Bắc Kạn phê duyệt đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Cập nhật: 15/08/2020
(TITC) - Ngày 10/8/2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách, tăng nguồn thu cho địa phương, nâng cao sức cạnh tranh về du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Hồ Ba Bể, ảnh: internet

Bắc Kạn là tỉnh miền núi Đông Bắc, thuộc vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ; có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, thuận lợi để phát triển du lịch. Trong đó nổi bật là hồ Ba Bể, danh lam thắng cảnh nổi tiếng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2012. Tuy nhiên du lịch Bắc Kạn nói chung và du lịch hồ Ba Bể nói riêng còn nhiều hạn chế: Lượng khách du lịch còn thấp (đặc biệt là khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch chưa đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn... Để cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong điều kiện Bắc Kạn còn nghèo, chưa có khả năng cạnh tranh du lịch chất lượng cao thì việc xây dựng Đề án Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030 là cần thiết nhằm nghiên cứu và xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, định hướng ưu tiên đầu tư các dự án để thu hút đầu tư phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Thực trạng về hoạt động du lịch của Bắc Kạn trong giai đoạn 2015-2020

Trong giai đoạn vừa qua, lượng khách du lịch đến Bắc Kạn đạt tốc độ tăng bình quân là 10%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế là 14,8%/năm, khách du lịch nội địa là 9,8%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng trưởng bình quân là 8,4%/năm. Tuy nhiên, do thời gian lưu trú của khách ngắn, mức chi tiêu bình quân thấp (bình quân 700.000 đồng/lượt khách) nên tổng thu từ khách du lịch vẫn còn hạn chế.

Về thị trường khách du lịch đến địa phương chủ yếu là khách du lịch nội địa. Thị trường khách quốc tế chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là khách châu Âu đến tham quan, nghiên cứu, du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa bản địa. Kết quả điều tra tại các điểm du lịch cho thấy, 70% lượng khách du lịch (cả nội địa và quốc tế) được hỏi đến Bắc Kạn sử dụng dịch vụ lưu trú Homestay. Các điểm khách du lịch đến thăm chủ yếu là Vườn Quốc gia Ba Bể (96%), Động Puông (34%), động Hua Mạ (23%), du ngoạn trên sông Năng (27%), bản Pác Ngòi (41%), đền An Mạ (36%)... điều đó cho thấy hầu hết việc khai thác du lịch tập trung ở khu vực hồ Ba Bể, còn các điểm du lịch khác chiếm tỷ lệ rất thấp.

Về loại hình du lịch, du khách đến với Bắc Kạn chủ yếu lựa chọn loại hình du lịch sinh thái (chiếm tỷ lệ 59%), tiếp đến là loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng 49% và loại hình du lịch tâm linh (24%)... điều đó chứng tỏ loại hình du lịch sinh thái đang là loại hình được ưa chuộng nhất của khách du lịch. Hầu hết du khách cho rằng các loại hình du lịch của Bắc Kạn hấp dẫn, độc đáo nhưng chất lượng dịch vụ còn thấp, môi trường du lịch chưa đảm bảo, thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí vào ban đêm.

Số liệu thống kê về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh tính đến ngày 31/12/2019 gồm có: 219 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 26 khách sạn, 59 nhà nghỉ du lịch và 134 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với tổng số 1.978 buồng và 3.503 giường); có gần 2.000 nhà hàng ăn uống; hơn 200 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe (xông hơi massage, Karaoke, dịch vụ tắm thuốc...); 162 xuồng vận chuyển khách tham quan hồ Ba Bể; 50 điểm bán hàng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, hệ thống các cơ sở lưu trú còn mang tính tự phát, số lượng tương đối nhiều nhưng đa phần có quy mô nhỏ, trang thiết bị chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa cao. Đa số các nhà hàng ăn uống có quy mô nhỏ; các điểm bán hàng dịch vụ nhỏ lẻ, tạm bợ, hàng hóa, hàng lưu niệm ít và không mang giá trị đặc trưng của tỉnh. Đặc biệt, xuồng vận chuyển khách du lịch tại khu du lịch Ba Bể số lượng nhiều nhưng chất lượng thấp, tiếng ồn lớn và chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển du lịch. Các cơ sở vui chơi giải trí, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn còn hạn chế.

Để tăng tổng thu từ khách du lịch thời gian tới, ngành du lịch Bắc Kạn cần có các giải pháp đột phá để thu hút nguồn khách có khả năng chi tiêu cao và tăng cường các dịch vụ bổ sung, dịch vụ vui chơi giải trí, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc.

Mục tiêu và các giải pháp trọng tâm của đề án

Theo đó, mục tiêu của đề án đăt ra là: Căn cứ nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Bắc Kạn để xác định sản phẩm du lịch đặc trưng, trọng tâm là du lịch sinh thái hồ Ba Bể, nhằm định hướng, đề xuất các giải pháp và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với nhu cầu thị trường, khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch hồ Ba Bể, giúp nâng cao sức cạnh tranh về du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua sự khác biệt và chất lượng của sản phẩm du lịch, góp phần quan trọng trong tạo dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030 phát triển đồng bộ, hoàn thiện các dịch vụ tại Khu du lịch Ba Bể gắn với trải nghiệm văn hóa truyền thống.

Để tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên tự nhiên, văn hóa để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư 21 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách nhà nước là 8 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa là 13 tỷ  đồng) cho toàn bộ thời gian thực hiện đề án với các giải pháp trọng tâm như: Hỗ trợ cải tạo không gian cảnh quan tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể; Đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến du lịch đi bộ đặc trưng trong rừng nguyên sinh Vườn quốc gia Ba Bể kết hợp với tuyến tuần tra bảo vệ rừng; Đầu tư, khai thác phát triển hang Thẳm Phầy, xã Hoàng Trĩ phục vụ phát triển du lịch; Đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ đêm và không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể; Đầu tư cải tạo, nâng cấp cảnh quan, môi trường một số điểm tham quan Khu du lịch Ba Bể; Đầu tư, tôn tạo nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm du lịch động Hua Mạ; Đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, đề án còn đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp bổ trợ cho việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như: Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch; Đầu tư cải tạo không gian, cảnh quan tại bến thuyền phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Ba Bể và Đầu tư xây dựng không gian trưng bày, bán và giới thiệu các sản phẩm lưu niệm; sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương phục vụ khách du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch