Australia sẽ tiếp tục hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Cập nhật: 05/05/2022
Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie cho biết sẽ tiếp tục kết nối các doanh nghiệp của Australia với thành phố Cần Thơ để tìm hiểu cơ hội đầu tư hợp tác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.

Làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie cho biết Australia rất quan tâm đến tình hình biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và đã hỗ trợ thực hiện nhiều dự án chống biến đổi khí hậu cho khu vực này.

Đại sứ cho biết sẽ tiếp tục kết nối các doanh nghiệp của Australia với thành phố Cần Thơ để tìm hiểu cơ hội đầu tư hợp tác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu cũng như các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới… nhằm đẩy mạnh quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Austrailia-Việt Nam cũng như giữa Australia với Cần Thơ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn…

Nhân chuyến công tác tại đồng bằng sông Cửu Long, Đại sứ Robyn Mudie đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về các vấn đề hợp tác giữa Australia và Việt Nam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua và những dự định hợp tác sắp tới.

- Thưa Đại sứ Robyn Mudie, bà có thể chia sẻ về những kết quả hợp tác của Australia và Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua?

Đại sứ Robyn Mudie: Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi chỉ muốn nói rõ rằng hiện nay chính phủ Australia đang ở trong giai đoạn chuyển giao trước bầu cử cho nên tôi chỉ có thể nói về những cam kết trước đó cho tới thời điểm hiện tại trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Australia và tôi sẽ không đề cập đến những vấn đề mang tính ràng buộc với chính phủ mới.

Thật tuyệt khi được trở lại đồng bằng sông Cửu Long. Lần cuối cùng tôi đến đây là vào tháng 12/2020 nên lần trở lại này đối với tôi là một cơ hội rất tuyệt vời để kết nối lại với người dân, môi trường nơi đây và chứng kiến những sự thay đổi trong thời gian qua.

Australia đã luôn là một đối tác lâu dài của Việt Nam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trên thực tế, chúng tôi đã đầu tư 650 triệu đôla Australia trong nhiều dự án từ năm 2000 đến nay như công trình cầu Cao Lãnh và cầu Mỹ Thuận, cũng như nhiều dự án nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi thật sự đã đạt rất nhiều kết quả tốt tại đây.

Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào những dự án tăng cường năng suất và khả năng chống chịu môi trường vì chúng tôi hiểu đây là những yếu tố sống còn để đồng bằng sông Cửu Long có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu, duy trì an ninh lương thực và đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện một số dự án khá thú vị. Cụ thể là, Australia đang hỗ trợ kết nối nông dân trong lĩnh vực thủy sản nâng cao năng suất và lợi nhuận. Đây thực sự là một dự án quan trọng vì nó đưa những nhà sản xuất cá nhân vào một môi trường hợp tác, qua đó giúp họ tối đa hóa năng suất.

Trong chuyến công tác đến đồng bằng sông Cửu Long lần này, tôi cũng sẽ thăm một dự án rất thú vị ở Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp. Dự án này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và những giải pháp công nghệ cao trong quản lý môi trường tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Nạo vét kênh thủy lợi nội đồng trữ nước ứng phó hạn mặn ở huyện Hòn Đất, vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Bên cạnh các hỗ trợ nêu trên, chương trình hợp tác Mekong-Australia là sáng kiến trong vòng 4 năm, trị giá 232 triệu đôla Australia tại các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong. Chúng tôi cũng triển khai các hỗ trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia-ACIAR.

Trung tâm này đã tập trung vào đồng bằng sông Cửu Long trong suốt 30 năm qua với tổng các khoản đầu tư lên đến 23 triệu đôla Australia trong 20 dự án hợp tác. Vào sáng 28/4, tôi đã ở Trường Đại học Cần Thơ để nghe về một dự án của ACIAR về sự đa dạng trong cây trồng và cách hỗ trợ người nông dân tìm ra giải pháp gieo trồng những loại cây mang tính bền vững trong môi trường có độ mặn cao.

- Bà suy nghĩ thế nào về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long, thưa Đại sứ?

Đại sứ Robyn Mudie: Có rất nhiều việc cần phải được thực hiện và nước Úc chúng tôi rất tự hào về những hỗ trợ để giúp nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu và giảm thiểu tác động (của biến đổi khí hậu) trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thích ứng với biến đổi khí hậu là thách thức chung với bất kỳ một khu vực cũng như là môi trường nào đó và cần có nỗ lực toàn diện. Các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã hợp tác tích cực để tìm ra các giải pháp chung.

Chúng tôi rất vui khi nghe về quyết định gần đây của Chính phủ Việt Nam về kế hoạch hợp tác liên ngành trong phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Theo chúng tôi, việc kết nối chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng là rất quan trọng để cùng hiểu rõ được những thách thức hiện thời và tìm ra một kế hoạch toàn diện, bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng tôi cũng hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai được kế hoạch hành động này. Tất nhiên, Australia sẽ tìm kiếm các cơ hội phù hợp với các hỗ trợ trước kia cũng như hiện nay khi mà kế hoạch tổng thể (cho việc phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long) được Chính phủ Việt Nam triển khai.

- Xin cảm ơn Đại sứ!

Thanh Liêm-Trung Kiên

Nguồn: TTXVN - Vietnamplus.vn - Đăng ngày 29/04/2022