Cà Mau: Nơi phù sa thiếu ngọt - Bài 2: Theo dòng Chắc Băng

Cập nhật: 19/04/2022
Không phải đến tận bây giờ, khi mà tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng thất thường của thời tiết ngày càng lộ rõ, nhất là những gì xảy ra đến mức khốc liệt ở mùa khô 2016 và 2020, khát vọng tìm ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau nói chung và Cà Mau nói riêng mới trỗi dậy, mà khát vọng này đã hiện hữu từ rất lâu.

Sinh thời, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã nhắc đến hệ thống dẫn ngọt dòng Mê Kông theo kênh xáng Quản lộ Phụng Hiệp nhằm đáp ứng nhu cầu “nhất nước” trong canh tác nông nghiệp từ đúc kết của cha ông ta cho toàn vùng bán đảo Cà Mau. Tại Cà Mau, chúng ta cũng đã hình thành nên hệ thống thuỷ lợi ngăn mặn, đón dòng ngọt rất lớn vào thời điểm đó, điển hình là cống Cà Mau và âu thuyền Tắc Thủ.

Dòng sông lịch sử sẽ đảm đương sứ mệnh lịch sử

Sau hàng chục năm theo đuổi quyết tâm ngọt hoá bán đảo Cà Mau, do nhiều yếu tố tác động, nhất là lượng nước dòng Mê Kông ngày càng cạn kiệt, cũng như quá trình xâm nhập mặn ngày càng sâu do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà toàn vùng Bắc Cà Mau, cũng như một phần thị xã Giá Rai, huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu, rồi một phần huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang đã mặn hoá. Nhiều cánh đồng lúa 2 vụ với vườn tược mát rượi, cây trái sum suê, giờ đã chuyên tôm trong bức bối hay luân canh lúa - tôm.

Âu thuyền Tắc Thủ tới đây sẽ được khởi động trở lại, góp phần phát triền nông nghiệp mang tính chủ động, bền vững cho Cà Mau

Khát vọng của lịch sử ngày ấy, thực tế đã phá sản hoàn toàn từ cách đây khá lâu. Nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi cho mục đích này đã ngủ im, dần đi vào quên lãng trong thời gian rất dài. Tưởng đã an bài, nhưng rồi khát vọng tìm ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau nay bật dậy với sự hoàn thành của đại dự án thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé, đã đánh thức sự mong mỏi đến cháy bỏng. Âu thuyền Tắc Thủ sẽ trở dậy trong giai đoạn 2 của đại dự án trên, đảm đương sứ mệnh lịch sử cho ngày hôm nay. Câu chuyện dẫn ngọt giờ đây sẽ chuyển sứ mệnh sang dòng kênh xáng Chắc Băng - dòng sông lịch sử gắn liền với chuyến tàu tập kết từ miền Nam ra Bắc, cũng như bao huyền thoại, chiến tích oai hùng của dân tộc.

Ngược dòng Chắc Băng, chúng tôi trở về miền ký ức vùng ngọt của huyện nội đồng Thới Bình với những đồng lúa bạt ngàn, vườn mía ngút tầm mắt gắn liền với Nhà máy đường Thới Bình - điểm khởi đầu cho nền công nghiệp của Cà Mau. Dòng Chắc Băng không chỉ gắn liền với lịch sử, kinh tế, mà còn mang đậm nét văn hoá lâu đời của miền sông nước Cà Mau - Kiên Giang với trên bến, dưới thuyền, đông đúc chợ trên sông, bức tranh của một nền nông nghiệp đa dạng, phong phú, ấm no và hội tụ.

Một góc thị trấn Thới Bình - Nơi dòng sông Chắc Băng hiền hòa chảy qua

Như một nét văn hoá có tự ngàn xưa, dòng Chắc Băng không phải một mình, mà hợp thành từ sự hội tụ của nhiều nhánh sông, với dòng chính bắt nguồn từ sông Cái Lớn, thuộc huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang, mà xuôi về Cà Mau qua lòng Thới Bình thôn thơ mộng, kết thúc ở ngã ba Cái Tàu, điểm khởi đầu của dòng sông Cái Tàu xuyên qua lòng U Minh Hạ và sông Ông Đốc chảy về với biển Tây. Hình tượng về dòng sông được đào từ thời Pháp thuộc, sông Chắc Băng dài trên 40 cây số như là phần thân của con sông, hai chân là sông Cái Tàu và sông Ông Đốc chảy ra biển Tây. Tượng hình này như là chữ Nhân trong tiếng Hán, vững chãi đầy sức sống.

