Du lịch cà phê - hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Đắk Nông

Cập nhật: 04/05/2022
Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam đang hỗ trợ 2 hợp tác xã sản xuất cà phê tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông xây dựng cà phê cảnh quan bền vững, kết hợp khai thác các hoạt động du lịch. Mô hình này được đánh giá là hướng đi mới mẻ, nhiều tiềm năng ở tỉnh này.

Cà phê cảnh quan gồm 3 tầng thảm thực vật cà phê và cây cao

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dịch vụ Tân Phú Nông, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, hiện có hơn 100ha cà phê trồng theo hướng cảnh quan. Theo ông Trần Hữu Trung, Giám đốc HTX, ngay từ khi thành lập, HTX đã đặt mục tiêu xây dựng mô hình cà phê cảnh quan. Thời gian qua, các đoàn chuyên gia của dự án VnSAT đã đến HTX khảo sát để hỗ trợ xây dựng mô hình cà phê cảnh quan bền vững kết hợp du lịch.

“Cà phê cảnh quan phát triển theo mô hình 3 tầng, mà lợi thế của HTX đang trồng cà phê xen tiêu, cây ăn quả. Hiện tầng cỏ đang được nuôi dưỡng rất tốt, cà phê không sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học chỉ sử dụng đạm cá, đậu nành… vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, cây lại phát triển tốt cho năng suất cao. Cà phê cảnh quan kết hợp du lịch là mô hình hay, phù hợp với định hướng phát triển của HTX”, ông Trung chia sẻ.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã triển khai mô hình cà phê cảnh quan kết hợp du lịch

Sẵn lợi thế, toàn bộ diện tích 250 ha cà phê của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đăk Nông tại xã Đắk R’Moan, TP. Gia Nghĩa cũng là đơn vị được dự án VnSAT chọn triển khai mô hình cà phê cảnh quan kết hợp du lịch.

Ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX cho rằng: Hiện HTX có lợi thế là đơn vị đang sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, nên việc triển khai ý tưởng kết hợp với du lịch sẽ rất khả thi. Hiện nay, thị trường nội địa còn nhiều dư địa nhất là dòng cà phê hữu cơ, chất lượng cao. Vì vậy, thời gian tới HTX xác định sẽ chế biến, đóng gói, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cà phê hữu cơ tại thị trường nội địa thông qua các hệ thống siêu thị, hội chợ, trang thương mại điện tử... để đưa sản phẩm hữu cơ, chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng.

“Phát triển cà phê cảnh quan kết hợp du lịch nếu được triển khai tốt sẽ có sức lan tỏa lớn. Bởi mỗi người dân đến tham quan có thể giúp truyền thông, marketing, quảng bá đến nhiều nơi khác mà họ đến”, ông Thạch khẳng định.

Mô hình cà phê cảnh quan cho năng suất, chất lượng, giá trị cao

Khai thác du lịch cà phê

Đăk Nia và Đăk R’Moan, là hai xã được chọn làm mô hình điểm cà phê cảnh quan kết hợp du lịch tại Đắk Nông. Ở đây không chỉ có diện tích cà phê lớn nhất TP. Gia Nghĩa, mà còn có những yếu tố đặc trưng để khai thác du lịch.

Xã Đăk R’Moan có mặt nước của hồ thủy điện Đăk R’tit, nhiều khe suối lớn, tạo nên một cảnh quan sản xuất cà phê rất ổn định. Đây cũng là địa phương được UBND tỉnh lựa chọn và tiếp tục đầu tư xây dựng bon điểm, nhà trưng bày các dụng cụ của người M’nông. Ngoài ra, còn có HTX nông nghiệp hữu cơ đang hoạt động rất hiệu quả.

Còn xã Đăk Nia, lại có địa điểm du lịch như thác Lưu Ly, Di tích lịch sử cấp Quốc gia bon Cây Xoài có thể kết nối trong chuỗi du lịch cà phê cảnh quan. Ngoài ra, trục đường qua xã Đăk Nia kết nối với Lâm Đồng, đường vào khu du lịch Tà Đùng nên rất thuận lợi để phát triển cà phê cảnh quan kết hợp du lịch.

Bên cạnh đó, Đăk Nia còn có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cũng đã được dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng vườn ươm để làm nơi cung cấp cây giống chất lượng cho toàn tỉnh.

Diện tích lớn cà phê phát triển theo mô hình cà phê cảnh quan tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông

Lợi thế nhiều, tiềm năng lớn, tuy nhiên các HTX còn nhiều thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư nên rất cần dự án VnSAT hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn, xây dựng kho bãi, nhà xưởng, sân phơi… thì mô hình sẽ triển khai thuận lợi và nhanh hơn.

"Mô hình cà phê cảnh quan là một trong những biện pháp tốt nhất để ứng phó biến đổi khí hậu. Điều đặc biệt của mô hình chính là đa dạng hệ sinh thái và triển khai diện tích lớn. Trên thế giới hiện nay đang ưu tiên phát triển cà phê cảnh quan phát triển du lịch. Đây là hướng đi giúp cà phê phát triển bền vững".

Tiến sĩ Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên

Theo báo cáo, đến nay dự án VnSAT đang hỗ trợ 2 HTX tại xã Đăk Nia và Đăk R’Moan trên địa bàn TP. Gia Nghĩa xây dựng mô hình cà phê cảnh quan kết hợp du lịch.

Trong giai đoạn từ 2015 - 2020, dự án VnSAT đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đăk Nông xây dựng nhà kho, sân phơi, máy móc, thiếu bị sơ chế cà phê… Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tân Phú Nông xây dựng 20 km đường giao thông nội đồng để đi vào khu sản xuất.

Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Giám đốc dự án VnSAT Đăk Nông cho biết, trước đây, ở hai xã này chủ yếu đường đất, việc đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Các tuyến đường giao thông được xây dựng không chỉ giúp nông dân đi lại thuận lợi mà còn kết nối các điểm cao, tầm nhìn tốt. Đây là yếu tố giúp hình thành các mô hình cà phê cảnh quan kết hợp du lịch.

Hiện nay, năng suất cà phê của tỉnh Đắk Nông đã đạt gần 3 tấn/ha. Vì vậy, địa phương hướng đến sản xuất cà phê theo hướng có chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời hướng đến xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất giống, chế biến sản phẩm tươi, đến sản phẩm chất lượng cao bán ra thị trường.

“Đặc biệt, hai xã Đăk Niavà Đăk R’Moan đều nằm trong khu vực thuộc Công viên địa chất toàn cầu nên rất thuận lợi cho việc sản xuất cà phê cảnh quan kết hợp du lịch”, ông Vỹ nhìn nhận.

Lê Hường-Minh Quang

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 03/05/2022