Hội nghị cấp Bộ trưởng về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương sẽ diễn ra từ ngày 1-2/9/2021

Cập nhật: 31/08/2021
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tham dự Hội nghị Bộ trưởng về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tổng Cục Biển và Hải đảo

Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương do Chính phủ Ecuador, Đức, Ghana và Việt Nam đồng triệu tập dự kiến được tổ chức vào ngày 1-2/9 /2021 với mục đích giữ cho chủ đề ô nhiễm nhựa và rác thải biển được đẩy lên cao trên chính trường nghị sự nhằm hướng tới kỳ họp lần thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA 5.2) dự kiến được tổ chức năm 2022.

Hội nghị Bộ trưởng sẽ do các quốc gia đồng triệu tập chủ trì, với sự hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Hội nghị dự kiến khai mạc vào 14h00, giờ Trung Âu (CET) tức 19h00, giờ Hà Nội, ngày Thứ tư, 01/9/2021.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, những năm gần đây Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Gần nhất, ngày 16/8/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Sau Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5.1) vào tháng 02 năm 2021, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức đã gửi Công thư mời Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia đồng chủ trì Hội nghị về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương (cùng với các Bộ đối tác của Ecuador, CHLB Đức, Ghana, với sự hỗ trợ tổ chức của UNEP). Sau khi xem xét ý nghĩa quan trọng của việc tham dự Hội nghị về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án tham dự nhằm mục đích giữ cho chủ đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.

Trong bối cảnh hiện nay, việc Việt Nam tham gia cùng với các nước Ecuador, Đức, Ghana đồng chủ trì Hội nghị quốc tế quan trọng này sẽ củng cố thêm vị trí và tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên trường quốc tế của Việt Nam với vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và với cam kết trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Đồng thời, thể hiện vai trò chủ động và tích cực, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; khẳng định Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc./.

BL

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản