lịch có ý thức

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, chúng ta thấy nhu cầu ngày càng tăng về các kỳ nghỉ có ý thức, một xu hướng du lịch có trách nhiệm làm thay đổi phong cách sống và quan tâm tích cực đến điểm đến. Các nghiên cứu chuyên ngành cũng khẳng định xu hướng này, dù dùng các thuật ngữ khác nhau để diễn đạt sự thay đổi hướng tới phương thức du lịch mới. Có nhà nghiên cứu coi đó là xu hướng du lịch của tương lai, người khác gọi nó là du lịch chuyển đổi, trong khi đó Anna Pollock, mộtchuyên gia tư vấn và quản lý điểm đến nổi tiếng, gọi là du lịch có ý thức. Cho dù với bất kỳ thuật ngữ nào thì các nghiên cứu đều đề cập tới xu hướng du lịch có trách nhiệm.

Khách du lịch theo xu hướng chuyển đổi có đặc điểm sau: họ đi du lịch để khai phá bản thân và thế giới; họ du lịch theo kiểu tình nguyện viên và tạo sự khác biệt; họ yêu thích sự chậm rãi, nhỏ gọn và đơn giản hướng tới sự tự lực; họ thích kết nối và trò truyện; họ tìm kiếm trải nghiệm có ý nghĩa giúp họ phát triển bản thân. Nói chung họ đi du lịch để suy nghĩ về cuộc sống và tạo động lực để thay đổi cuộc sống khi quay trở về, thay đổi phong cách sống và công việc đang làm. Nhiều sản phẩm du lịch đã được tạo ra cho phép du khách có trải nghiệm mới và thay đổi nhân sinh quan như là du lịch giáo dục, tình nguyện viên, học cách sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông trại, du lịch khám phá, du lịch văn hóa, du lịch y tế, du lịch tín ngưỡng và du lịch yoga.

Những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và cách sống của người tiêu dùng phải đi cùng với sự thay đổi tương tự ở những công ty, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ để mang lại kết quả tốt nhất. Động cơ lợi nhuận làm nền tảng cho triết lý kinh doanh trong nhiều thế kỷ qua nay đã bị các nhà kinh tế học và các nhà phân tích chính trị nổi tiếng phản đối vì những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Ví dụ như, Naomi Klein đã chỉ ra cần khẩn cấp thay đổi mô hình kinh tế cũ kỹ trước những thách thức của biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh rằng cần phải vứt bỏ ý thức hệ về mô hình thị trường tự do hoàn toàn, chấm dứt tham vọng và quyền lực của độc quyền và tái cơ cấu lại nền kinh tế địa phương.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải xem xét lại cách thức đáp ứng xu thế mới, tính đến nhu cầu của hành tinh và những thay đổi cơ bản trong tiêu dùng du lịch và phong cách sống. Sự chuyển đổi mô hình này chỉ ra rằng mục tiêu tạo lợi nhuận cần phải được tích hợp với mục tiêu phúc lợi xã hội và môi trường. Nhà kinh tế học người Mỹ Otto Sharmer miêu tả sự chuyển đổi này là sự chuyển đổi từ hành vi ích kỷ (tối đa hóa lợi ích cá nhân) sang hành vi quan tâm đến môi trường (góp phần vào môi trường tự nhiên, văn hóa, xã hội ở xung quanh). Nhiều chuyên gia ủng hộ cách tiếp cận này trong hoạt động của doanh nghiệp và kêu gọi các doanh nghiệp du lịch cùng góp phần vào bảo vệ môi trường ở khu vực hoạt động của mình. Hợp tác, chia sẻ và những giá trị chung sẽ dẫn dắt hành vi kinh tế mới và tạo ra cuộc sống bền vững trên hành tinh.

Tất cả hoạt động kinh doanh đều đang đối mặt với sự thay đổi, và ngành du lịch cũng vậy. Trên thực tế, vì là ngành kinh tế tổng hợp có quy mô và phạm vi hoạt động rộng, tiêu hao tài nguyên, nên du lịch cần phải là một trong những ngành tiên phong thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế mới.

Các doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm cần hưởng ứng lời kêu gọi và lồng ghép tiêu chí trách nhiệm xã hội trong sứ mệnh và hành động của doanh nghiệp. Michael Porter, Giáo sư trường Harvard và một nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng thế giới chuyên về quản lý và cạnh tranh tuyên bố rằng các doanh nghiệp trước hết cần phải xem xét nhu cầu xã hội và cộng đồng/điểm đến nơi họ triển khai hoạt động và hưởng ứng bằng việc xây dựng sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu trên. Giáo sư đã định nghĩa quá trình kinh doanh này là ‘tạo ra giá trị chia sẻ’. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc áp dụng phương pháp này sẽ giúp công ty thành công trên mọi mặt.

Sự phát triển của xu hướng này đã làm sinh ra một đội ngũ doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm với xã hội, mang tư duy sáng tạo.

Trung tâm Thông tin du lịch