Bảo tồn các loài chim thông qua hoạt động du lịch sinh thái

Cập nhật: 07/12/2021
Với tình yêu thiên nhiên nói chung và các loài chim hoang dã nói riêng, từ năm 2005, ông Nguyễn Hoài Bảo đã quyết định thành lập Công ty TNHH Nghiên cứu và Du lịch Hoang Dã (Wildtour) nhằm giới thiệu vẻ đẹp các loài chim của Việt Nam đến cộng đồng thế giới. Bên cạnh đó, Công ty chuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu về sinh thái học, các dự án bảo tồn, bảo vệ môi trường (BVMT). Để tìm hiểu về các hoạt động của Công ty trong hoạt động BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), Tạp chí Môi trường đã có cuộc trò chuyện thú vị với ông Nguyễn Hoài Bảo - Giám đốc Công ty Wildtour và cũng là giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

PV: Được biết, Wildtour là đơn vị đầu tiên của Việt Nam cung cấp các tour xem chim. Vậy xin ông cho biết, từ ý tưởng nào mà ông quyết định thành lập Công ty Wildtour?

Ông Nguyễn Hoài Bảo: Việt Nam có hơn 900 loài chim, trong đó rất nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ thế giới. Tôi bắt đầu nghiên cứu chim từ năm 1999 khi còn là sinh viên đại học năm thứ 3, qua vài năm tìm hiểu thì tôi biết rằng vẻ đẹp và sự đa dạng các loài chim ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều người yêu thiên nhiên trên thế giới. Vì vậy, năm 2005 tôi quyết định thành lập công ty chuyên cung cấp tour du lịch xem chim, nhằm giới thiệu vẻ đẹp các loài chim của Việt Nam đến cộng đồng thế giới. Thời ấy, xem chim là hoạt động ngoài trời rất phổ biến ở các nước phát triển như Tây Âu, Bắc Mỹ nhưng còn là điều rất lạ lẫm ở Việt Nam. Vì thế, một số người thân và bạn bè đã ra sức khuyên can, họ không tin có người chấp nhận bỏ tiền chỉ để xem chim. Thế nhưng, bản thân tôi đã nhiều lần được một số bạn bè quốc tế nhờ hướng dẫn đến các vùng chim đặc hữu ở Việt Nam, từ đó tôi tin rằng Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng đối với những “tín đồ” xem chim khắp thế giới.

Du lịch xem chim (birdwatching) là hoạt động quan sát, tìm hiểu chim ngoài tự nhiên, có thể ghi nhận và định tên các loài quan sát được. Xem chim có thể bằng mắt hay thông qua một số thiết bị hỗ trợ: ống nhòm, ống tele, máy ghi âm…  Đây không phải nghiên cứu khoa học mà chỉ là một “môn thể thao” - giải trí xuất phát từ niềm đam mê của mỗi người. Du lịch xem chim xuất hiện khá lâu trên thế giới nhưng chưa phổ biến rộng rãi vì khá vất vả và tốn kém cho người tham gia.

Người châu Âu rất mê du lịch, tìm hiểu chim, đặc biệt là các nước như Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan. Từ đầu thập niên 90, khi Việt Nam mở cửa thì khách du lịch đã tìm hiểu và quan tâm đến các tour du lịch về chim. Họ đến ngắm và chụp ảnh chim Việt Nam, đặc biệt những loài chim đẹp, đặc hữu chỉ Việt Nam mới có. Gần đây, khi nhiếp ảnh kỹ thuật số phát triển mạnh thì người châu Á tham gia các tour chụp ảnh chim cũng gia tăng nên nhiều khách từ Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan là thị trường mới nổi.

Hầu hết, các khách hàng của Wildtour đều là người nước ngoài, có người là chuyên gia về sinh thái học, có người không liên quan gì đến chuyên ngành nhưng tất cả đều cùng đam mê tìm hiểu và nghiên cứu các loài chim. Xem chim ở Việt Nam là việc khá khó vì phần lớn vùng chim ở đều xa và không dễ đến. Để xem một số loài đặc hữu, du khách phải vào rừng sâu, trèo lên núi cao, đến nơi rất hiếm người đặt chân tới. Giá tour xem chim cũng rất đắt đỏ, từ vài triệu đồng với chuyến đi 1-2 ngày/người đến vài chục triệu, thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng nếu kéo dài cả tháng cho du khách muốn xem cả vùng chim đặc hữu. Mỗi năm, Công ty chỉ tổ chức trên dưới 20 tour xem chim do những tháng mưa không đi được. Xem chim ngày nay đã trở thành trào lưu du lịch mang lại nguồn thu rất lớn cho các quốc gia biết cách khai thác hợp lý. Bên cạnh nguồn thu tài chính thì du lịch xem chim còn đem đến nhiều giá trị khác như khơi dậy lòng yêu thiên nhiên từ đó có thêm ý thức BVMT cho cả khách tham quan và người dân bản địa.

