Biển đảo Việt Nam: Quần đảo Cát Bà - Hải Phòng

Cập nhật: 28/06/2022
Quần đảo Cát Bà gồm 367 đảo, trong đó có đảo Cát Bà ở phía nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, cách thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) khoảng 25 km. Về mặt hành chính, quần đảo này thuộc huyện Cát Hải (Hải Phòng) được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Huyện Cát Hải có diện tích tự nhiên là gần 345km2 (chưa tính khu vực quần đảo Long Châu), dân số của huyện tính đến năm 2019 là trên 31.996 người. Huyện có 388 đảo lớn nhỏ trong có hai đảo lớn là đảo Cát Hải diện tích xấp xỉ 40 km2 (còn được gọi là khu Đôn Lương) và đảo Cát Bà (còn gọi là khu Hà Sen) rộng khoảng 144km2 (không tính diện tích mặt nước biển). Huyện Cát Hải nằm ở phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30km đường biển.

Đảo Cát Hải là đảo cát bằng phẳng nằm giữa cửa sông Nam Triệu và Lạch Huyện, trên đảo có 5 đơn vị hành chính gồm: thị trấn Cát Hải và 4 xã: Hoàng Châu, Nghĩa Lộ, Văn Phong, Đồng Bài. Đảo Cát Bà là một vùng núi đá trùng điệp gồm các đơn vị hành chính: thị trấn Cát Bà, xã Trân Châu, Xuân Đám, Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long và Việt Hải.

Vùng đất cổ Cát Bà được hình thành từ cuối nguyên đại cổ sinh sớm (cách ngày nay khoảng 410 triệu năm) Các tài liệu khảo cổ học đã xác nhận Cát Bà là một trong những nơi có người nguyên thuỷ sinh sống. Người cổ Cát Bà chính là một bộ tộc thành viên của người Lạc Việt, cư dân của quốc gia Văn Lang, Âu Lạc sau này. Cát Bà có 77 địa điểm khảo cổ đã được phát hiện và khảo sát có các di chỉ nổi tiếng như: Cái Bèo, Bãi Bến, Cát Đồn cùng nhiều di chỉ có giá trị khác như: Tùng Gôi, Ao Cối, Đồng Công, Hang Dơi, Eo Bùa …

Quần đảo Cát Bà là mẫu hình tốt nhất về tập trung cao của các hệ sinh thái nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình vượt trội so với các khu vực khác của Châu Á như hệ sinh thái đảo đá vôi, rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh, rừng ngập mặn, san hô, vùng triều, hồ nước mặn, thảm cỏ biển, hệ thống các hang động, tùng áng, trong đó có vườn Quốc gia Cát Bà rộng 15.200 ha với hệ thống động thực vật phong phú, là nơi lưu giữ những nguồn gen quý hiếm có trong sách đỏ.

Rừng nguyên sinh trên đảo Cát Bà có đa dạng sinh học cao, đã thống kê được 1.588 loài thực vật, trong đó có những loài gỗ quý như Kim giao, Trai lý, Chò đãi, Lát hoa và nhiều cây làm thuốc như Thuyết giác, Xạ đen, Bình vôi, Cốt toái, Kim ngân, Lá khôi…Hệ động vật trên cạn có trên  343 loài động vật có xương sống, gồm 58 loài thú, 205 loài chim, 80 loài bò sát ếch nhái, côn trùng 274 loài; trong đó có 25 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam 2007, 24 loài trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

Đặc biệt, loài Voọc Cát Bà được ghi vào sách đỏ thế giới và sách đỏ Việt Nam, là một trong 5 loài thú linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới hiện đang được tổ chức FFI bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là loài linh trưởng chỉ tồn tại duy nhất trên đảo và là biểu tượng của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà. Sinh vật biển thuộc vùng biển - đảo Cát Hải cũng rất phong phú, đa dạng, Cá biển 196 loài, Rùa biển 4 loài, San hô 193 loài, động vật đáy 658 loài, động vật phù du 131 loài, thực vật phù du 400 loài, rong biển 102 loài, thực vật ngập mặn 37 loài. Vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh biển trên đảo đẹp nhất thế giới nằm kề bên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Trên đảo Cát Bà còn có khoảng gần 1000 ha rừng ngập mặn, trong đó rừng ngập mặn Phù Long với diện tích gần 700ha với 32 loài cây được coi là tốt nhất miền Bắc, có tác dụng phòng hộ, chống sói lở, điều hòa khí hậu và bảo vệ môi trường rất tốt. Đây còn là hệ sinh thái có tác dụng quan trọng trong việc hạn chế và bảo vệ sự xâm nhập mặn, điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học cho hệ động thực vật ven biển của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà và là môi trường sống, ngụ cư sinh sản của các loài hải sản.

