Người Cơ Tu (Quảng Nam) giữ rừng làm du lịch xanh

Cập nhật: 17/05/2022
Nơi biên viễn của tỉnh Quảng Nam, có những quần thể rừng ngàn năm tuổi được người dân Cơ Tu nhiều năm bảo vệ. Họ coi rừng là nhà và rừng cũng mang lại hệ sinh thái tự nhiên giúp người dân nơi đây sung túc hơn nhờ làm du lịch.

UBND huyện Tây Giang phục dựng lại các lễ hội truyền thống như lễ khai năm tạ ơn rừng, lễ kết nghĩa, lễ dựng cây nêu và các trò chơi dân gian... Ảnh: Tiêu Dao

Những cánh rừng ngàn năm tuổi

Khắp huyện biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) lừng lững những mây trắng trên đỉnh núi, nơi những bóng rừng phủ xuống từng buôn làng. Người Cơ Tu nơi biên viễn này vẫn tự hào về rừng. Ở đó, có những rừng đa cổ thụ, rừng pơ mu và đỗ quyên với tuổi đời vài trăm năm đã gắn bó mật thiết với người. Với người làng, họ luôn coi trọng việc cấm xâm hại đến mẹ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng thiêng là nơi có nhiều cây gỗ quý như đa, pơ mu, dỗi, lim xanh... Đây là triết lý và là cách ứng xử bao đời của người Cơ Tu đối với mẹ rừng, với môi trường tự nhiên.

Người Cơ Tu nơi này xem rừng, xem những cây cổ thụ lâu năm như là vị thần, gắn lên nó những câu chuyện huyền bí, gửi vào đó làm nơi trú ngụ của các vị thần giúp dân làng có môi trường sống trong lành, có nguồn mạch nước ngọt trong vắt để dân làng uống, có động thực vật phong phú để con người sinh tồn và phát triển. Tình yêu núi, yêu cánh rừng già đã hóa thành dòng chảy sức mạnh, mỗi người dân Cơ Tu là một cánh tay cùng chung sức bảo vệ rừng. Và những tổ bảo vệ rừng đã ra đời, từ đây, những cánh rừng không còn hoang vu nữa mà được chăm sóc, bảo vệ bởi chính bàn tay những người con của núi.

Nhiều năm trước đây, khi chinh phục đỉnh Arung quanh năm mây phủ ở vùng cao Tây Giang, người Cơ Tu đã phát hiện ra những cánh rừng pơ mu, rừng lim xanh, rừng đỗ quyên... từ hàng trăm đến ngàn năm tuổi. Từ đỉnh cao phóng tầm mắt ra xa, một khu rừng đỗ quyên hiện ra bạt ngàn. Không ai nghĩ ở Tây Giang lại có một khu rừng đỗ quyên rộng lớn thế này. Cả khu rừng như đang chìm trong giấc ngủ dài hàng trăm năm khi không hề có dấu hiệu tác động của con người.

Trước khi tìm thấy khu rừng đỗ quyên hàng trăm năm tuổi vào tháng 8-2016, một khu rừng ngàn năm tuổi khác là pơ mu tại đỉnh Zi’liêng (cao 1.400m) đã được người dân bản địa phát hiện vào năm 2011. “Vương quốc pơ mu” này rộng đến 4.500ha, nằm ngay biên giới Việt - Lào. Riêng vùng lõi rộng chừng 450ha, trong đó, có 725 cây pơ mu được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào tháng 5-2016.

Với độ cao trung bình từ 800 - 1.000m so với mực nước biển, ở Tây Giang không hiếm những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Trong đó, có những cánh rừng cả ngàn năm tuổi như rừng lim xanh quý hiếm rộng 3.500ha đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Giữa năm 2016, Tây Giang đón nhận Cây di sản Việt Nam cho 2 cây đa sộp. Đến cuối năm, huyện Tây Giang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận cho một cây đa cổ thụ ở xã Tr’Hy, tại một cánh rừng có độ cao khoảng 1.200m. Đây là cây đa được cho là lớn nhất huyện với đường kính thân gần 5m, tán rộng 80m.

Quần thể cây di sản hiện nằm chủ yếu ở 2 xã A Xan và Tr’Hy của huyện Tây Giang mới phát lộ được hơn một thập kỷ, do chính những người dân ở đây tìm kiếm, đánh dấu và thống kê lại chủ yếu nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, dưới chân núi Zi’lieng. Những cây pơ mu chủ yếu có tuổi từ hơn 300 đến 1.000 năm. Đường kính cây pơ mu lớn nhất gần 5,5m và chỗ tập trung nhiều cây pơ mu nằm ở địa phận xã A Xan trong tổng thể 90.000ha rừng tự nhiên.

