Đẩy mạnh quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm

Cập nhật: 27/09/2021
Ngày 22/9/2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 30/11/2021.


Voọc đen gáy trắng (voọc Hà Tĩnh) thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, thuộc nhóm IB, cực kỳ quý hiếm, nguy cấp nằm trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới

Theo đó, Nghị định bổ sung khoản 29 Điều 3 giải thích động vật hoang dã, thực vật hoang dã là những loài động vật, thực vật sinh sống, phát triển trong sinh cảnh tự nhiên, nhân tạo hoặc loài động vật, thực vật được nuôi, trồng trong môi trường có kiểm soát nhưng không phải là vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, thuộc một trong các trường hợp: Loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của CITES; d- Loài động vật rừng thông thường; Loài động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư, trừ một số loài thuộc Danh mục do Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan công bố.

Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14 về điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại như sau: “Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo mẫu, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh".

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 15 về điều kiện nuôi, trồng các loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES vì mục đích thương mại. Theo đó, các loài động vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES thuộc các lớp thú, chim, bò sát lần đầu tiên đăng ký nuôi tại cơ sở phải được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản về việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên theo trình tự: Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký mã số cơ sở, Cơ quan cấp mã số theo quy định tại Nghị định này có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến Cơ quan khoa học CITES Việt Nam; Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan cấp mã số, Cơ quan khoa học CITES Việt Nam có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với nội dung xác nhận ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng của việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên.

Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan công bố Danh mục loài động vật hoang dã theo quy định tại điểm đ khoản 29 Điều 3 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP trước ngày 30/11/2021, định kỳ rà soát, điều chỉnh 3 năm một lần hoặc khi cần thiết. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Trần Hương

Nguồn: Tạp chí Môi trường