Lai Châu: Ngân vang tiếng khèn Mông trên đỉnh Tà Mung

Cập nhật: 23/06/2022
Trong nhiều loại nhạc cụ truyền thống thì đối với người Mông, khi tiếng khèn vang lên, mỗi giai điệu đều là câu chuyện của cuộc sống, đất trời. Vậy nên, khèn là nét văn hóa đặc trưng nhất đã và đang được đồng bào dân tộc Mông ở xã Tà Mung (huyện Than Uyên) coi như “bảo vật” mang giá trị tâm linh, cần phải lưu giữ.

Xã Tà Mung có 787 hộ đồng bào dân tộc Thái và Mông cùng sinh sống tại 11 bản (có 5 bản dân tộc Mông, 6 bản dân tộc Thái). Trong đó, dân tộc Mông chiếm gần 50%. Đồng bào Mông từ bao đời có tập quán sống trên núi cao. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, cuộc sống khó khăn đã hình thành nên tinh thần đoàn kết, yêu thương và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là quyết tâm lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó cũng là lí do, tiếng khèn luôn vang vọng trên đỉnh núi ở những bản Mông nơi đây.

Chợ phiên bản Nậm Pắt (xã Tà Mung) được tổ chức định kỳ 1 lần/tuần vào ngày thứ 7. Tại đây, người dân sở tại và một số xã lân cận đưa về bán rất nhiều nông sản, sản phẩm đặc trưng. Ngoài ra, các đội văn nghệ bản còn tham gia nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc. Cùng với điệu xòe, múa khăn piêu, đàn tính tẩu của đồng bào dân tộc Thái, tiếng khèn, điệu múa rộn ràng nối nhịp âm vang của những chàng trai, cô gái người Mông nơi rẻo cao Tà Mung đã tạo ra nét văn hóa riêng có của chợ phiên. Bởi vậy, mỗi phiên chợ đều thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện tham gia.

Các thành viên Ban vận động thực hiện nếp sống văn hóa dân tộc Mông biểu diễn khèn Mông tại Tuần Du lịch-Văn hóa Lai Châu năm 2022.

Trao đổi với chúng tôi, anh Sùng A Sa - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mung chia sẻ: “Từ bao đời nay, với cộng đồng dân tộc Mông chúng tôi, khèn ví như âm thanh của núi rừng. Là phương tiện chắp nối tình yêu của biết bao chàng trai, cô gái. Không chỉ là sợi dây vô hình kết nối tình cảm, đó là tiếng gọi dậy phần linh hồn của người Mông. Bởi tiếng khèn còn là tiếng gọi đưa đường, dẫn lối giúp người chết tìm về với tổ tiên. Do đó, đây là nhạc cụ không thể thiếu trong đám tang và nhiều nghi lễ gia đình người Mông”.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên một số bài khèn đã mai một hoặc có nguy cơ mai một. Chính quyền cùng các đoàn thể xã đã và đang nỗ lực tìm giải pháp để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn nói chung, dân tộc Mông nói riêng.

Năm 2018, huyện Than Uyên triển khai cam kết thực hiện “Nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông” với trọng tâm là nội dung “5 việc phải làm, 5 việc không nên làm”. Xã Tà Mung đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết xây dựng nếp sống văn hóa mới, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan. Cùng với đó, xã đã thành lập Ban vận động thực hiện nếp sống văn hóa dân tộc Mông với 48 thành viên là những người cao tuổi am hiểu và thông thạo cách chế tác, sử dụng khèn.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng ước muốn lưu giữ bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc, các thành viên trong Câu lạc bộ đã thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tìm hiểu. Kết quả, khôi phục được 28 bài khèn truyền thống để truyền dạy cho thế hệ trẻ trong bản, trong xã.

Lãnh đạo xã Tà Mung tuyên truyền đến thành viên Ban vận động thực hiện nếp sống văn hóa dân tộc Mông lưu giữ tiếng khèn.

Với ông Mùa Tông Vảng, bản Nậm Mở mặc dù bước sang tuổi xế chiều, trí nhớ không còn quá tốt nhưng rất nặng lòng với thứ âm thanh réo rắt của loại nhạc cụ truyền thống. Bởi, cây khèn đã từng theo chân ông cùng đám thanh niên trong bản đến khắp bản gần xa của xã tham gia chợ phiên, chơi hội. Vậy nên, ông Vảng không đành lòng để tiếng khèn dần mất đi trong chính đời sống tinh thần của đồng bào mình. Để làm được điều đó, sự nỗ lực, cố gắng của ông Vảng hay các thành viên trong Đội khèn là chưa đủ, rất cần sự hỗ trợ kinh phí của các cấp, ngành trong huyện.

Hiện nay, trong cộng đồng người Mông ở Tà Mung, hầu hết những người còn biết thổi khèn, múa khèn đều ở độ tuổi trung niên trở lên. Lớp trẻ dù đã được thế hệ đi trước truyền dạy nhưng cũng chỉ biết được một phần nhỏ trong các nội dung. Một vấn đề nữa là quy trình chế tác khèn rất cầu kỳ, giá thành thị trường cao. Đặc biệt, khèn Mông là loại nhạc cụ có tính đặc trưng, riêng biệt về cấu tạo, âm thanh cũng như cách sử dụng theo bài cụ thể, để thổi được khèn cũng đòi hỏi người học phải có chút năng khiếu và tính nhẫn nại.

Một trong những “hồn cốt” của dân tộc sẽ đi về đâu khi chính người Mông cũng không còn biết chế tác, thổi, múa khèn. Vấn đề này giờ đây không chỉ là sự trăn trở của chính cộng đồng người Mông ở Tà Mung mà đang được cấp ủy, chính quyền từ xã đến huyện thực sự chung tay, vào cuộc.  

Phương Ly - Hồng Thắm

Nguồn: Báo Lai Châu - baolaichau.vn - Đăng ngày 22/6/2022