Hòa Bình: Huyện Tân Lạc thu hút đầu tư, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 22/06/2021
Nghị quyết số 03-NQ/HU của huyện Tân Lạc, Hòa Bình về “Phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030” được ban hành và triển khai trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc.

Tân Lạc đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư du lịch, quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm tới.

Toàn cảnh huyện Tân Lạc đang ngày càng phát triển giàu đẹp. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Huyện Tân Lạc được biết đến là một trong những cái nôi văn hóa của người Mường, với những giá trị truyền thống được lưu giữ như: Mo Mường, chiêng Mường, hát Thường đang, Bọ mẹng, hát ví… cùng nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc; Dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần và những lễ hội đặc sắc. Cùng với đó là 19 danh lam, di tích khảo cổ cấp tỉnh và Quốc gia; các địa danh tâm linh như Hang Bụt - động Mường Chiềng, động Nam Sơn. làng Mường. Đặc biệt là trên địa bàn đang phát triển hoạt động du lịch cộng đồng ở xóm Ngòi (Suối Hoa), xóm Chiến (Vân Sơn); xóm Bưởi Cạn (Phú Cường) khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lũng Mây, xã Quyết Chiến… Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, huyện Tân Lạc hứa hẹn là điểm đến thành công cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, gắn với phát triển dịch vụ thương mại, nông nghiệp sạch...

Vịnh Ngòi Hòa vùng phát triển du lịch trọng tâm của huyện Tân Lạc. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, khí hậu trong lành, tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, huyện Tân Lạc cần phát huy tối đa lợi thế sẵn có, tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút và tăng thêm niềm tin đối với các nhà đầu tư, sớm đưa Tân Lạc trở thành một trong những địa phương phát triển về kinh tế xã hội, là điểm đến của du khách trong, ngoài nước khi đến tỉnh Hòa Bình.

Homestay đẹp và mang đậm kiến trúc văn hóa Mường của người dân tại xóm Chiến, xã Vân Sơn. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Mường xã Phong Phú - Tân Lạc. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình Bùi Thị Niềm cho biết, huyện Tân Lạc còn được gọi là xứ Mường Bi - vùng đất giàu bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử bậc nhất trong 4 vùng Mường (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động) cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và độc đáo, khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan sông hồ yên bình, thổ nhưỡng, đất đai phì nhiêu màu mỡ, con người giản dị, mến khách, bản sắc văn hóa dân tộc Mường đặc sắc vẫn còn nguyên vẹn là những yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch.

Đêm trên bến thuyền Đền Chúa Thác Bờ. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Vùng cao của huyện Tân Lạc gồm các xã Vân Sơn, Ngổ Luông, Quyết Chiến tiếp giáp với vùng rừng già nguyên sinh, vào những ngày hè oi nóng, nhiệt độ thấp hơn ở các khu vực khác từ 5 - 7 độ C. Con người nơi đây thật thà, đôn hậu, còn lưu giữ những nét văn hóa dân tộc Mường cổ. Vùng hồ sông Đà - xã Suối Hoa được quy hoạch là vũng lõi của Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, có nhiều tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa. Vịnh Ngòi Hoa rộng hàng nghìn ha quanh năm êm đềm, bốn mùa nước trong xanh. Trong hồ có nhiều đảo đá, đất xen lẫn rừng cây đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, khảo sát, triển khai các dự án đầu tư, tập trung vào lĩnh vực phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá.

Những cánh đồng đang được những người nông dân trồng mía ở xã Mỹ Hòa - Tân Lạc. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Cùng với đó, tuyến đường 435 từ thành phố Hòa Bình đến vùng lõi Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình (xã Suối Hoa) đã mở ra cơ hội lớn cho huyện Tân Lạc để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Hiện đã có nhiều dự án được cấp chủ trương đầu tư, nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ, khách sạn, nhà hàng, khu thể thao dưới nước hay các trang trại sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng như: Dự án khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình với diện tích 304,9 ha, vốn đăng ký đầu tư 800 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa với diện tích 115,355 ha, vốn đăng ký 474,719 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái V’Star - Ngòi Hoa có diện tích 183,55 ha, vốn đăng ký 125 tỷ đồng…

Hệ thống đường giao thông đã được nâng cấp đển giao thương các vùng miền đi từ Vân Sơn qua xã Lũng Cao (Thanh Hóa). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Để thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương có những bước chuyển mình mới, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Bùi Văn Nhỏ nhấn mạnh: Chủ trương của huyện là phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường kết hợp với phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và lĩnh vực. Huyện Tân Lạc kiên quyết không chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào.

Những diện tích bưởi đỏ trải dài là loại quả đặc sản của Tân Lạc, hàng năm đem lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân huyện Tân Lạc. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Bên cạnh đó, UBND huyện Tân Lạc phối hợp các sở, ngành chức năng hoàn thiện các quy hoạch ngành, thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định, xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, tập trung chỉ đạo giải quyết nhanh thủ tục hành chính ở cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, giữ vững ổn định an ninh trật tự, với quan điểm xuyên suốt tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án du lịch, bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Trình diễn nghệ thuật Chiêng Mường trong các buổi lễ, tết là một nét văn hóa lâu đời của người Mường Tân Lạc. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Với tiềm năng, lợi thế riêng có, UBND huyện Tân Lạc đã hướng mục tiêu phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ; ban hành nhiều nghị quyết nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người… thu hút các doanh nghiệp có thực lực để triển khai dự án du lịch chất lượng cao, du lịch văn hóa cộng đồng tại những khu vực lợi thế quanh hồ Hòa Bình và các xã vùng cao.

Trọng Đạt

Nguồn: Báo Dân tộc và miền núi