Khát vọng tìm ngọt ở cái thời thuận thiên hiện nay, dòng Chắc Băng không chỉ mang sứ mệnh dẫn ngọt về phục vụ tưới tiêu, mà hệ thống thuỷ lợi dọc theo tuyến sông này tới đây sẽ được hình thành đồng thời nhằm điều tiết nước một cách phù hợp với hệ sản xuất con tôm, cây lúa. Đó là sự hài hoà giữa mặn và ngọt, hài hoà để phát triển nhanh và bền vững, hài hoà để đa dạng các mô hình sản xuất phát triển… Tất cả vì lợi ích của người dân, phù hợp với thực tiễn xã hội, đặc biệt là dù cải tạo thiên nhiên nhưng vẫn thuận thiên để mà phát triển bền vững.

Kỳ vọng vào việc kiểm soát nguồn nước

Ngọt chưa về thật sự nhưng đã mang đến bao niềm vui và sự kỳ vọng lớn lao đối với người dân huyện Thới Bình, địa phương thụ hưởng gần như trọn vẹn của công cuộc lịch sử này trên đất Cà Mau. Ông Nguyễn Hoàng Đảm, Ấp 9, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, không giấu niềm vui khi được hỏi về vụ tôm càng nghịch mùa: “Tuy không thụ hưởng trực tiếp từ nguồn nước ngọt nhưng cũng được thụ hưởng gián tiếp, đó là việc có thêm nguồn cấp nước ngọt làm giảm độ mặn rõ rệt. Như mùa hạn năm nay độ mặn chỉ 10 phần ngàn, lúc cao cũng 16 phần ngàn, thấp hơn so với mọi năm nên bà con ở địa phương không ngần ngại làm thêm vụ tôm càng xanh. Đến nay, giá tôm bán ra tăng hơn so với vụ tôm mọi năm, sản lượng không hề giảm. Chuyện đưa dòng nước ngọt về làm giảm độ mặn mùa hạn trên đồng đất Trí Lực đang là thời cơ lớn trong sản xuất của hơn 200 hộ dân ở Ấp 9 nói riêng, chúng tôi rất ủng hộ và mong chờ”.

Đồng đất Thới Bình phần lớn chuyển đổi hình thức sản xuất sang lúa-tôm, mang lại hiệu quả kinh tế

Đã nhiều năm qua, chuyện phát triển mô hình tôm càng xanh ở Trí Lực rất được nông dân quan tâm. Bởi với việc mở rộng đối tượng sản xuất trên cùng diện tích khi đã gieo cấy lúa, thả nuôi tôm sú, nuôi cua… sẽ giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập. Theo kinh nghiệm của ông Đảm, trung bình một vụ tôm càng xanh người nuôi lãi từ 30 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

“Dẫn ngọt về nhằm làm chủ được nguồn nước, hài hoà giữa mặn và ngọt, nhất là vào mùa hạn thì người nuôi sẽ mạnh dạn thả nuôi tôm càng xanh quanh năm. Như diện tích đất của nhà tôi, 2 năm gần đây mỗi năm đều tăng thêm vụ. Giờ tính ra đã có thể nuôi 3 vụ tôm càng xanh/năm. Như vậy mỗi năm riêng tôm càng xanh cũng cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm”.

Với tình hình độ mặn thấp còn giúp nông dân khả quan hơn cho vụ lúa - tôm truyền thống vào trung tuần tháng 8 tới đây. Ông Đảm phân tích: “Năm nay, ấp vận động bà con tranh thủ gia cố bờ bao để chủ động cho mùa vụ. Theo ước tính, sẽ có khoảng 200 hộ tham gia sản xuất lúa sạch kết hợp tôm càng xanh và hướng đến nuôi tôm càng xanh trái vụ. Giờ nhờ chăm lo sản xuất, đẩy mạnh thay đổi mùa vụ, giống nuôi nên trung bình thu nhập của người dân Ấp 9 nói riêng đã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm”.

