Vườn quốc gia Xuân Thủy phát triển bền vững dựa vào cộng đồng

Cập nhật: 24/05/2021
Vườn quốc gia Xuân Thủy (VQG) nằm tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được biết đến là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây không chỉ là khu đất ngập nước quan trọng, thiên đường của các loài chim mà còn là nơi có sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên.

Với tổng diện tích khoảng 15 nghìn ha, VQG Xuân Thủy bao gồm vùng lõi 7.100ha trong đó có 3.100ha diện tích đất nổi có rừng khi triều kiệt và khoảng 4.000ha đất còn ngập nước; vùng đệm rộng 7.233ha, bao gồm 960ha phần diện tích còn lại của Cồn Ngạn, toàn bộ bãi trong với diện tích 1.997ha và diện tích tự nhiên của 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải.

Giá trị nguyên bản vùng đất ngập nước

Vườn quốc gia Xuân Thủy là nơi tiêu biểu cho nền văn hóa mở đất của người dân đồng bằng châu thổ sông Hồng với truyền thống canh tác lúa lấn cói, cói lấn vẹt, vẹt lấn biển... Trải qua nhiều thế kỷ, cộng đồng địa phương đã tạo nên những làng quê trù phú. Các mô hình sinh thái: VAC, nuôi trồng thủy sản kết hợp với nghề trồng rừng và nghề cá và những công trình kiến trúc chùa chiền, nhà thờ... đã tạo nên bức tranh sinh động của vùng quê ở cửa sông, ven biển. VQG Xuân Thuỷ hiện đang lưu giữ những giá trị sinh thái quý hiếm, như rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha; đồng thời là khu bảo tồn sinh quyển tầm cỡ thế giới. Tại đây ghi nhận 120 loài thực vật bậc cao, 107 loài cá, 500 loài thủy sinh, hơn 100 loài thú...  Đặc biệt vào mùa di cư, đây là điểm dừng chân của hơn 220 loài chim với số lượng trên 40 nghìn con. Trong đó có tới 11 loài quý hiếm đã được ghi vào Sách đỏ thế giới như: giang sen, bồ nông, cò mỏ ngắn, choắt mỏ vàng, giẽ mỏ thìa, mòng bể... Trên vùng đất ngập mặn này, dưới làn nước thủy triều có khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy, tổng cộng khoảng 500 loài động vật. Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo hấp dẫn khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là vào mùa đông - mùa chim di trú từ phương Bắc.

VQG Xuân Thuỷ cũng là bãi vùng triều cửa sông ven biển có diện tích rừng ngập mặn lớn, điển hình nhất cho hệ sinh thái ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng, nằm ở vị trí cửa sông có tốc độ bồi lắng phù sa trung bình hàng năm khoảng vài chục mét. Bãi bồi cửa sông ven biển cũng là nơi cung cấp các nguồn hải sản quý như tôm, cua, cá, sò, vạng, rau câu và các loài khác. UNESCO công nhận VQG Xuân Thủy là vùng quan trọng số một của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng tháng 10/2004, điều đó đã khẳng định vị thế quốc tế đặc biệt của VQG Xuân Thủy.

Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên gắn với sinh kế cộng đồng

Xác định được vai trò, vị thế và tầm quan trọng của vùng đất ngập nước Xuân Thủy, trong suốt nhiều năm qua, VQG Xuân Thủy đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tại khu vực, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Nhận thấy việc kết hợp bảo tồn gắn với sinh kế cộng đồng là điều quan trọng trong phát triển bền vững, thời gian qua VQG Xuân Thủy đã đưa các sinh kế mới như trồng nấm, nuôi ong, nuôi ngao bền vững... để tạo làn gió mới cho kinh tế địa phương.

Với nghề sản xuất mật ong từ rừng sú vẹt, vườn đã phối hợp với  Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ quản lý, chăm sóc đàn ong cũng như tìm hiểu về nguồn hoa nuôi ong, cách thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm từ cuối tháng 4 đến tháng 7 có khoảng từ 6000-8000 đàn ong được người dân mang vào vườn để thu hoạch mật hoa sú, vẹt, với sản lượng dự kiến 80-100 tấn/năm. Đến nay vườn đã đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong Xuân Thủy để xây dựng bền vững cho mật ong Xuân Thủy.

Với sự phối hợp của Liên minh đất ngập nước quốc tế, hiện nay VQG Xuân Thủy đã chuyển giao sinh kế trồng nấm cho cộng đồng các xã vùng đệm. Đặc trưng của việc trồng nấm nơi đây là nấm sò trồng trên nguyên liệu rơm rạ, hiện tại có 20-30 hộ, với nguồn thu nhập ổn định từ 60-70 triệu/năm.

Nhận thấy việc nuôi ngao là nghề truyền thống của địa phương với 1500ha nuôi ngao, vườn đã cùng chính quyền địa phương tổ chức các buổi tập huấn nuôi ngao bền vững từ đó giúp người dân biết cách theo dõi sức khỏe của con ngao, thả số lượng ngao không quá dầy, kiểm soát được dịch bệnh cũng như môi trường sống của con ngao.

Ngoài ra, VQG Xuân Thủy phối hợp cùng địa phương tổ chức, hướng dẫn cho người dân khai thác thủy sản bền vững dưới tán rừng, như thành lập các tổ cộng đồng tự quản vừa khai thác vừa bảo vệ rừng điển hình như xã Giao An, Giao Lạc. Vườn cũng chú trọng tới các chương trình dự án trồng rừng, phục hồi rừng và tái thả nguồn lợi thủy sản kết hợp với việc thực hiện cơ chế khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, từ đó tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương và duy trì hiện trạng đa dạng sinh học tại khu Ramsar Xuân Thủy.

Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy đã ra quy chế cho bà con chỉ được bắt các loài  tôm, cua, cá (như cá bớp, cá nhệch), chỉ được khai thác ngao giống từ tháng 4 đến tháng 7; không được lấy củi, chặt phá rừng. Xây dựng quy chế quản lý như khai thác nguồn lợi ngao giống tại cửa sông Hồng; thực hiện giải pháp cộng đồng tham gia quản lý rừng ngập mặn; chia sẻ lợi ích thủy sản dưới tán rừng ngập mặn và tạo những sinh kế bền vững mới thay thế khai thác thủy sản truyền thống.   

Ban Quản lý VQG Xuân Thuỷ cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường cho cộng đồng địa phương, góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích của công tác phục hồi, bảo vệ rừng ngập mặn nói riêng và bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung, từ đó hình thành ý thức trân trọng rừng ngập mặn và thiên hướng sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn tài nguyên đất ngập nước quý giá của cư dân vùng cửa sông ven biển. 

Với phương pháp tiếp cận trong quản lý là dựa vào cộng đồng, khuyến khích sự tham gia vào quá trình bảo tồn và phát triển, VQG Xuân Thủy đã đạt được những thành quả quan trọng trong việc quản lý bền vững tài nguyên đất ngập nước của khu vực.

Lan Phương

Nguồn: Tạp chí Du lịch