PV: Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của thế giới trong việc xây dựng mô hình bảo tồn chim hoang dã thông qua hoạt động du lịch sinh thái?

Ông Nguyễn Hoài Bảo: Trên thế giới có rất nhiều mô hình bảo tồn chim đạt được nhiều thành công rực rỡ. Điển hình nhất có thể kể đến như việc bảo tồn các loài chim thiên đường ở New Guinea thông qua hoạt động du lịch sinh thái. Chim thiên đường là một họ chim gồm 39 loài chim đẹp, thông minh và quí hiếm nhất thế giới. Các bộ tộc bản địa thường sử dụng lông vũ của chúng để trang trí mũ nón, trang phục, vũ khí, nhà cửa…, chúng được trao đổi như vật trang sức và có giá khá cao trên thị trường, nên các loài này đã bị săn bắt vô tội vạ. Gần đây, với sự phát triển của loại hình du lịch nhiếp ảnh các loài chim này, những bộ tộc bản địa dần dần từ bỏ thói quen săn bắt chúng để bán lấy tiền mà ngược lại họ còn bảo vệ chúng và kiếm thêm thu nhập từ việc phục vụ cho các du khách đến địa phương để tham quan và chụp hình chim thiên đường…

Gần chúng ta hơn là ở Campuchia có chương trình bảo tồn loài Quắm lớn và Quắm cánh xanh kết hợp với du lịch sinh thái ở làng Tmatbouy, tỉnh Prea Vihear. Cụ thể, loài Quắm lớn (Pseudibis gigantea) và Quắm cánh xanh (Pseudibis davison) là hai loài chim được liệt kê có nguy cơ tuyệt chủng rất cao (CR) do việc săn bắt và mất sinh cảnh rừng khộp. Cả hai loài này cũng được ghi nhận ở VQG Yok Đôn của Việt Nam, nhưng số lượng rất ít. Để bảo vệ 2 loài này, Chính phủ Campuchia cùng với Tổ chức Bảo tồn WCS và cộng đồng địa phương đã lập ra chương trình du lịch sinh thái tại làng Tmatbouy thuộc Khu Bảo tồn Kulen Promptep. Chương trình đã thu hút được rất nhiều khách xem chim quốc tế đến tham quan. Hoạt động này không chỉ giúp phục hồi được quần thể của 2 loài gần như bị tuyệt chủng toàn cầu, mà còn giúp tạo sinh kế của không ít cộng đồng người dân địa phương nhờ các hoạt động liên quan đến du lịch như nhà nghỉ, nhà hàng và hướng dẫn khách quốc tế đến xem chim.

Ồng Nguyễn Hoài Bảo - Giám đốc Công ty Wildtour

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 1.000 khách quốc tế đến với mục đích chụp ảnh loài chim đuôi cụt bụng vằn ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nếu tính chi phí 250 USD/người/ngày và lưu trú ít nhất tại Việt Nam 3 ngày, thì từ trước đến nay doanh thu từ loài chim này, chúng tôi tính không dưới 1 triệu USD. Nhưng kinh phí này chưa thể so với cách làm ở Hokkaido, Nhật Bản thu hút khách đến chụp ảnh sếu mỗi năm vài ngàn người và phải đăng ký trước vì lượng người quá đông. Hay như tôi đi chụp ảnh một giống chim cánh cụt Úc, giá vé thấp nhất là 25 USD, cao nhất là 75 USD, mà số người chụp đông kín cả sân vận động. Đơn giản hơn, loài sếu đầu đỏ trước đây có nhiều ở Đồng Tháp, giờ muốn chụp phải qua Campuchia chụp với giá 15 USD/lần. Tất cả đó chỉ mới là tiền vé, còn nhiều chi phí du lịch khác nữa. Thái Lan giờ đây bỏ ra mỗi năm cả triệu USD để gây lại đàn Sếu đầu đỏ. Ngày nay, thế giới đang khai thác thiên nhiên theo cách lâu dài và bền vững, trong khi thiên nhiên chúng ta thì bị bỏ ngỏ cho nạn săn bắt và tận diệt chim. Chúng ta vẫn thường hô hào người dân BVMT, bảo tồn ĐDSH nhưng không chứng minh được bảo tồn như thế thì có lợi gì. Hơn thế, tình yêu thiên nhiên và thói quen BVMT từ du khách cũng có thể làm lay chuyển người dân địa phương. Từ đó, họ sẽ quan tâm hơn đến việc BVMT sống của chim và muôn loài khác.