Quần đảo Cát Bà được tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới ngày 02/12/2004 bởi các giá trị sinh thái, nhân văn và đa dạng sinh học tiêu biểu cùng với nhiều tiềm năng phát triển bền vững. Ngày 09/12/2013, Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Tháng 01/2020, Vịnh Lan Hạ được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) công nhận thành viên chính thức, trở thành một trong các vịnh đẹp nhất thế giới. Năm 2020, “du lịch Cát Bà” là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất so với các điểm đến tại Việt Nam trên trang tìm kiếm của người khổng lồ công nghệ thế giới Google.  

Thiên nhiên đã ban tặng cho Cát Bà những thắng cảnh đẹp hoang sơ độc đáo. Không khí Cát Bà trong lành, mát mẻ, cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi đá vôi trùng điệp xen kẽ những tùng áng và hang động huyền bí như: động Thiên Long, Hoa Cương, Trung Trang, Quân Y. Trên quần đảo Cát Bà có hàng trăm bãi tắm với những dải cát mịn, nước trong xanh và yên lành như: bãi tắm Cát Cò, Cát Tiên, Tùng Thu, Vạn Bội, Cát Dứa, Cát Vàng… và các vịnh đẹp như như: Lan Hạ, Bến Bèo, Cát Bà, Tùng Thu…

Ngày 31 tháng 3 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng Cá Cát Hải, Cát Bà, Người động viên thăm hỏi bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển trời quê hương. Từ đó đến nay, ngày 31 tháng 3 hàng năm đã trở thành ngày hội của huyện đảo, cũng đúng dịp ngày truyền thống của ngành Thuỷ sản Việt Nam, khai trương mùa du lịch Cát Bà và cũng là thời điểm bắt tay vào vụ Nam của ngư dân trên đảo. Đặc điểm nổi bật trong văn hoá dân gian của người miền biển là ngày hội xuống nước ở các làng Chài, cùng nhiều trò chơi gắn liền với việc đánh bắt thủy sản, trong đó tiêu biểu là hội đua thuyền. Hội đua thuyền không chỉ là một trò chơi đơn thuần, nó còn là sự khẳng định trí tuệ, sự khéo léo, sự đoàn kết cộng đồng và sức mạnh dẻo dai của con người trong quá trình bảo vệ và chinh phục biển cả.

Tiên phong trong xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Cát Hải đã có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài; môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, an toàn; các bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương được bảo tồn và phát huy. Đến năm 2015, 100% các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, huyện Cát Hải hoàn thành kết quả xây dựng 9 tiêu chí huyện nông thôn mới…Qua đánh giá mức độ hài lòng của người dân đạt 98,3%. Ngày 8/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1531/QĐ-TTg công nhận huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Đến nay diện mạo nông thôn ở Cát Hải đã thật sự thay đổi, đường làng ngõ xóm khang trang, xen giữa các thung, áng, vườn, đồi cây trái là những khách sạn, nhà nghỉ, homestay, dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường. Cát Hải đã tận dụng được tiềm năng du lịch, thủy sản, đến năm 2019, tốc độ phát triển kinh tế của huyện đạt 16%. Khách du lịch đến Cát Bà đạt 2,8 triệu lượt. Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt gần 9 nghìn tấn. Sản lượng sản xuất nông nghiệp cũng tăng cao hàng năm, thu ngân sách năm 2019 đạt 680 tỷ đồng. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố theo hướng tinh gọn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, năng lực đáp ứng nhu cầu công việc được giao.

Hiện huyện Cát Hải đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Tiếp tục phát huy đời sống văn hóa mang bản sắc của người dân miền biển, thân thiện, nghĩa tình, nhân văn để xây dựng văn hóa cộng đồng đoàn kết, hợp tác, phát triển. Đồng thời gắn phong trào xây dựng nông thôn mới với xây dựng thị trấn Cát Bà trở thành đô thị văn minh; xây dựng đảo Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; quyết tâm xây dựng Cát Hải sớm trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ - công nghiệp hiện đại - văn minh, là trọng điểm phát triển kinh tế biển.

Tú Quyên - Đình Anh

Nguồn: TCĐT thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 27/06/2022