Trồng rừng góp phần chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

Cập nhật: 03/12/2021
Tại Hội nghị COP26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất vào cuối thập kỉ này.

Những cam kết mạnh mẽ

Trong Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, lãnh đạo đại diện cho các quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng trên thế giới đã thông qua kế hoạch đẩy lùi nạn phá rừng. Trong đó, 12 quốc gia đã cam kết đóng góp 12 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm các nỗ lực khôi phục đất đai bị suy thoái và ứng phó với cháy rừng.

Ngoài ra, giám đốc điều hành của hơn 30 tổ chức tài chính sở hữu hơn 8,7 nghìn tỉ USD tài sản toàn cầu, trong đó có Aviva, Schroders và Axa, đã cam kết từ bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng.

Người dân xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang) tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cùng lực lượng Kiểm lâm địa bàn.

Theo Viện Tài nguyên Thế giới, rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái rừng và mất rừng trở nên trầm trọng hơn do những đám cháy bùng phát tại một số khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo về thỏa thuận ngăn chặn chặt phá rừng tại một sự kiện sáng 2/11 (giờ địa phương), với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. "Những hệ sinh thái đa dạng tuyệt vời này - các thánh đường của tự nhiên chính là lá phổi của hành tinh chúng ta", Thủ tướng Boris Johnson nhận định.

Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển rừng

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14,6 triệu ha; Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,2 triệu ha và rừng trồng là 4,3 triệu ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ toàn quốc là 13,9 triệu ha, tỉ lệ che phủ là 42,01%.

Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/4/2021 đã chỉ rõ, đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỉ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đề án 1 tỉ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động Tết Trồng cây Xuân Tân Sửu 2021 tại Tuyên Quang.

Về mặt kinh tế, 690 triệu cây xanh trồng phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn, ngoài tác dụng cảnh quan, giải trí, các cây đa tác dụng còn cho sản phẩm là hoa, quả, thực phẩm dược liệu... góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông - lâm - ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh.

Bên cạnh đó, với 180.000 ha rừng trồng tập trung trong đó có 150.000 ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được khoảng 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến, ngoài ra với tổng diện tích 180.000 ha rừng tập trung được trồng mới, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 4,5 triệu USD.

Về xã hội, việc thực hiện Đề án sẽ nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, phát triển cây xanh trong toàn xã hội, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia. Phát huy sức mạnh từ nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh.

Một nghiên cứu của GS.TS. Đặng Kim Vui, Đại học Thái Nguyên đã chỉ ra rằng, song song với chính sách giao đất giao rừng, chính sách phát triển rừng đã tạo chuyển biến về ý thức của người dân, từ tập quán phá rừng sang quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Phong trào trồng cây gây rừng từ đồng bằng đã dịch chuyển lên vùng trung du, miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong nhân dân về lợi ích của rừng, thấy được hiệu quả trồng rừng và rừng trồng nên mong muốn được giao đất để trồng rừng nguyên liệu.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là các địa phương cần hạn chế đến mức thấp nhất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; Hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thật sự; Bảo đảm đủ các điều kiện để tổ chức quản lý bảo vệ rừng và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị khẳng định, gắn kết giữa phát triển kinh tế rừng và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu là nhiệm vụ hàng đầu của không chỉ ngành lâm nghiệp mà của các địa phương và doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng xã hội. Do đó, cần quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có; Phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, trong đó: Đối với rừng đặc dụng bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chú trọng công tác bảo vệ rừng, phát triển dịch vụ môi trường rừng và các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ, nông lâm kết hợp; Thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; Bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng.

Xuân Hòa

Nguồn: Báo Kinh tế môi trường