Tp. HCM: Phát triển du lịch đường sông

Cập nhật: 09/06/2022
Ghi nhận từ đầu năm đến nay, có trên 262.000 lượt khách quốc tế đến Tp.HCM, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021; khách nội địa ước đạt trên 2 triệu lượt, tăng 108% so với cùng kỳ năm trước… Sở Du lịch Tp.HCM cho biết, các sản phẩm, tour, tuyến mới đến thời điểm này nhiều hơn hẳn, trong đó có tour du lịch đường sông.

Du khách trải nghiệm tour du thuyền cao cấp ngắm cảnh Sài Gòn

Ngắm sông về đêm

“Vừa qua, chúng tôi như con thoi, liên tục cùng ngành du lịch khảo sát để làm mới sản phẩm nội đô Tp.HCM. Bận rộn nhưng rất vui, nhất là khi sản phẩm thành hình được người dân, du khách đón nhận”, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TSTtourist chia sẻ. Trong đó, phải kể đến sản phẩm “Trải nghiệm du thuyền ngắm Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông” (mức giá gần 2,6 triệu đồng/người trong thời gian khoảng 2,5 giờ), được xem như điểm nhấn du lịch đường sông Tp.HCM ở thời điểm hiện tại. Lộ trình tour khởi hành từ bến Bạch Đằng (16 giờ 15 phút) đến cầu Phú Mỹ - khu Mũi Đèn Đỏ (quận 7) và ngược lại về cầu Thủ Thiêm 2, cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh).

Anh Nguyễn Thái (ngụ quận 3, TPHCM), sau khi trải nghiệm đã đánh giá, sản phẩm tour du thuyền ngắm sông, thưởng thức ẩm thực khá mới lạ dành cho những người muốn có trải nghiệm riêng để cảm nhận về Sài Gòn - TPHCM. “Thành phố đêm lung linh, huyền ảo. Nhìn từ cầu Phú Mỹ, thành phố đẹp không kém Thái Lan, hay nhiều nước khác trong khu vực”, anh Nguyễn Thái nói.

Không chỉ ngắm cảnh đêm, du khách có thể ngồi ca nô cao tốc đến khu vườn trái cây trĩu quả, nghe đờn ca tài tử tại xã Trung An, huyện Củ Chi. Lộ trình xuất phát tại Địa đạo Bến Dược - dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - đi ca nô đến Tổ hợp tác xã vườn trái cây Trung An, tiếp đó đạp xe tham quan theo lộ trình từ bến đò Thầy Tám Tắc - đường Sông Lu - đường Đỗ Thị Nhặt, hoặc ngồi xe ngựa quanh khu vực Tổ hợp tác xã vườn trái cây Trung An.

Ngoài ra, người dân có thể lựa chọn phương tiện buýt sông, với mức giá chỉ vài chục ngàn đồng/người. Chiều thứ bảy mỗi tuần, dự án nghệ thuật cộng đồng “Có hẹn với Saigon” do SaiGon Waterbus phối hợp cùng các nghệ sĩ trên địa bàn TPHCM thực hiện, chính thức đem đến cho người dân những “bữa tiệc” âm nhạc sôi động, chất lượng. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư dự án SaiGon Waterbus, cho biết, doanh nghiệp mong muốn đem lại sự trải nghiệm mới mẻ, sinh động cho người dân TPHCM cũng như du khách khi ghé Sài Gòn - TPHCM.

Hoàn thiện để đón khách

Hiện nay, hàng loạt công ty du lịch tại TPHCM như Saigontourist, Vietravel, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, TSTtourist đều khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch đường sông TPHCM theo hướng trọn gói hoặc từng phần, cho nhóm khách gia đình, khách đoàn. Phần lớn các sản phẩm đều được làm mới hơn, theo hướng hấp dẫn, có nhiều trải nghiệm hơn (tour du thuyền cao cấp đêm, chèo thuyền đứng - SUP…). Nhưng để có khách “ruột” quay trở lại nhiều lần, tham quan liên tục, quả thực không dễ dàng. Thực tế, một số doanh nghiệp từ lúc triển khai tour mới, đến nay mới đón được vài chục khách, trong khi công sức đầu tư cho sản phẩm không nhỏ.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM chia sẻ, Vietravel đã tung ra nhiều tour giới thiệu nét đặc trưng của Sài Gòn, nhưng sự đáp lại của lượng khách chưa nhiều. Để thu hút khách, Vietravel đã có các chùm tour liên tuyến thay vì chỉ ngắm Sài Gòn rồi về, như từ TPHCM khởi hành đến TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) hoặc Phan Thiết (Bình Thuận)… Có những tàu đi dạng cá nhân, riêng lẻ hoặc đi theo nhóm gia đình, tập trung vào đối tượng khách hàng có nhiều tiền, thích trải nghiệm du lịch dưới nước. Khách có thể thuê một tàu để cả gia đình cùng đi trên sông Sài Gòn, sau đó xuống TP Vũng Tàu thưởng thức ẩm thực. Hành trình tùy theo nhu cầu của khách, nhưng đa số là 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm, hoặc khách có thể thuê tàu, sau đó lên bờ đi về. Gói tour thưởng thức ẩm thực cùng gia đình, ngắm hoàng hôn trên sông đang được khách quan tâm nhiều hơn.

Góp ý cho du lịch đường sông, ông Cao Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm Du lịch nội địa BenThanh tourist, cho rằng, nên rút ngắn thời gian ngồi trên sông và cho khách trải nghiệm nhiều hơn, bởi khách rất ngán ngồi hàng giờ trên ca nô cao tốc chỉ để ngó nghiêng hai bên bờ. Chỉ cần 15-20 phút ngắm cảnh trên sông, sau đó lên bờ đạp xe tham quan vườn trái cây, thưởng thức chương trình ca nhạc, ẩm thực; kết nối các điểm tham quan liên vùng như huyện Củ Chi (TPHCM) với các điểm đến tại Bình Dương… để tạo điểm nhấn, có thêm cung đường du lịch mới lạ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhận định, tiềm năng sản phẩm du lịch đường sông của TPHCM rất lớn, với hàng loạt tuyến điểm nội đô kết nối huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp các địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện thêm điểm đến, giúp cho các tour đường thủy hấp dẫn hơn. Về lâu dài, ngành du lịch sẽ kết nối tuyến đường thủy đến Cần Giờ, để nơi đây trở thành khu du lịch trọng điểm của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. “Ngành du lịch TPHCM luôn nỗ lực từng ngày, chỉn chu từng sản phẩm để đón khách nội địa cũng như quốc tế”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết.

Đầu tư phát triển kinh tế đêm Cần Giờ

Chiều 8-6, thông tin từ lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên khai thác, phát triển các dịch vụ du lịch về đêm (trụ sở tại TPHCM) cho hay, đã có doanh nghiệp tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư bước đầu về việc phát triển kinh tế đêm Cần Giờ, TPHCM. Đây sẽ là dự án lớn, bao gồm các trung tâm giải trí, dịch vụ về đêm… trị giá lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Về phía UBND huyện Cần Giờ, một lãnh đạo huyện nói, sẵn sàng hỗ trợ tận tình cho các doanh nghiệp muốn đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch, kinh tế đêm Cần Giờ. Tuy vậy, từ dự tính cho đến lúc triển khai thực tế còn qua rất nhiều bước khác nhau, nên doanh nghiệp cũng khá thận trọng.

Thi Hồng

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng - sggp.org.vn - Đăng ngày 09/06/2022