Quảng Nam: Tăng "đề kháng" cho môi trường đô thị du lịch

Cập nhật: 21/04/2022
Môi trường là một trong những thành tố quan trọng quyết định chất lượng đô thị. Với Hội An, công tác bảo vệ môi trường còn gắn bó mật thiết với tiến trình phát triển du lịch, nhất là định hướng phát triển du lịch xanh trong thời gian tới.

Ngày càng có nhiều giải pháp tái chế, tuần hoàn rác thải để bảo vệ môi trường tại Hội An. Ảnh: Q.T

Còn nhiều lo ngại

Với đặc trưng của đô thị du lịch đón hàng triệu lượt khách mỗi năm, nhắc đến công tác bảo vệ môi trường ở Hội An đầu tiên phải đề cập đến áp lực rác thải du lịch.

Thống kê từ Phòng TN-MT Hội An, lượng rác thải phát sinh từ hoạt động thương mại, dịch vụ - du lịch chiếm khoảng 40% tổng lượng rác thải hàng ngày của thành phố. Điều này dẫn đến việc ô nhiễm, quá tải ở bãi rác Cẩm Hà thêm trầm trọng.

Đến nay, Hội An mới xử lý được 10/21 điểm ô nhiễm do nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Mạng lưới thu gom và xử lý nước thải tập trung tuy đáp ứng được 60% nhu cầu của thành phố nhưng thực tế chỉ xử lý được khoảng 23% tổng lượng nước thải phát sinh.

Ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, với 40% lượng nước thải chưa có mạng lưới thu gom, đến nay thành phố vẫn chưa có phương án tổng thể để xử lý triệt để.

Chỉ tiêu về diện tích cây xanh công cộng của Hội An mới chỉ đạt 2,97m2²/người, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn TCVN (tiêu chuẩn quốc gia về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị).

Áp lực của rác thải lên môi trường cảnh quan sinh thái của Hội An thời gian qua rất lớn. Ảnh: Q.T

Do đặc thù diện tích nhỏ trong khi quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, môi trường Hội An ngày càng đối mặt với nhiều áp lực, hiển hiện nguy cơ tổn thương hệ sinh thái tự nhiên.

Hội An cũng được dự báo là một trong những địa phương của tỉnh đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của quá trình biến đổi khí hậu.

Năm 2021, UBND TP.Hội An và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng các bên liên quan đã ký kết, công bố “Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - điểm đến xanh giai đoạn 2021 - 2023”.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, khung kế hoạch này khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của doanh nghiệp du lịch trong việc giảm rác thải, ứng dụng kinh tế tuần hoàn cũng như sự cam kết của các bên liên quan trong việc hành động vì mục tiêu “Hội An - điểm đến xanh” thay vì chủ yếu chỉ tự phát như trước đây.

Hành động vì môi trường xanh

Xây dựng và triển khai đề án “Bảo vệ môi trường thành phố Hội An đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035” trong bối cảnh hiện nay là vấn đề bức thiết để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch cũng như khắc phục tồn tại, giải quyết triệt để các vấn đề môi trường.

Hội An cần có các giải pháp tăng diện tích cây xanh công cộng và quản lý tốt các không gian còn “trống“. Ảnh: Q.T

Với đề án này, đã được vạch ra cụ thể theo 3 giai đoạn để Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đạt tiêu chí “thoáng - xanh - sạch - đẹp”. Đến năm 2025, Hội An cơ bản giải quyết được những vấn đề bức xúc về môi trường. Tập trung bảo tồn giá trị thiên nhiên sẵn có và cải thiện giá trị nhân tạo đảm bảo tiêu chí “thoáng” thông qua việc hoàn thành các khung quản lý.

Đến năm 2030, duy trì các tiêu chí “thoáng”, giải quyết căn bản các vấn đề xử lý nước thải, chất thải rắn, kiểm soát tốt chất lượng môi trường để đạt tiêu chí “sạch”; đồng thời lồng ghép tiêu chí “đẹp” để đảm bảo mỹ quan đô thị, nông thôn. Đến năm 2035, hoàn thành tiêu chí “xanh”, xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

Ông Nguyễn Minh Lý cho biết, từ nay đến năm 2025 Hội An tập trung triển khai đồng bộ việc bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực, quản lý chất thải, quản lý cây xanh, không gian xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Tiêu chí “thoáng” được đề cập trong đề án là một tiêu chí khá độc đáo, từ tiêu chí này có thể phát triển thành một thương hiệu của đô thị du lịch trong bối cảnh Hội An đang định hướng phát triển du lịch xanh.

Các ý kiến phản biện dự thảo đề án cho rằng, muốn “thoáng” thì địa phương phải kiên quyết bảo vệ quan điểm chỗ nào “trống” thì phải giữ, không triển khai các dự án. Các tài nguyên như biển, sông, hồ, lạch… trên địa bàn khi khơi thông xong cần được bảo vệ, không cấp phép các dự án phân lô xây dựng.

Quốc Tuấn

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 21/04/2022