Cần Thơ: nhà cổ đang thành nhà cũ, cần được nâng cấp

Cập nhật: 15/04/2009
Cần Thơ có hơn 70 ngôi nhà cổ độc đáo, đặc biệt là quần thể nhà cổ tại cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt). Những căn nhà cổ mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, tất cả đang bị thời gian bào mòn một cách nhanh chóng. Ngôi nhà cổ nổi tiếng nhất cù lao Tân Lộc là ngôi nhà Bình Thủy của dòng họ Dương, khuôn viên rộng hơn 8.000 m2 với 136 năm tuổi. Ngôi nhà này kết hợp giữa văn hóa Đông - Tây với những công trình, hoa văn tráng lệ và cổ điển.

Thế kỷ trước, năm 1945, đắm đuối nghệ thuật chạm khắc nơi đây, một sĩ quan Pháp đã ngỏ ý mua một đoạn chạm khắc gỗ ở bao lam bên phải mang về Pháp. Mỗi năm, hàng ngàn lượt khách trong ngoài nước về đây tận hưởng cái chất u hoài cổ kính cô đặc nắng gió phương Nam của ngôi nhà.

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam đưa một đoàn làm phim Pháp đến ngôi nhà này để lấy bối cảnh quay bộ phim “Người tình”. Đạo diễn J.J Annaud thảng thốt: "Tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây”. Nay thì rất nhiều ấn tượng của căn nhà đã chỉ còn là hoài niệm.

Hậu duệ mấy đời họ Dương, ông Dương Minh Hiển chủ nhân của căn nhà chỉ những vệt sơn trắng chạy dài đè theo vết nứt ngang vách tường, trên cột giữa, rầu rĩ: “Chống đỡ tạm thời thôi, hệ thống máng xối liên hoàn hư rồi, nền cũng lún”. Cặp rồng phụng uốn lượn quanh 4 cột tròn cùng hai câu đối trên cổng “tam quan” đã bay đâu mất; “Vườn lan Bình Thủy” đắm say ngày trước nay cũng chỉ là dấu tích, hơn 300 hình gốm xinh xinh gắn khéo léo trên hòn non bộ cao 2-3 mét cũng đã về với lịch sử; bên bể bơi cạn nước hai chú ếch đá trơ mắt ngồi nhìn nhau...


Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, cán bộ phòng Quản lý di tích (Bảo tàng Cần Thơ) cho biết: “Cần Thơ hiện chỉ còn 72 nhà cổ, hầu hết đã biến dạng, xuống cấp trầm trọng”. Dạo một vòng trung tâm Tây Đô, dễ thấy nhiều căn nhà cổ đã bị biến thành nhà cũ vì những giá trị văn hóa, lịch sử đã bị bóc tách hoặc che lấp. Dãy 18 căn trên đường Phan Đình Phùng hiện chỉ còn 4 căn; dãy phố 5 căn liền kề trên đường Bùi Hữu Nghĩa - Bình Thủy vốn là phố trệt của Hương Cả Ky và 4 ngôi nhà của anh em họ La nay là bệnh viện lao. Một khu nhà cổ rộng nhiều gian có khuôn viên vuông vức từ lâu thành chốn pháp đình, nơi tòa án cấp cao nhất của Cần Thơ từ thời còn là tỉnh đến khi lên thành phố trực thuộc trung ương dùng làm nơi xử án. Vẫn đấy tường Pháp to cao vút nhưng bạc thếch, tróc lở một màu u ám.

“Vườn thầy Cầu” (149/38 Huỳnh Thúc Kháng), mô hình “Du lịch sinh thái” đầu tiên được đưa vào sách sử gần như biến mất; nhà rội thuần Việt 3 gian 2 chái mái âm dương, mặt tiền song gỗ, lối đi bên hông chỉ còn đôi ba cái… Năm 2002, ông chủ làng du lịch Mỹ Khánh chỉ phải bỏ ra 120 triệu đồng mua căn nhà ba gian hai chái xây năm 1906 từ cháu đại điền chủ Trần Hi Ngươn (làng Bình Thủy) đang xuống cấp nghiêm trọng, mang về ném thêm tỷ bạc phục chế, dựng lại phục vụ du khách. Hai phòng sau và bên hông căn nhà nay có giá 300 ngàn đồng/phòng/ngày đêm, khách Tây đến nườm nượp. Người ta bảo ông chủ vườn kinh doanh nhanh chân, cũng có người chậc lưỡi: Hỡi ôi làng Bình Thủy mất đi một căn nhà cổ. Ai đoán được còn bao nhiêu căn mất đi theo kiểu ấy?

Thành phố Cần Thơ đã phê duyệt Dự án nâng cấp làng cổ Bình Thủy - Lộ Vòng Cung, trong đó riêng trùng tu nhà cổ Bình Thủy khoảng 1,4 tỷ đồng,
quá ít so với sự hấp hối của nhà cổ khắp nơi. "Nhà cổ Bình Thủy chính là 1/10 lý do khách đến Cần Thơ và ĐBSCL, là nơi đã đi vào văn học thế giới. Mất đi cái riêng này, Cần Thơ giảm hẳn lợi thế cạnh tranh du lịch",  GS - TS  E. Segemueller (Đức) lưu ý như thế trong Hội thảo “Làm gì để phát triển du lịch Cần Thơ và các vùng lân cận”.
 

Nguồn: Nông nghiệp