Tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu

Cập nhật: 14/04/2009
Tháng 10/2008, nhà sáng lập đồng thời là chủ tịch Quỹ tài trợ Liên hợp quốc (United Nations Foundation), ông Ted Turner, đã tập hợp Liên minh Rừng nhiệt đới, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Du lịch Thế giới Liên hợp quốc (UNWTO) nhằm công bố tiêu chí du lịch bền vững toàn cầu lần đầu tiên tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới của IUCN. Bộ tiêu chí mới này được xây dựng dựa trên cơ sở hàng nghìn các tiêu chí đã được áp dụng thực tiễn hiệu quả trên khắp thế giới.

Các tiêu chuẩn này được phát triển để cung cấp một khung hướng dẫn hoạt động du lịch bền vững, giúp các doanh nhân, người tiêu dùng, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các cơ sở giáo dục bảo đảm rằng hoạt động du lịch là nhằm giúp đỡ chứ không làm hại cộng đồng và môi trường địa phương.


Du lịch bền vững đang trên đà phát triển: Nhu cầu tiêu dùng gia tăng, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch triển khai ngày càng nhiều chương trình du lịch “xanh”, trong khi các chính phủ cũng đang xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích hoạt động du lịch bền vững. Nhưng ý nghĩa thực sự của “du lịch bền vững” là gì? Du lịch bền vững được đánh giá và chứng minh như thế nào nhằm xây dựng được lòng tin của khách hàng, thúc đẩy tính hiệu quả và chống lại những yêu sách không hợp lý?
Dự án xây dựng Tiêu chuẩn toàn cầu về du lịch bền vững là một nỗ lực nhằm hướng đến mục tiêu giúp mọi người hiểu biết thấu đáo về du lịch bền vững. Đối với các nhà kinh doanh du lịch đó là những tiêu chí đầu tiên cần đạt đến. Tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu hướng tới 4 mục tiêu chính: hoạch định phát triển bền vững và hiệu quả, nâng cao lợi ích kinh tế xã hội cho cộng đồng địa phương, gìn giữ di sản văn hóa và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường.

Những tiêu chuẩn này là một phần trong các nỗ lực của cộng đồng kinh doanh du lịch trước những thách thức toàn cầu hướng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường – bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu – là những vấn đề chính được đề cập trong bộ tiêu chuẩn này.
 

Bắt đầu từ năm 2007, Hiệp hội Tiêu chuẩn toàn cầu về du lịch bền vững – một liên minh với 27 tổ chức thành viên, đã nhóm họp các nhà lãnh đạo để cùng nhau phát triển bộ tiêu chuẩn du lịch bền vững. Trong vòng 15 tháng Hiệp hội này đã trao đổi, thảo luận với các chuyên gia về tính bền vững của ngành du lịch và phân tích 4.500 tiêu chí của hơn 60 chứng chỉ hiện hành với sự tham gia của hơn 80.000 người bao gồm những nhà bảo tồn, các nhà lãnh đạo ngành, các cơ quan chức năng của chính phủ và Liên hợp quốc.

Một số lợi ích của bộ tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu

  • Định hướng bền vững hóa các hình thức kinh doanh ở mọi cấp độ và hướng các nhà kinh doanh chọn lựa chương trình du lịch bền vững để đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.

  • Hướng dẫn các đại lý du lịch chọn lựa nhà cung cấp dịch vụ du lịch bền vững.

  • Giúp đỡ khách hàng nhận biết các hoạt động và chương trình du lịch bền vữn.g

  • Cung cấp phương tiện thông tin nhận định về các nhà cung cấp dịch vụ du lịch bền vững.

  • Đảm bảo rằng tiêu chuẩn của chứng chỉ và các chương trình tình nguyện đáp ứng được những tiêu chí đã được công nhận rộng rãi.

  • Chỉ ra điểm khởi đầu để phát triển du lịch bền vững cho các chương trình của chính phủ, tổ chức phi chính phủ và tư nhân.

  • Là cơ sở định hướng cho chương trình giáo dục và đào tạo về du lịch.