Và ở Tây Giang còn có một rừng đa cổ thụ, khiến nhiều người khi lạc vào đây giống như đang lạc vào thế giới cổ tích của người khổng lồ. Ở làng A Ting (xã Ga Ry, huyện Tây Giang) có một rừng cây đa cổ thụ vẽ lên muôn hình vạn trạng giữa núi rừng thâm u kỳ vĩ. Già làng A Ting Ríah Nhoót khi dẫn chúng tôi cùng những trai làng vào rừng đa, già vừa đi vừa kể chuyện, thủ thỉ như đang nói chuyện với rừng, với những hoang dã xa xôi của miền biên viễn này.

“Đã trên 70 năm rồi đấy, mình già đi, chứ những “cụ” đa này không thay đổi gì nhiều. Lúc còn nhỏ, già đã thấy những cây lim to như thế này, giờ lên lão rồi mà vẫn thấy như thế. Để bảo vệ rừng, người Cơ Tu đã sáng tạo nên những truyền thuyết, huyền thoại. Rồi bằng hình thức truyền miệng, các câu chuyện đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những khu rừng đã hóa thành linh thiêng không ai dám xâm phạm” - già làng Ríah Nhoót nói.

Người Cơ Tu giữ rừng làm du lịch

Với tôn chỉ “rừng mất, Tây Giang suy vong”, UBND huyện Tây Giang đã thành lập Tổ quản lý, bảo vệ rừng thôn, bản, tổ chức tuần tra từ nhiều năm qua. Những già làng uy tín, có sức ảnh hưởng với cộng đồng cũng thường xuyên nói chuyện, vận động người dân, do vậy, đã tác động mạnh mẽ đến ý thức giữ rừng của mỗi người Cơ Tu...

Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, hiện, huyện đã dựng lên 10 nhà Gươl tại vùng lõi pơ mu để phục vụ công tác bảo tồn và du lịch. Huyện cũng đang xúc tiến dựng các điểm dừng chân, mở dịch vụ du lịch homestay cho các hộ dân sinh sống quanh vùng đệm rừng pơ mu. Tây Giang sẽ tiếp tục hoàn thiện tất cả những cơ chế chính sách và thủ tục trong quản lý gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Trước mắt, huyện sẽ thành lập Tổ quản lý khu du lịch sinh thái văn hóa pơ mu.

Sau khi làm lễ đón nhận danh hiệu Cây di sản cho 725 cây pơ mu, huyện Tây Giang cũng đưa vào vận hành khu lưu trú khoảng 10 nóc nhà sàn truyền thống của người Cơ Tu ngay tại khu vực sát lõi của khu rừng. Với thời tiết mát lạnh, dễ chịu, mùa hè nhiệt độ cao nhất khoảng trên dưới 30 độ C, cùng với nhiều cánh rừng ngàn tuổi, nhiều cây đa cổ thụ tuyệt đẹp, Tây Giang đang hướng đến phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh. Chính quyền huyện Tây Giang cũng xúc tiến phát triển mô hình du lịch sinh thái để thu hút du khách đến với Tây Giang khám phá “Vương quốc pơ mu” giúp đồng bào người Cơ Tu nơi đây sống được nhờ rừng.

Năm 2017, UBND huyện Tây Giang đầu tư Làng du lịch sinh thái pơ mu với những ngôi nhà sàn truyền thống nằm gần khu rừng Cây di sản Việt Nam. Đây là nơi tiếp đón du khách đến tham quan, thưởng lãm và nếu có nhu cầu lưu trú, du khách đăng ký để khám phá không gian huyền bí giữa núi rừng... Hằng năm, vào tháng 2 dương lịch, UBND huyện Tây Giang phối hợp với các xã tổ chức lễ hội Tạ ơn rừng với những nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi giáp với nước bạn Lào. Đây cũng là thời điểm tốt nhất trong năm để mở cửa rừng theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu. Sau lễ này, người dân mới vào rừng săn bắn, thu hái sản vật.

Với định hướng đó, huyện Tây Giang sẽ kiến nghị lãnh đạo các cấp cần có những chính sách ưu tiên, đặc biệt có chính sách kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch phía Tây Quảng Nam, trong đó, điểm nhấn là tiếp tục phát triển, bảo vệ tốt quần thể cây di sản rừng pơ mu.

Tiêu Dao

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 09/05/2022