Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch chung: Phát triển bền vững và hài hòa

Cập nhật: 09/04/2021
Với số dân thực tế trên 10 triệu người, thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành “siêu đô thị”. Để phát triển xứng tầm, thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 với mục tiêu phát triển thành phố quy mô lớn và bền vững, bảo tồn di sản, cảnh quan sông nước, hài hòa với các điều kiện tự nhiên, môi trường.

Việc điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được kỳ vọng sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững, hài hòa với môi trường.

Điều chỉnh để phù hợp thực tế

Trong quá trình phát triển đô thị, thành phố Hồ Chí Minh đã 3 lần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung vào các năm: 1993, 1998 và 2010. Đến nay, thành phố đang phát triển đô thị theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Theo quyết định trên, thành phố phát triển đô thị theo mô hình tập trung đa cực với trung tâm là nội thành có bán kính 15km và 4 cực phát triển theo 4 hướng của thành phố. Việc phát triển đô thị trên đã góp phần giúp thay đổi diện mạo thành phố theo hướng khang trang, hiện đại hơn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, công tác quy hoạch đô thị trong những năm qua tại thành phố còn 4 hạn chế, gồm: Dự báo chưa sát tình hình thực tế; xây dựng quy hoạch và thực thi quy hoạch chưa đầy đủ; kết nối vùng, kết nối khu vực chưa thông suốt; nguồn lực để thực hiện quy hoạch còn yếu.

Còn Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã nhận định, việc phát triển đô thị theo kịch bản dân số tập trung đông hơn, hoạt động kinh tế sôi động hơn đã kéo theo những tác động không mong muốn, nhất là việc hạ tầng không theo kịp sự phát triển của nhu cầu xã hội. Vì thế, thành phố phải nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung.

Từ góc độ người dân, anh Võ Văn Công (phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức) nhìn nhận, trong nhiều năm qua, hạ tầng thành phố đã phát triển mạnh nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ gia tăng dân số dẫn đến ùn tắc giao thông kéo dài. “Nhiều người, trong đó có tôi cũng chịu ảnh hưởng từ việc này”, anh Công nói.

Phát triển đô thị quy mô lớn

Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đang chủ trì hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo quan điểm phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với vùng thành phố Hồ Chí Minh. Theo quy hoạch này, đến năm 2040, thành phố có từ 100.000ha đến 110.000ha diện tích đất xây dựng đô thị. Trong đó, khu nội thành cũ khoảng 14.000ha, tương ứng với dân số 4-5 triệu người; khu nội thành phát triển khoảng 35.000ha (gồm thành phố Thủ Đức), tương ứng với dân số 4,1-4,8 triệu người; khu ngoại thành khoảng 50.000-60.000ha, tương ứng với dân số 4,2-5,6 triệu người.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã thông tin, cơ quan này đề xuất mô hình phát triển thành phố dựa trên nguyên tắc gắn kết với các đô thị khác trong vùng thành phố Hồ Chí Minh, coi trọng bảo tồn thiên nhiên và sinh thái đô thị. Về phát triển không gian đô thị, Sở đề xuất mô hình nội thành và ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các đô thị mới trong vùng thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở thống nhất, hỗ trợ phát triển bền vững.

Đánh giá về chiến lược phát triển đô thị này, kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc mở rộng không gian đô thị là cần thiết, cụ thể là xây dựng các khu đô thị mới xung quanh lõi đô thị thành phố Hồ Chí Minh. “Điều này sẽ giúp nâng cao đời sống của người dân bản địa, đồng thời thu hút người dân từ nơi khác đến; mặt khác, còn vừa giúp giãn dân ở khu vực trung tâm, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội tại khu vực phát triển mới”, kiến trúc sư Khương Văn Mười nhận định.

Về giải pháp thực hiện, với khu đô thị hiện hữu, thành phố tiếp tục phát triển theo hướng chỉnh trang, bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dựa trên việc kiểm soát tăng dân số, kiểm soát tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Đối với các khu vực phát triển mới, thành phố phân thành khu dân dụng; cụm, khu công nghiệp; hệ thống hạ tầng xã hội (văn hóa, y tế, giáo dục…); các khu vực bảo tồn (khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng phòng hộ...), qua đó điều chỉnh quy hoạch theo chức năng phát triển của từng khu vực.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình nhấn mạnh, điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 vừa có tính kế thừa, vừa có tính đột phá. Mục tiêu là xây dựng, phát triển thành phố có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản, cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguyễn Lê

Nguồn: Báo Hà Nội mới