Các tiêu chuẩn du lịch bền vững

Theo các chuyên gia, những tiêu chuẩn này chỉ là bước khởi đầu trong tiến trình hướng đến một tiêu chuẩn chung áp dụng trong tất cả các hình thức hoạt động của du lịch. Bộ tiêu chuẩn này chỉ đưa ra những việc nên làm, song không chỉ ra cách thức thực hiện hay xác định tính khả thi của mục tiêu. Vì vậy, vai trò bổ sung của việc quản lý giám sát cùng với công cụ giáo dục truyền thông và các cách tiếp cận sẽ là những yếu tố không thể thiếu để góp phần hoàn thiện.

Quản lý hiệu quả và bền vững

  • Các công ty du lịch cần thực thi một hệ thống quản lý bền vững, phù hợp với quy mô và thực lực của mình để bao quát các vấn đề về môi trường, văn hóa xã hội, chất lượng, sức khỏe và an toàn.

  • Tuân thủ các điều luật và quy định có liên quan trong khu vực và quốc tế.

  • Tất cả nhân viên được đào tạo định kỳ về vai trò của họ trong quản lý môi trường, văn hóa xã hội, sức khỏe và các thói quen an toàn.

  • Cấn đánh giá sự hài lòng của khách hàng để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp.

  • Quảng cáo đúng sự thật và không hứa hẹn những điều không có trong chương trình kinh doanh.

  • Thiết kế và thi công cơ sở hạ tầng: (i) Chấp hành những quy định về bảo tồn di sản tại địa phương; (ii) Tôn trọng những di sản thiên nhiên và văn hóa địa phương trong công tác thiết kế, đánh giá tác động, quyền sở hữu đất đai và lợi nhuận thu được; (iii) Áp dụng các phương pháp xây dựng bền vững thích hợp tại địa phương; (iv) Đáp ứng yêu cầu của các cá nhân có nhu cầu đặc biệt.

  • Cung cấp thông tin cho khách hàng về môi trường xung quanh, văn hóa địa phương và di sản văn hóa, đồng thời giải thích cho khách hàng về những hành vi thích hợp khi tham quan các khu vực tự nhiên, các nền văn hóa và các địa điểm di sản văn hóa.

Gia tăng lợi ích kinh tế xã hội và giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương

  • Công ty du lịch tích cực ủng hộ các sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và phát triển cộng đồng như xây dựng công trình giáo dục, y tế và hệ thống thoát nước.

  • Sử dụng lao động địa phương, có thể tổ chức đào tạo nếu cần thiết, kể cả đối với vị trí quản lý.

  • Các dịch vụ và hàng hóa địa phương nên được doanh nghiệp bày bán rộng rãi ở bất kỳ nơi nào có thể.

  • Công ty du lịch cung cấp phương tiện cho các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương để phát triển và kinh doanh các sản phẩm bền vững đựa trên đặc thù về thiên nhiên, lịch sử và văn hóa địa phương (bao gồm thức ăn, nước uống, sản phẩm thủ công, nghệ thuật biểu diễn và các mặt hàng nông sản).

  • Thiết lập một hệ thống quy định cho các hoạt động tại cộng đồng bản địa hay địa phương, với sự đồng ý và hợp tác của cộng đồng

  • Công ty phải thi hành chính sách chống bóc lột thương mại, đặc biệt đối với trẻ em và thanh thiếu niên, bao gồm cả hành vi bóc lột tình dục.

  • Đối xử công bằng trong việc tiếp nhận các lao động phụ nữ và người dân tộc thiểu số, kể cả ở vị trí quản lý, đồng thời hạn chế lao động trẻ em.

  • Tuân thủ luật pháp quốc tế và quốc gia về bảo vệ nhân công và chi trả lương đầy đủ.

  • Các hoạt động của công ty không được gây nguy hiểm cho nguồn dự trữ cơ bản như nước, năng lượng hay hệ thống thoát nước của cộng đồng lân cận.

Gia tăng lợi ích đối với các di sản văn hóa và giảm nhẹ các tác động tiêu cực

  • Tuân thủ các hướng dẫn và quy định về hành vi ứng xử khi tham quan các điểm văn hóa hay lịch sử, nhằm giảm nhẹ các tác động từ du khách.