Sự chuyển đổi sản xuất đa canh theo điều kiện tự nhiên về nguồn nước đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, bền vững ở huyện Thới Bình trong những năm qua, nhất là mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NNPTNT huyện Thới Bình, cho biết, địa phương đang bám sát chủ trương dẫn ngọt này và đã lên kế hoạch cho chuyển đổi mô hình sản xuất, cơ cấu giống phù hợp khi vận hành trở lại hệ thống thuỷ lợi kiểm soát mặn, ngọt trên địa bàn. Hiện lúa trên địa bàn chỉ còn ở Tân Lộc và Tân Lộc Bắc với diện tích rất hạn chế, vào khoảng 530 ha, còn lại là diện tích lúa - tôm, mà phần lớn là nuôi tôm càng trên đất lúa. Lúa sạch, tăng tính cạnh tranh thị trường; tôm cũng sạch, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao giá trị, chất lượng, tạo nên thương hiệu con tôm, hạt lúa trên vùng đất Thới Bình thôn.

“Tới đây, khi nguồn nước được kiểm soát tốt, vận hành hợp lý thông qua các dự án thuỷ lợi, sẽ tạo điều kiện cho con tôm, cây lúa trên địa bàn thêm phát triển bền vững hơn. Chúng tôi luôn theo đuổi mục tiêu này vì xét thấy mang lại hiệu quả thực tế, bền vững”, ông Nguyễn Văn Phúc háo hức chia sẻ.

Vùng hưởng lợi từ đại dự án Cái Lớn, Cái Bé sẽ kiểm soát nguồn nước mặn, lợ, ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái, có diện tích tự nhiên 384.120 ha vùng bán đảo Cà Mau,  trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 346.241 ha. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nói, chúng ta hình thành nên những dự án thuỷ lợi là nhằm giữ ổn định cho vùng sản xuất chứ không phải ngăn chặn triệt để. Đó là phù hợp với thực tiễn, khi chúng ta dần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; thay đổi tư duy từ chống đỡ sang chủ động thích ứng, thuận thiên, kiểm soát để thích ứng với biến đổi khí hậu…

Rồi dòng ngọt sẽ về với Cà Mau, nhưng phải chờ bởi sự đồng thời của các hệ thống thuỷ lợi chưa thể cùng lúc triển khai, vận hành trên địa bàn. Bộ NNPTNT đã có Quyết định số 3224/2021 về chủ trương đầu tư dự án cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thuỷ lợi ven biển Tây để phục vụ sứ mệnh dẫn ngọt về cho vùng bán đảo Cà Mau. Theo đó, sẽ tiến hành mở rộng cống, sửa chữa âu thuyền cũ và xây dựng thêm 1 âu thuyền tại Tắc Thủ. Cùng với đó, sửa chữa 2 cống hiện có (Bạch Ngưu và Đường Xuồng); xây dựng mới 4 cống (Bến Gỗ, Nỗng Kè Nhỏ, Nỗng Kè Lớn, Giồng Kè) với tổng mức đầu tư trên 604 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2026, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 (Bộ NNPTNT) làm chủ đầu tư.

Niềm tin sẽ không lại phải thất vọng thêm một lần nữa trong hành trình đi tìm nước ngọt cho vùng “nước mặn, đồng chua”, nhưng chắc rằng Cà Mau vẫn sẽ phải tiếp tục trải qua thêm những mùa khô khát nước.

Khát vọng tìm ngọt của Cà Mau lớn đến mức, trong khi chờ dẫn ngọt về thì địa phương đã chủ động xúc tiến ngay việc xây hồ chứa nước ngọt tại xứ rừng U Minh vào đầu năm 2022. Hồ có diện tích xây dựng 60 ha, dung tích chứa 3,85 triệu m3, khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113.000 người dân ở huyện U Minh. Mục tiêu chính của việc xây hồ chứa nước mưa là nhằm cung cấp nước sinh hoạt, trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp một phần nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, giúp giảm thiệt hại diện tích cây trái, hoa màu của người dân trong vùng.

Trần Nguyên - Phong Phú - Văn Đum - Hoàng Diệu

Nguồn: Báo Cà Mau - baocamau.vn - Đăng ngày 19/04/2022