PV: Bên cạnh hoạt động du lịch sinh thái, ông có thể giới thiệu một số hoạt động khác của Công ty?

Ông Nguyễn Hoài Bảo: Ông Nguyễn Hoài Bảo: Trong thời gian 2 năm dịch bệnh, các hoạt động du lịch hoang dã đều được tạm gác, hoạt động chính của công ty trong thời gian qua là các hoạt động đánh giá tác động môi trường của các dự án, tuyên truyền, giáo dục và kêu gọi BVMT, ĐDSH. Một số dự án bảo tồn điển hình có thể kể đến là Dự án bảo tồn các vùng đất ngập nước ven biển ở ĐBSCL với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2020 với mục tiêu nghiên cứu hiện trạng và xác định các vùng đất ngập nước ven biển quan trọng đối với ĐDSH nói chung và các loài chim di cư ven biển nói riêng. Kết quả của giai đoạn này cho thấy, các bãi triều ở Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Gò Công (Tiền Giang), Ba Tri và Bình Đại (Bến Tre) là những sinh cảnh đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự tồn vong của các loài chim di cư. Giai đoạn 2 của dự án được bắt đầu từ tháng 8/2021 đến cuối năm 2023 với các mục tiêu chính là phổ biến kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 1 đến các bên liên quan như người dân địa phương, các cơ quan chính quyền và các nhà khoa học; Xây dựng các biện pháp bảo tồn cần thiết để bảo vệ các vùng đất ngập nước trọng điểm cho các loài chim di cư với sự tham da của cộng đồng và chính quyền địa phương; Xây dựng kế hoạch và khuyến nghị để đề xuất để chính phủ thành lập các khu bảo vệ đất ngập nước mới.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham gia Dự án nghiên cứu sử dụng nấm cộng sinh để phục hồi rừng ở Lâm Đồng. Dự án này được thực hiện trong 4 năm với sự hợp tác của nhiều đơn vị bao gồm Viện Nấm và Công nghệ sinh học, Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Rừng phòng hộ Đa Nhim, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.Hồ Chí Minh và The Mushroom Initiative (Hongkong). Với Dự án này, chúng tôi nghiên cứu để cấy nấm rễ cộng sinh vào một số loài cây rừng để giúp cây tăng trưởng tốt hơn đồng thời nấm có thể sinh ra các quả thể để người dân địa phương có thể thu hoạch, giúp cải thiện kinh tế và giảm áp lực vào việc khai thái tài nguyên rừng. Việc giữ rừng còn làm tăng giá trị ĐDSH, đặc biệt thu hút các loài chim sinh sống để phát triển du lịch xem chim cho cộng đồng địa phương, tạo thêm việc làm và thu nhập cho họ.

Ngoài ra, Công ty cũng tư vấn cho rất nhiều dự án điện gió nhằm giảm thiểu tác động của dự án đến ĐDSH như ở Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu. Hiện nay, việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió đang là sự kiện nóng ở Việt Nam, tuy nhiên việc phát triển ồ ạt mà không đánh giá cụ thể các ảnh hưởng của nó đến môi trường sẽ dẫn đến nhiều mất mát ĐDSH, nhất là các loài chim và dơi. Các nghiên cứu của chúng tôi cũng như nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến chim và dơi mà cụ thể là thay đổi môi trường sống và sự va đập của động vật vào cánh quạt tua bin làm chết không ít số lượng chim-dơi và có thể làm suy giảm ĐDSH, mất cân bằng hệ sinh thái. Vì thế, các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB, IFC, KfW… khi cấp vốn cho các nhà đầu tư điện gió đều đòi hỏi phải có chính sách an toàn môi trường, trong đó việc đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng của dự án đối với ĐDSH (IFC PS6) là điều kiện tiên quyết. Với kinh nghiệm và chuyên môn sâu về lĩnh vực này, chúng tôi tư vấn cho cả bên cho vay vốn và nhà đầu tư lập kế hoạch quản lý ĐDSH (Biodiversity Management Plan - BMP) dựa trên các nghiên cứu cơ sở (Baseline Study) trước khi xây dựng dự án cũng như giám sát ĐDSH trong thời gian vận hành.

