Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà: Hệ sinh thái đa dạng và phong phú

Cập nhật: 28/02/2022
Nổi tiếng với hệ sinh thái vô cùng đa dạng, chủ yếu là rừng nguyên sinh cùng loài động thực vật quý hiếm, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà còn là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học lớn bậc nhất nước ta với hàng ngàn loài động thực vật sở hữu nguồn gen cực kỳ quý hiếm.

Ở Việt Nam, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà có diện tích 70.000 ha thuộc khu dự trữ sinh quyển LangBiang, là một trong năm Vườn Quốc gia  (VQG) lớn nhất Việt Nam và lấy tên theo 2 ngọn núi cao nhất ở Lâm Đồng (Bidoup cao 2.287m, Núi Bà cao 2.167m) là nơi duy nhất hội tụ đầy đủ các kiểu rừng thưa lá kim đến rừng kín thường xanh, từ rừng lá kim á nhiệt đới đến rừng hỗn giao và rừng lùn đỉnh núi, kiểu phụ rừng rêu… với thế giới động thực vật vô cùng phong phú và đặc sắc.

Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà còn là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học lớn bậc nhất nước ta.

Theo các số liệu thống kê thì Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà có khoảng 2.089 loài thực vật (96 loài đặc hữu  như Thông hai lá dẹt, Pơ mu, Thông đỏ, Thông năm lá, 302 loài lan). Không ngạc nhiên khi khu rừng thuộc cao nguyên LangBiang được ví như “ thiên đường của lan rừng Việt Nam”, 131 loài thú với 70 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam, UICN và CITES, có 306 loài chim. Bên cạnh đó, một số loài còn được tinh hóa như langbianensis 14 loài, dalatensis 9 loài và bidoupensis 5 loài. Đặc biệt, không gian rừng xanh kỳ vĩ này là nơi chiêm ngưỡng cây thông 2 lá dẹt cực kỳ quý hiếm có tuổi đời 1000 năm.

Bên cạnh hệ thực vật phong phú thì hệ động vật cũng không kém phần đa dạng. Đặc biệt, VQG Bidoup – Núi Bà còn vinh dự lọt top 221 khu trung tâm chim đặc hữu lớn nhất thế giới. Hiện nay, VQG Bidoup-Núi Bà đang gắn kết với các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên kế cận tạo thành một vùng thiên nhiên rộng lớn, góp phần cho việc bảo tồn sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây Nguyên và Nam Trung bộ. 

Trong giai đoạn 10 năm qua VQG Bidoup – Núi Bà đã triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học như đề xuất và thực hiện 06 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó chủ trì , thực hiện 02 nhiệm  vụ  cấp tỉnh, phối hơp thực hiện 02 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước  và hợp tác giữa Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam và địa phương, đã hỗ trợ hơn 100 đoàn chuyên gia, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong nước và quốc tế đến nghiên cứu khoa học. Đã thực hiện  chuyển giao kỹ thuật trong các lĩnh vực, góp phần tang cường hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, đồng thời tạo thêm lựa chọn sinh kế cho cộng đồng địa phương như chuyển giao kỹ thuật trồng dược liệu, giám sát rừng bằng hình ảnh viễn thám…

Về xây dựng và phát triển các hoạt động Hợp tác quốc tế: Thiết lập quan hệ đối tác (thông qua các Biên bản ghi nhớ hợp tác được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép) với hơn 20 tổ chức là các Trường Đại học , Viện nghiên cứu trên thế giới như  Trường Đại học Columbia, Trường Đại học Wincosin, Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (Hoa Kỳ), Vườn Thực vật Prest (Pháp), Đại học Kyusu, Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Laval (Canada), Viện nghiên cứu động vật vật hoang dã Leibniz, Trường Đại học Trier ( Đức). Tham gia các  dự án hỗ trợ kỹ thuật do các đối tác song phương, đa phương, hỗ trợ xây dựng và triển khai thực hiện các dự án  tại VQG và khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang như : Dự án nâng cao năng lực quản lý dựa vào cộng đồng ( 2010 -2013), Dự án khắc phục trở ngại nhằm tang cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn ở Việt Nam – Hợp phần VQG Bidoup – Núi Bà (2013- 2015), Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững- Hợp phần đa dạng sinh học (2015-2020), Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (2021 -2025).

VQG Bidoup – Núi Bà đã thiết lập quan hệ đối tác với hơn 20 tổ chức là các Trường Đại học , Viện nghiên cứu trên thế giới.

Thành tích nổi bật của VQG là  “Giữ rừng bằng văn hóa”, theo đó đơn vị đã ký hợp đồng với 1.553 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 06 đơn vị tập thể, bảo vệ hơn 65.000 ha rừng, chi trả dịch vị môi trường rừng, khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm. Chuyển phòng cháy chữa cháy rừng, từ thụ động sang chủ động. Vườn đã quy hoạch du lịch giai đoạn 2011 – 2020 , tầm nhìn 2030, phối hợp với JICA – Nhật Bản xây dựng  “Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng” đã mang lại hiệu quả, đã đón hơn 50 ngàn lượt khách trong và ngoài nước.Hướng đến mục tiêu bảo vệ được các cảnh quan đa dạng sinh học có ý nghĩa toàn cầu.

Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Biduop – Núi Bà, đơn vị đang thực hiện đồng thời 09 chương trình, trong đó bao gồm bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống cháy rừng, phục hồi sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, hợp tác quốc tế, phát triển du lịch sinh thái, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn vùng đệm và chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật

Vườn Quốc gia Bidoup  – Núi Bà dự kiến đón 1,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030. Mặt khác, tiếp tục triển khai các chương trình về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tổ chức kế hoạch phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ  cũng như mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Lê Hồng

Nguồn: Báo bảo vệ rừng và môi trường