Phú Yên với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Cập nhật: 15/11/2021
Phú Yên là một vùng đất hứa nhờ những phong cảnh hoang sơ nhưng lãng mạn của mình. Các chuyên gia UNESCO nhận định tại đây có tất cả các tiềm năng và cơ hội để trở thành một công viên địa chất toàn cầu.

Triển khai Dự án Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Phú Yên

Công viên địa chất toàn cầu là khu vực tự nhiên, độc đáo, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học cùng nhiều giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích thích hợp để phát triển du lịch, các dịch vụ phụ trợ được UNESCO công nhận. 

Ngày 30/6/2020, Tỉnh ủy Phú Yên có văn bản thống nhất với Tờ trình của UBND tỉnh về việc triển khai Dự án Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Phú Yên. Căn cứ chủ trương đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí, UBND tỉnh Phú Yên xây dựng Đề án Công viên địa chất tỉnh Phú Yên hướng tới danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Việc xây dựng Đề án là phù hợp với định hướng phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Phú Yên; Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Phú Yên, định hướng xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế; Phù hợp với chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam và quan hệ của Việt Nam với UNESCO.

Đề án còn hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững; Tạo điều kiện tổ chức ứng dụng khoa học công nghệ, sáng tạo các ngành nghề mới, các sản phẩm chất lượng đi kèm với sự nổi tiếng và thương hiệu xanh của địa danh Công viên địa chất Phú Yên, góp phần tạo bước đột phá cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối Phú Yên với các đối tác trong mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Các chuyên gia UNESCO nhận định “Phú Yên đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí thành lập công viên địa chất quốc gia hướng tới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, có tất cả các tiềm năng và cơ hội để trở thành một công viên toàn cầu thành công trong tương lai gần”.

Tôn vinh giá trị di sản địa chất độc đáo của địa phương cũng như vai trò của các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông, bảo vệ môi trường, ngoại giao văn hóa, hợp tác quốc tế gắn với công viên địa chất tạo sự lớn mạnh của mạng lưới công viên địa chất Việt Nam và toàn cầu.

Công viên địa chất Phú Yên có 3 giá trị khoa học chính:

Di sản địa chất bao gồm di sản cổ sinh, di sản địa mạo, cảnh quan, karst và hang động, các di sản đá magma xâm nhập – phun trào; Các di sản đá biến chất thuộc lục địa cổ Gondwana; Các di sản đá núi lửa Kainozoi, di sản địa mạo; hoạt động sông, biển và tương tác lục địa – đại dương; Di sản kiến tạo – tân kiến tạo. Cụ thể là các đặc trưng của đá biến chất cổ khoảng 2,5 tỉ đến 542 triệu năm trước cho tới giai đoạn rìa lục địa tích cực đứt gãy sâu Sông Ba, tác động của thời kỳ tách giãn Biển Đông sau này.

Di sản văn hóa lịch sử giao thoa giữa nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa cả nền văn hóa Việt, cái nôi hình thành, bảo tồn và phát triển các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa đại diện nhân loại như nghệ thuật Bài chòi Trung bộ.

Đa dạng sinh học thể hiện qua tính đa dạng động vật, thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai và đặc biệt là đa dạng sinh học ven biển Phú Yên với các hệ sinh thái ven biển, đầm phà, vụng biển, các rạn san hô quanh hệ thống các đảo các giống loài hải sinh rất phong phú.

Vẻ đẹp Phú Yên với những giá trị về khoa học và di sản địa chất. (Ảnh minh họa)

Với những giá trị khoa học nổi bật như trên, dự kiến Công viên địa chất tỉnh Phú Yên gồm 80 đến 100 di sản địa chất, trong đó có nhiều điểm là các di sản, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia như: Đụn cát cổ, Núi Đá Bia, Hải đăng Mũi Điện, Di tích Tàu không số Vũng Rô, Công trình thủy lợi Đồng Cam, Suối nước khoáng nóng Phú Sen, Di chí khảo cổ Thành Hồ, Tháp Nhạn, Làng nghề thuyền thúng, các thềm biển cổ, Cầu gỗ ông Cọp, Đầm Cù Mông, Cảng cổ Phụng Long, Cảng muối cổ, Cánh đồng muối Hòa Lợi, Lăng cá ông Hòa Lợi, Chùa Từ Quang, Thành An Thổ, Nhà thờ Mằng Lăng, Làng gốm Quảng Đức, Bãi Xép, Gành Ông, Gành Bà, Hòn Yến, Gành Đá Đĩa.

Phạm vi Công viên địa chất Phú Yên bao gồm các huyện, thị xã ven biển: Sông Cầu, Tuy An, Phú Hòa, Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa.

Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện Đề án Công viên địa chất tỉnh Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đạt hiệu quả cao, tỉnh Phú Yên thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển công viên địa chất tỉnh Phú Yên do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất Phú Yên.

Đồng thời, tỉnh đã mời nhóm chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng thành công các hồ sơ trình UNESCO công nhận các công viên địa chất ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo hiệu quả của Đề án.

Ông Lê Hoàng Phú, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên cho biết: Sở đã thực hiện dự thảo, tập hợp tài liệu lập hồ sơ Đề án và hiện UBND tỉnh đã giao cho Sở Ngoại Vụ làm đầu mối chính hoàn thiện hồ sơ Đề án để trình UNESCO.

Bà Đỗ Thị Thủy – Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Yên cho biết thêm: Đề án đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Sở thực hiện tổ chức hội thảo khoa học quốc gia/ quốc tế về tiềm năng di sản địa chất và triển vọng xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Phú Yên. Đồng thời, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.

Công viên địa chất toàn cầu ở Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Là tỉnh đầu tiên có Công viên địa chất toàn cầu ở Việt Nam, Hà Giang đã khá thành công trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản địa chất này. Theo quy định của UNESCO, định kỳ 4 năm 1 lần, tổ chức này sẽ tái thẩm định và đánh giá sự phát triển của từng công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận từ năm 2010 và đã 3 lần thành công trong việc bảo vệ danh hiệu này.

Theo thống kê, kể từ khi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Công viên địa chất toàn cầu, lượng khách du lịch đến Hà Giang mỗi năm đều tăng 10%. Tính riêng trong năm 2018, lượng khách du lịch đến Hà Giang đã đạt trên 1 triệu lượt người. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt gần 1.000 tỉ đồng.

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn phát triển du lịch. (Ảnh minh họa)

Trong năm 2020, các cấp, các ngành và từng chủ thể trên vùng Cao nguyên đá cũng tập trung vào công tác bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống. Hoạt động quảng bá du lịch được xúc tiến mạnh mẽ, nhiều tour, tuyến du lịch được mở mới. Vì vậy, năm 2020, lượng du khách đến với Hà Giang đạt trên 1,5 triệu người; doanh thu từ du lịch đạt trên 1.500 tỉ đồng.

Hà Giang cũng nằm trong danh sách những điểm đến lý tưởng được các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. Những con số này cho thấy rõ sự thay đổi tích cực của Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 4,57% trong năm 2018, còn trên 50%. Trung bình hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt 6%/năm. Mức thu nhập của người dân năm sau cao hơn năm trước.

Để bảo vệ danh hiệu, Hà Giang vừa phải giữ gìn được vẻ đẹp của các di sản địa chất, vừa phải tạo ra các giá trị phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng người dân bản địa nơi đây.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn: Báo Kinh tế môi trường