Quảng Bình: Quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học - Nỗ lực vì tương lai...

Cập nhật: 21/07/2021
Quảng Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) tương đối cao. Vì vậy, cùng với việc thực hiện tốt công tác quản lý và bảo tồn, tỉnh cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn và phát triển hơn nữa sự ĐDSH được thiên nhiên ban tặng.

Đẩy mạnh quản lý theo hướng bền vững

Theo kết quả thu thập bước đầu, trong các hệ sinh thái (HST) nội địa và vùng biển của tỉnh, có 2.766 loài với trên 1.000 loài cây có ích, nhất là các nhóm thực vật đã tạo nên các cấu trúc thảm thực vật khá phong phú trong các sinh cảnh đồi núi trùng điệp.

Tại các HST trên cạn, bắt gặp trên 1.000 loài côn trùng, 342 loài chim, 171 loài thú và 158 loài bò sát, lưỡng cư. Tại HST thủy vực (nội địa và ven biển cửa sông), có khoảng 91 loài thực vật thủy sinh, 147 loài thực vật nổi, 82 loài động vật nổi, 51 loài động vật đáy, 105 loài côn trùng nước, 203 loài cá nuôi và cá tự nhiên...

Voọc gáy trắng tại khu vực núi Đôi ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là bảo tồn ĐDSH, thời gian qua, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quyết định... về việc phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040; kế hoạch triển khai hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng...

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững các HST tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm, góp phần phát triển theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia (BQL VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, để góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn ĐDSH, những năm qua, đơn vị đã thực hiện có hiệu quả chương trình nhân giống các loại cây bản địa quý, hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế cao; thực hiện tốt công tác giám hộ ĐDSH lồng ghép với thực hiện kế hoạch hành động về bảo tồn các loại linh trưởng. Công tác chăm sóc, cứu hộ động, thực vật hoang dã được thực hiện tốt với tỷ lệ cứu hộ thành công đạt 82%.

Đơn vị hoàn thành và thực hiện nhiều đề tài khoa học, như: “Nghiên cứu sinh thái và phân bố quần thể loại Bách xanh đá”, “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn với sinh kế cộng đồng tại khu di sản thiên nhiên VQG Phong Nha - Kẻ Bàng”;  khảo sát, đánh giá tình trạng một số loài thú lớn quan trọng…

 

Các loài linh trưởng đang được chăm sóc, cứu hộ và bảo tồn tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng

Cùng với đó, đơn vị đã tổ chức các chiến dịch ngăn chặn và ký cam kết không kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2015 tới nay, đơn vị đã tổ chức hơn 700 đợt tuyên truyền tới các thôn/bản với hàng nghìn lượt người tham gia, nhờ đó, nhận thức về bảo tồn động vật của người dân được nâng cao, bà con có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc giao nộp các cá thể động vật hoang dã để bảo tồn...

Mặc dù mới được thành lập vào tháng 6/2020 theo quyết định của UBND tỉnh và là 1 trong 2 khu bảo tồn thuộc hệ thống rừng đặc dụng tại tỉnh, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong ở huyện Lệ Thủy bước đầu đã thực hiện tốt công tác được giao, qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển hơn nữa sự ĐDSH trên địa bàn tỉnh.

Sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của tỉnh đã góp phần phục hồi HST rừng, phục hồi các quần xã sinh vật tại nơi cư trú bị suy thoái, tăng độ che phủ rừng, bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn ĐDSH trong tỉnh nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng phòng Quản lý Môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết, để công tác quản lý và bảo tồn ĐDSH trong thời gian tới tiếp tục phát huy tốt hơn nữa kết quả đã đạt được và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn ĐDSH cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn, hành lang ĐDSH; chú trọng đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn ĐDSH, trong đó, tập trung cho các khu vực có tính ĐDSH cao và các khu vực nhạy cảm đối với các yếu tố môi trường tác động. Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường nguồn nhân lực cho công tác quản lý ĐDSH nói chung và bảo vệ rừng nói riêng.

Một giải pháp quan trọng được tiếp tục triển khai chính là thực thi pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng, động vật hoang dã và bảo tồn ĐDSH trên địa bàn.

Cụ thể, đẩy mạnh kiểm tra, tuần tra rừng để ngăn chặn, xử lý tình trạng chặt phá cây rừng, đặc biệt là các loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học, môi trường; tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý nghiêm người bẫy bắt, buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt, sử dụng động vật rừng và các sản phẩm động vật rừng trái quy định của pháp luật...

Thác gió ở Vườn thực vật thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi chứa đựng nhiều loại động thực vật có giá trị và cảnh quan tuyệt đẹp.

Tỉnh quan tâm đúng mức đến việc tiếp tục gây nuôi, trồng cấy, bảo tồn, duy trì, phát triển các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm để phục vụ nhu cầu cuộc sống và bảo tồn các nguồn gen quý cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ và cứu hộ động, thực vật rừng, nhất là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nghiên cứu, bảo tồn các HST rừng, giải pháp bảo tồn ĐDSH đối với các HST rừng...

Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng ưu tiên bảo tồn ĐDSH gắn với phát triển du lịch nhằm khai thác nguồn lực thiên nhiên góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo chủ trương lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; đề cao giá trị và củng cố hiệu quả quản lý của hệ thống khu bảo tồn hiện có nhằm khai thác có hiệu quả và bền vững hệ thống này.

Để phát huy giá trị to lớn mà ĐDSH mang lại, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: "Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả hơn nữa những công việc đã và đang làm. Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết với các trung tâm cứu hộ, vườn thú trong nước, các cơ quan, tổ chức quốc tế... nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác bảo tồn, phát triển bền vững và làm phong phú thêm tài nguyên cũng như phát huy các giá trị ĐDSH của Vườn tương xưng với yêu cầu phát triển...".

Khu vực VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành và 2.952 loài thực vật thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành. Trong đó, có đến 43 loài (40 loài động vật và 3 loài thực vật) có tên trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; ghi nhận và công bố 42 loài mới cho khoa học (38 loài động vật và 4 loài thực vật). Đặc biệt, Quảng Bình có 156 loài thực vật, 14 loài côn trùng (1 loài côn trùng nước), 25 loài chim, 48 loài thú, 32 loài bò sát, lưỡng cư, 10 loài cá quý, hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007.

Bùi Thành

 

Nguồn: Báo Quảng Bình