  • Đồ tạo tác khảo cổ hay lịch sử không được phép mua bán hay trưng bày, trừ khi được pháp luật cho phép.

  • Có trách nhiệm đóng góp cho công tác bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ và các tài sản có ý nghĩa quan trọng về tinh thần, tuyệt đối không cản trở việc tiếp xúc của cư dân địa phương.

  • Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của cộng đồng địa phương khi sử dụng nghệ thuật, kiến trúc hay các di sản văn hóa của địa phương trong hoạt động kinh doanh, thiết kế, trang trí, ẩm thực.

Gia tăng lợi ích môi trường và giảm nhẹ tác động tiêu cực

  • Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên: (i) Ưu tiên buôn bán những sản phẩm thân thiện môi trường như vật liệu xây dựng, thức ăn và hàng tiêu dùng; (ii) Cân nhắc khi buôn bán các sản phẩm tiêu dùng khó phân hủy và cần tìm cách hạn chế sử dụng các sản phẩm này; (iii) Tính toán mức tiêu thụ năng lượng cũng như các tài nguyên khác, cần cân nhắc giảm thiểu mức tiêu dùng cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái sinh; (iv) Kiểm soát mức tiêu dùng nước sạch, nguồn nước và có biện pháp hạn chế lượng nước sử dụng.

  • Giảm ô nhiễm: (i) Kiểm soát lượng khí thải nhà kính và thay mới các dây chuyền sản xuất nhằm hạn chế hiệu ứng nhà kính, hướng đến cân bằng khí hậu; (ii) Nước thải, bao gồm nước thải sinh hoạt phải được xử lý triệt để và tái sử dụng; (iii) Thực thi kế hoạch xử lý chất thải rắn với mục tiêu hạn chế chất thải không thể tái sử dụng hay tái chế; (iv) Hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, sơn, thuốc tẩy, thay thế bằng các sản phẩm không độc hại, quản lý chặt chẽ các hóa chất được sử  dụng; (v) Áp dụng các quy định giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, nước thải, chất gây xói mòn, hợp chất gây suy giảm tầng ozon và chất làm ô nhiễm không khí, đất.

  • Bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên: (i) Các loài sinh vật hoang dã khai thác từ tự nhiên được tiêu dùng, trưng bày hay mua bán phải tuân theo quy định nhằm đảm bảo việc sử dụng là bền vững; (ii) Không được bắt giữ các loài sinh vật hoang dã, trừ khi đó là hoạt động điều hòa sinh thái. Tất cả những sinh vật sống chỉ được bắt giữ bởi những tổ chức có đủ   thẩm quyền và điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc chúng; (iii) Việc kinh doanh có sử dụng các loài sinh vật bản địa cho trang trí và tôn tạo cảnh quan cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn; (iv) Đóng góp ủng hộ cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm việc hỗ trợ cho các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao; (v) Các hoạt động tương tác với môi trường không được có bất kỳ tác hại nào đối với khả năng tồn tại của quần xã sinh vật, cần hạn chế, phục hồi mọi tác động tiêu cực lên hệ sinh thái cũng như có một khoản phí đóng góp cho hoạt động bảo tồn.

“Du lịch là một trong những ngành phát triển nhanh nhất và đóng góp lớn nhất cho phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo. Năm 2007 tổng lượng du khách quốc tế đạt mức 900 triệu người, và Tổ chức Du lịch thế giới Liên hiệp quốc dự đoán rằng con số này sẽ tăng lên 1,6 tỷ du khách vào năm 2020. Để giảm thiểu tác hại tiêu cực của quá trình phát triển này, đã đến lúc nên biến “tính bền vững” từ lời nói thành hành động cụ thể, và đây là đòi hỏi cấp bách với tất cả những người làm du lịch. Các tiêu chuẩn toàn cầu về du lịch bền vững sẽ là điểm tham chiếu cho toàn bộ ngành du lịch và là bước quan trọng trong việc tạo ra tính bền vững, một tiêu chí không thể tách rời trong phát triển du lịch.”
- Francesco Frangialli, Tổng thư kí Tổ chức Du lịch Thế giới Liên hợp quốc -

Nguồn: ThienNhien.Net