PV: Từ hoạt động của Công ty mình, ông có suy nghĩ gì về thực trạng ở Việt Nam hiện nay và đề xuất những giải pháp để bảo tồn các loài chim nói riêng, ĐVHD nói chung ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoài Bảo: Bảo vệ ĐVHD là vấn đề của cả thế giới, không chỉ riêng Việt Nam chúng ta. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu cộng với văn hoá với săn bắt và thu nhặt các lâm sản từ rừng, chúng ta đang dần chuyển sang một nền kinh tế công nghiệp. Thói quen săn bắt hái lượm vốn dĩ tồn tại trong cộng đồng dân cư từ nhiều năm trước, ngày nay khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế thay đổi, người dân không kịp thay đổi, một bộ phận nhỏ người dân sống gần rừng vẫn duy trì tập quán cũ, họ vẫn kiếm sống nhờ rừng, phần lớn do họ không kịp thích nghi với lối sống mới. Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là các hoạt động phát triển kinh tế mà không chú trọng đến môi trường sẽ dẫn đến nhiều mất mát về ĐDSH mà chúng ta không bao giờ cứ vãn lại được, trong đó việc mất sinh cảnh sống và môi trường sống của các loài hoang dã do quá trình đô thị hóa và phát triển nông nghiệp thiếu tính bền vững.

Văn hóa ẩm thực của người Việt đã hằn sâu vào tâm trí của chúng ta, số đông cho rằng thịt chim hoang dã là sạch, là bổ dưỡng và ăn thịt chim hoang dã là sành điệu, là quý tộc vì vậy nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn khi nhiều người trở nên giàu có. Chính nhu cầu rất lớn từ người có nhiều tiền và sẵn sàng chi trả số tiền lớn để mua những con vật đó đã thúc đẩy nhiều người dân đánh bắt nhiều hơn. Hơn nữa, hiện nay pháp luật nước ta chỉ thấy xử phạt những người săn bắt, mua bán mà không xử lý người tiêu thụ, vì thế người tiêu thụ gần như vô can mà chính họ là nguyên nhân gây hại đến sự sinh tồn của ĐVHD.

Do vậy, bảo tồn ĐVHD nói chung và chim nói riêng cần có sự tham gia của cả xã hội mà nhà nước là các cấp quản lý liên quan cần phải đi đầu cũng như tạo cơ chế tham gia từ nhiều thành phần. Các doanh nghiệp cũng cần có những hoạt động bảo tồn để “đền trả” những ảnh hưởng do doanh nghiệp gây ra. Theo cơ chế hiện nay, chỉ có việc thành lập các khu bảo tồn càng nhiều càng tốt thì mới hy vọng bảo vệ được hệ sinh thái và các loài ĐVHD. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm thành lập thêm các khu bảo vệ đất ngập nước tồn cho các vùng đất ven biển, bãi bồi gần các cửa sông ở Hải Phòng, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre. Bên cạnh đó cần có hướng dẫn và quy định chặt chẽ về đánh giá tác động môi trường của các dự án kinh tế và tăng cường công tác thực thi pháp luật trong việc bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với người buôn bán và sử dụng ĐVHD.

Ở các nước văn minh hơn, người dân đều nhận thực được rằng chim hoang dã đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của loài người, vì vậy họ không có nhu cầu ăn thịt chim hoang dã và nhờ đó mà chim được sống tự do bên cạnh con người. Có một điều nữa nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực tế thịt chim hoang dã không “sạch” như người ta tưởng, các nhà khoa học đã nghiên cứu rất nhiều về độc chất tích tụ trong cơ thể chim hoang dã rất cao, dư lượng hóa chất nông nghiệp được chuyển từ các sinh vật nhỏ qua cua, cá… và cuối cùng tích tụ ở sinh vật cao nhất trên chuổi thức ăn là chim, vì vậy các chất độc khó phân huỷ như Dichlorodiphenyldichloroethylene (DDE) được tìm thấy ở chim hoang dã cao gấp vài ngàn lần ở gia cầm. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân trong vấn đề bảo vệ ĐDSH nói chung và bảo vệ ĐVHD nói riêng.

Nguyễn Hằng 

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2021