Đồng Tháp đề ra 6 nhóm nhiệm vụ về bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2025

Cập nhật: 08/07/2021
Theo Kế hoạch số 185/KH-UBND về Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 ban hành ngày 14/6/2021, tỉnh đã đề ra đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, nội dung chủ yếu gồm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trong cộng đồng về bảo tồn ĐDSH gắn với BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của tỉnh; bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm và các loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; quản lý, kiểm soát có hiệu quả loài ngoại lai xâm hại; bảo tồn nguồn gen; sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH.

Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim là loài chim nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 95/2012/NQ-HĐND ngày 8/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Đồng Tháp định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 1/9/2015 về bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực được phân công, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch BVMT, đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp…

Kết quả: Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được giữ vững theo chỉ tiêu Trung ương phân bổ với tổng diện tích rừng 6.093,68 ha, trong đó: rừng đặc dụng 2.747,76 ha; rừng phòng hộ 1.027,23 ha; rừng sản xuất 2.318,69 ha; tỷ lệ che phủ rừng 1,61%. Về bảo tồn và phát triển ĐDSH các vùng đất ngập nước, công tác bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật được thực hiện chủ yếu trong tại khu bảo tồn. Vườn quốc gia Tràm Chim đã và đang thực hiện giám sát hệ chim nước, đặc biệt là các loài chim quý hiếm như Sếu Đầu đỏ định kỳ hàng tháng và giám sát thủy sản theo mùa nhằm đề ra giải pháp quản lý hiệu quả hệ sinh thái đất ngập nước. Ngoài ra, tại Vườn quốc gia Tràm Chim còn khôi phục lại diện tích năng Kim làm giàu nguồn thức ăn cho Sếu Đầu đỏ; phục hồi Lúa ma phục vụ nghiên cứu khoa học; phục hồi diện tích cây Hoàng đầu ấn làm phong phú hệ thực vật đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười.

Cùng với đó, toàn tỉnh có 135 cơ sở, hộ gia đình đăng ký nuôi động vật rừng, với 34 loài (16 loài quý hiếm, 18 loài thông thường). Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hiệp được cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản Cá sấu nước ngọt vì mục đích thương mại và xuất khẩu; các cơ sở nuôi Cá sấu nước ngọt còn lại chủ yếu là nuôi thuần dưỡng con non, xuất bán cho các hộ khác tiếp tục gây nuôi thương phẩm, không nuôi sinh sản. Việc nuôi động vật rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, giá cả xuất bán không ổn định. Do đó số lượng cơ sở gây nuôi và số loài nuôi luôn biến động tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ.

Nhìn chung, các nhiệm vụ về bảo tồn ĐDSH tỉnh Đồng Tháp định hướng đến năm 2020 được tập trung triển khai kịp thời; công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm cũng được tăng cường, không để xảy ra tội phạm và vi phạm nghiêm trọng, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển kinh tế phải đi đôi với công tác bảo tồn ĐDSH, sử dụng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy tính ĐDSH trên địa bàn tỉnh nói chung và của Vườn quốc gia Tràm Chim nói riêng được đặc biệt chú trọng; các khu bảo tồn, khu di tích ngày càng được quan tâm đến công tác bảo vệ cảnh quan và tài nguyên sinh học trong khu để phục vụ du lịch sinh thái. Công tác tuyên truyền bảo tồn ĐDSH thường lồng ghép với BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, tạo được sự đồng thuận lớn của cộng đồng và người dân các khu vực vùng đệm; đồng thời, cũng tiết kiệm được thời gian và kinh phí thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh thời gian qua có một số khó khăn, hạn chế như: Công tác triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn ĐDSH còn chồng chéo, bất cập giữa Luật ĐDSH năm 2008 và các quy định khác có liên quan giữa các ngành về công tác bảo tồn ĐDSH. Đội ngũ cán bộ công chức làm nhiệm vụ quản lý bảo tồn ĐDSH thực hiện nhiệm vụ mang tính chất kiêm nhiệm, do đó, chưa đẩy mạnh việc phát huy chức năng tham mưu về quản lý bảo tồn ĐDSH tại địa phương.

Tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch Bảo tồn ĐDSH tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 theo quan điểm: ĐDSH là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, cơ sở của sự sống còn và đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH là trách nhiệm và hành động của quốc gia và mọi tổ chức, cá nhân; Bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH được thể hiện trong chính sách phát triển của tỉnh theo hướng phát triển bền vững về sinh thái cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, nội dung chủ yếu. Cụ thể, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trong cộng đồng về bảo tồn ĐDSH gắn với BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của tỉnh; bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm và các loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; quản lý, kiểm soát có hiệu quả loài ngoại lai xâm hại; bảo tồn nguồn gen; sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở TN&MT là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch; tổ chức kiểm kê ĐDSH, đất ngập nước và thực hiện chương trình giám sát loài nguy cấp, quý, hiếm để phục hồi, đặc biệt là loài mang tính biểu tượng của tỉnh như Sếu đầu đỏ…

Trần Tân

Nguồn: Tạp chí Môi trường