Mùa xuân với những “bức tường xanh”

Cập nhật: 19/02/2009
Tết trồng cây mùa Xuân năm 2009, cùng với việc trồng cây bóng mát, cây lấy gỗ, Hải Phòng dành một phần kinh phí trồng rừng cây ngập mặn chắn sóng ven biển.

Ở Khánh Hòa, khu rừng ngập mặn tự nhiên vùng Bãi Triều xã Ninh Ích (huyện Ninh Hòa) có hàng trăm loài thực vật, sau một thời gian bị tàn phá, xuân này cũng đang được phục hồi.

Vùng biển Việt Nam nói chung và vùng biển Hải Phòng nói riêng đang đứng trước nhiều nguy cơ do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là tình trạng nước biển dâng cao bất thường.

Các nhà khoa học biển khẳng định: Dưới tán rừng ngập mặn là cả một xã hội thủy sinh, có từ 1.600 - 1.800 loài. Khi được bảo vệ, rừng ngập mặn sẽ không làm mất đi quần thể sinh vật, hạn chế tình trạng xói lở do sóng dâng, triều cường. Sức mạnh của rừng ngập mặn chính là ở chỗ phát tán và bám đất. Đất rừng ngập mặn thường có các tầng khử màu xám xanh.

"Hồi sinh” rừng ngập mặn Ninh Ích

Ông Vũ Đình Long - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Ninh Ích cho biết, hiện nay, ven đầm Nha Phu có 8km rừng, bao bọc ven đầm khoảng 400 ha diện tích. Sau một thời gian tuyên truyền, hiểu được giá trị của rừng ngập mặn trong việc gìn giữ môi trường, địa phương đang phát động phong trào trồng, khôi phục rừng. Người dân tích cực hưởng ứng. Toàn xã đã trồng được gần 70 ha rừng, trong đó có 50 ha thuộc dự án trồng rừng ngập mặn hợp tác với Nhật Bản.

Để bảo vệ rừng ngập mặn, địa phương đang tiến hành rà soát lại quy hoạch phát triển thủy sản ven biển, điều chỉnh theo hướng ưu tiên bảo tồn rừng ngập mặn hiện có, phục hồi rừng ngập mặn bị suy thoái và hoàn nguyên một số khu rừng ngập mặn sử dụng thiếu hợp lý. Trong định hướng nuôi trồng thủy sản ven biển, địa phương đang có hướng dành đất để trồng các dải rừng ngập mặn làm vành đai xanh bảo vệ bờ biển, đầm nuôi với diện tích hợp lý theo quy hoạch tùy theo địa hình để giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai.

Người dân đang hiểu rõ hơn vai trò, giá trị của rừng ngập mặn, đặc biệt trong việc phát triển thủy sản bền vững. Vấn đề cốt yếu để giải quyết cơ bản việc phát triển rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững là điều chỉnh hợp lý 3 yếu tố gồm kinh tế (hiệu quả kinh tế), xã hội (xóa đói giảm nghèo), môi trường (an ninh sinh thái), lồng ghép chúng vào các kế hoạch sử dụng rừng ngập mặn trong tương lai.

Khi không bị con người xâm hại, thảm thực vật phát triển thành rừng ngập mặn sẽ là lá chắn bảo vệ đất liền và giữ cho khí hậu trong lành.

Hải Phòng với những "bức tường xanh"

Để ứng phó với hiện tượng nước biển dâng, năm 2008 TP. Hải Phòng xây dựng Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, bằng việc xây dựng những "bức tường xanh" rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển và hệ thống đê khỏi bị xói lở do triều cường, bảo vệ vùng đất ven sông, ven biển trước nguy cơ nước biển dâng cao.

Hai năm gần đây, thành phố đầu tư nguồn kinh phí khá lớn cho việc trồng và phục hồi những diện tích cây chắn sóng ven sông, ven biển. Mỗi năm, đầu tư trồng rừng chắn sóng gấp 5 lần trồng rừng môi sinh trên đồi núi thấp.

Xuân Kỷ Sửu 2009 này, người dân những vùng quê ven sông, ven biển lại nô nức đưa cây chắn sóng ra trồng trên những bãi triều ngập nước, tạo thêm màu xanh cho rừng. Thành phố đầu tư kinh phí, hỗ trợ các địa phương về giống cây ngập mặn, huy động lực lượng các đoàn thể quần chúng cùng "vào cuộc" trồng cây chắn sóng. Hơn 1 vạn giống cây trang, đước, bần đang được ươm trồng, tạo những "bức tường xanh bảo vệ thành phố".

Hiện diện tích trồng rừng ngập mặn ven biển của Hải Phòng đạt hơn 5000 ha. Trong đó chỉ có hơn 400 ha là rừng tự nhiên, còn lại đều là rừng trồng. Nhiều vùng bãi ngoài đê biển Tràng Cát, Nam Hải (Hải An), Bàng La (Đồ Sơn), Tân Thành, Hải Thành (Dương Kinh), Đại Hợp (Kiến Thụy), Đồng Bài (Cát Hải)…trước đây người dân đua nhau phá rừng chắn sóng để nuôi trồng thủy sản, thì nay bạt ngàn màu xanh của cây trang, cây đước, cây bần.

Đây là những hoạt động thiết thực, cụ thể hóa Chiến lược ứng phó với sự biến đổi khí hậu với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, giảm thiệt hại khi nước biển dâng cao bất thường.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường