Nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho trẻ em Việt Nam

Cập nhật: 19/11/2021
Dự án do Nhật Bản hỗ trợ sẽ trang bị cho trẻ em, gia đình và cộng đồng kiến thức, kỹ năng sống để chuẩn bị, ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai ở khu vực miền Trung và ĐBSCL.

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em” vừa được công bố bởi Đại sứ quán Nhật Bản và UNICEF Việt Nam. Dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông qua UNICEF Việt Nam trị giá 5,7 triệu USD cho giai đoạn từ năm 2021 - 2026.

Theo đó, Dự án sẽ trang bị cho trẻ em, gia đình và cộng đồng kiến thức, kỹ năng sống để chuẩn bị và ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai ở khu vực miền Trung và ĐBSCL, đặc biệt là Tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu. Ước tính khoảng 20.000 người, bao gồm 9.000 trẻ em sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường tiếp cận với các dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường ngày càng được cải thiện, và 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi sẽ được sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính nặng để có các biện pháp can thiệp vào năm 2025.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, khủng hoảng khí hậu là khủng hoảng về quyền của trẻ em. Việt Nam đã phải đối mặt với những thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL, và những cơn bão liên tiếp gây ra cùng với lũ lụt và sạt lở đất rất nghiêm trọng ở miền Trung vào năm ngoái.

Trẻ em không gây ra biến đổi khí hậu, nhưng các em sẽ chịu gánh nặng lớn nhất do tác động mà biến đổi khí hậu gây ra. (Ảnh minh họa)

Trẻ em, đối tượng ưu tiên quan tâm đến biến đổi khí hậu và môi trường sạch, sẽ đóng vai trò trung tâm trong dự án này với tư cách là tác nhân tạo ra sự thay đổi vì một cộng đồng xanh, sạch và an toàn. Dự án nhằm mục đích phát triển các chính sách về biến đổi khí hậu và môi trường với trẻ em và cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em tham gia, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và thiếu thốn của trẻ em đồng thời thúc đẩy tiến bộ so với các cam kết quốc tế, đặc biệt là Thỏa thuận Paris, Khung Sendai và các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Dự án cũng phù hợp với Chiến lược của Tokyo 2018 về Hợp tác Mê Kông - Nhật Bản, đã được Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam thông qua tại Hội nghị Cấp cao Mê Kông Nhật Bản lần thứ 10. Chiến lược nêu rõ, nhận thức được tình hình hiện nay mà biến đổi khí hậu có thể đe dọa nghiêm trọng đến khu vực sông Mê Kông và gây ra những thảm họa nghiêm trọng, các nhà Lãnh đạo tái khẳng định nỗ lực tăng cường khả năng ứng phó và hợp tác để giải quyết biến đổi khí hậu trong khu vực, nhấn mạnh cam kết thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris.

Hơn nữa, dự án sẽ đóng góp vào Sáng kiến Mê Kông - Nhật Bản về các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 11 vào năm 2019 nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực. Một trong những lĩnh vực ưu tiên chính của sáng kiến là các vấn đề môi trường và đô thị bao gồm giảm thiểu khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và quản lý thiên tai.

Trẻ em có nguy cơ cao nhất chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang khiến cuộc sống con người trên Trái Đất ngày càng bị đe doạ. Đặc biệt, trẻ em luôn là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thảm họa, thiên tai do tính dễ tổn thương về thể chất và tâm lý xã hội.

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), thanh thiếu niên Việt Nam là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu. Điều này sẽ đe dọa đến sức khỏe, giáo dục và sự an toàn của trẻ em trong tương lai.

Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 170 nước được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu trong vòng 30 năm tới và là một trong số 16 nước “có nguy cơ cao nhất” do tỉ lệ nghèo đói cao, dân cư đông đúc, dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu, phụ thuộc vào đất nông nghiệp dễ bị ngập lụt và hạn hán.

Cũng như ở các nước đang phát triển khác, trẻ em Việt Nam nằm trong số những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu dù các em là những người ít liên quan nhất đến những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Các loại nguy cơ về biến đổi khí hậu mà trẻ em gặp phải rất đa dạng bao gồm từ những ảnh hưởng trực tiếp về mặt thể chất như lốc xoáy, bão tố và nhiệt độ tăng giảm đột ngột cho tới những ảnh hướng về giáo dục, căng thẳng tâm lý và những khó khăn về dinh dưỡng. Như vậy, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến quyền trẻ em từ nhiều góc độ, kể cả sức khỏe, tính mạng, tiếp cận giáo dục, y tế, kinh tế gia đình...

Theo nhận định của Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller: Môi trường sống ở Việt Nam ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với trẻ em. Vì vậy, việc đảm bảo tiếp cận mạng lưới an sinh phù hợp và các dịch vụ tăng cường khả năng chống chịu, như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp bảo vệ tương lai của trẻ em.

Trước thực trạng trên, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, nếu không khẩn trương thực hiện hành động cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính, trẻ em sẽ tiếp tục phải chịu thiệt hại nhiều nhất. 

Lan Anh (T/h)

Nguồn: Báo Kinh tế môi trường