Hà Nội: Động lực mới phát triển du lịch nông thôn

Cập nhật: 04/03/2022
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nội dung mới so với các giai đoạn trước, đó là thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn. Đây là cơ sở pháp lý để Hà Nội và các địa phương tạo nguồn động lực mới, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

 Khách du lịch tham quan làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Lê Nam

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương

Cách đây hơn 10 năm, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã định hướng phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới với việc bắt tay vào xây dựng quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, đặc biệt là củng cố và phát triển các làng nghề sinh vật cảnh… Đến năm 2018, Hồng Vân đã được Hà Nội công nhận là điểm du lịch cấp thành phố. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết: Trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi năm, xã đón khoảng 7 vạn du khách trong nước, quốc tế tới tham quan, trải nghiệm; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 10 tỷ đồng.

Du lịch kết hợp với xây dựng nông thôn mới cũng là lợi thế đối với nhiều làng quê của Hà Nội. Thành phố đã hình thành được nhiều điểm du lịch ở nông thôn như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức); làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp như: Trang trại Dê Trắng, trang trại Đồng Quê Ba Vì (huyện Ba Vì); Khu du lịch sinh thái Bản Rõm, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn)… Hà Nội còn sở hữu nhiều làng nghề nổi tiếng như làng nghề thêu ở xã Tuy Lai; nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá (Mỹ Đức); nghề mây, tre, giang đan ở Phú Nghĩa (Chương Mỹ)… là lợi thế để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Theo Bộ NN&PTNT, du lịch nông thôn vừa giảm áp lực cho các điểm du lịch trong khu vực nội đô, vừa tạo cơ hội việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội; đồng thời tác động tích cực tới nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như: Thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan nông thôn… Tuy nhiên, thực tế cho thấy do chưa có chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể từ trung ương nên việc triển khai ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Khu du lịch sinh thái Bản Rõm, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), một địa điểm hấp dẫn du khách. Ảnh: Hồ Hạ

Cơ sở pháp lý để thúc đẩy phát triển

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện dự thảo Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới để triển khai rộng rãi trên cả nước, trong đó chú trọng phát triển các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nêu rõ mục tiêu chuẩn hóa các điểm đến du lịch nông thôn, phấn đấu: Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 điểm đến và 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt chuẩn; đồng thời, đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên được kết nối bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm đến được áp dụng thương mại điện tử; 70% lực lượng lao động du lịch nông thôn được tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch... Nguồn vốn được lấy từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021-2025.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Chương trình phát triển du lịch nông thôn là khung pháp lý quan trọng để hỗ trợ các địa phương khai thác, phát huy tiềm năng du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với khu vực nông thôn Hà Nội có thị trường du lịch rộng lớn.

Từ thực tiễn phát triển, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng cho biết: Hồng Vân đang khai thác du lịch từ các nhà vườn sinh vật cảnh, các trang trại, vườn trại… Tuy nhiên, do đặc thù đất sản xuất nông nghiệp nên các chủ vườn không được phép xây dựng hạ tầng. Xã đề xuất cơ quan chức năng cho phép mỗi nhà vườn chuyển đổi từ 200-300m2 đất để xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ du khách nghỉ ngơi, ăn uống... Ngoài ra, xã Hồng Vân cũng rất mong được thành phố và huyện hỗ trợ đầu tư hạ tầng điện, viễn thông, giao thông đồng bộ và tập huấn cho người dân về nghiệp vụ du lịch…

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) Nguyễn Quý Phương nhận định: Hiện tại, việc phát triển du lịch nông thôn còn manh mún, rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Vụ Lữ hành đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện quy hoạch hệ thống du lịch trong năm 2022; đồng thời hoàn chỉnh các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn.

Còn Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới trung ương Nguyễn Minh Tiến thông tin: Trong thời gian tới, phát triển du lịch nông thôn sẽ tập trung vào các định hướng như chính sách phát triển du lịch nông thôn; tổ chức không gian du lịch nông thôn; quản lý du lịch nông thôn; huy động nguồn lực; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; phát triển nhân lực làm du lịch nông thôn... để các địa phương phát triển bài bản, hiệu quả.

Nguyễn Mai

Nguồn: Báo Hà Nội mới