Bình Thuận: Xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng thắng cảnh Khu bảo tồn biển Hòn Cau

Cập nhật: 22/10/2021
Ngày 19/10/2021, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bình Thuận về việc xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng thắng cảnh cấp tỉnh đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý về chủ trương cho Sở VHTTDL xây dựng hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xếp hạng thắng cảnh cấp tỉnh đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Bảo tàng tỉnh xây dựng hồ sơ khoa học theo đúng quy định; hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trong năm 2022.

Theo văn bản của Sở VH-TT&DL, ngày 7/10, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã có đơn đề nghị xếp hạng di tích đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Căn cứ vào Luật Di sản văn hóa và qua xem xét nội dung đề nghị thì Hòn Cau hội đủ các yếu tố, giá trị khoa học về lịch sử, văn hóa, địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng sinh vật… để triển khai lập hồ sơ khoa học, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng thắng cảnh cấp tỉnh. Từ đó bảo tồn và phát huy giá trị Khu bảo tồn biển Hòn Cau phục vụ phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Xung quanh Hòn Cau có rất nhiều rạn san hô với nhiều loại thủy sinh quý hiếm sinh sống

Khu bảo tồn biển Hòn Cau được thành lập ngày 15/11/2010 với tổng diện tích 12.500 ha, bao gồm vùng biển (12.360 ha) và đảo Hòn Cau (140 ha), thuộc địa giới hành chính huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách TP. Phan Thiết khoảng 110 km. Đây là khu bảo tồn biển có tính đa dạng sinh học cao, hội tụ nhiều loài quý hiếm (34 loài động, thực vật quý hiếm như trai tai tượng, tôm hùm, hải sâm… phân bố khắp khu vực này) và các rạn san hô có độ bao phủ cao, đa sắc màu, hình dáng phong phú. Nơi đây cũng sở hữu rạn san hô nguyên thủy với nhiều chủng loại khác nhau (hơn 234 loài san hô đa sắc màu), trong đó nhiều loài chỉ có ở vùng biển Hòn Cau.

Ngoài ra, trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau còn có Đảo Hòn Cau (hay còn gọi là Cù Lao Câu), với diện tích khoảng 1,4 km2, cách bờ 9 km, nổi lên giữa biển, vùng nước xung quanh khu vực có sự hiện diện sinh thái biển nhiệt đới điển hình, được bao quanh bởi hàng vạn khối đá nhiều màu sắc và hình thù khác nhau, nằm thành cụm, thành nhóm hoặc riêng lẻ như có sự sắp đặt của bàn tay con người, đẹp tựa như bức tranh thủy mặc. Nơi đây còn có nhiều bãi biển đẹp, cát trắng tinh, nước biển trong xanh, được bao phủ bởi những vách đá, cùng với các rạn san hô, rạn đá ngầm trải dài. Đây được xem là khu bảo tồn loài, sinh cảnh thủy sinh, đáp ứng các tiêu chí là khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh trưởng và phát triển của các loại động, thực vật biển quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao. Đặc biệt, đảo Hòn Cau là 1 trong 3 địa điểm trong cả nước có rùa biển, loài động vật nguy cấp, quý hiếm, hàng năm lên bờ sinh sản. Đây là một trong những nét độc đáo, có ý nghĩa về bảo tồn tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Bên cạnh đó, trên đảo Hòn Cau còn giữ lại một số di tích như Giếng Tiên (hay giếng Gia Long) mà theo truyền thuyết đó là nơi vua Gia Long từng ghé lại uống nước; Đền thờ thần Nam Hải (Đền thờ cá Ông) là nơi ngư dân tại các xã ven biển của địa phương tổ chức Lễ hội Cầu Ngư hàng năm (rằm tháng 4 âm lịch), cùng nhiều địa danh nổi bật khác.

Với sự đa dạng, phong phú về tài nguyên sinh vật biển cùng cảnh quan thiên nhiên độc đáo, nét văn hóa đặc thù của địa phương, Khu bảo tồn biển Hòn Cau đ thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan mỗi năm. Đây là điều kiện và cơ sở quan trọng để Khu bảo tồn biển Hòn Cau được xem xét, công nhận là điểm danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, nhằm đáp ứng các tiêu chí về quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Nguyệt Minh

Nguồn: Tạp chí Môi trường