Thái Nguyên: Giữ rừng để bảo vệ nguồn nước hồ Núi Cốc

Cập nhật: 06/07/2022
Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ nên những cánh rừng đầu nguồn trở thành "lá phổi xanh" điều hòa, giúp hồ Núi Cốc luôn đảm bảo được lượng nước, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đại Từ tuần tra, kiểm tra rừng Tam Đảo.

Hồ Núi Cốc được xây dựng từ những năm 1980, với mục đích cung cấp nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương, gồm: TP. Sông Công, TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình và một phần diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang… Đến nay, nhu cầu đối với nguồn nước của hồ Núi Cốc càng trở nên quan trọng. Bởi ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp, hồ Núi Cốc còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên và TP. Sông Công. Với ý nghĩa đó, việc bảo vệ nguồn nước tại đây luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm. Trong đó, trọng tâm là bảo vệ nghiêm ngặt các cánh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn Núi Cốc để điều tiết giữ nguồn nước hồ.

Tại huyện Đại Từ, các dãy núi thuộc sườn Đông Tam Đảo đều có nhiều dòng chảy, suối nhỏ chảy vào hồ Núi Cốc. Để bảo vệ rừng tại đây, năm 1997, toàn bộ diện tích của những cánh rừng thuộc dãy Tam Đảo ở 2 tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc được Trung ương quy hoạch thành Vườn Quốc gia. Trong đó, tại Thái Nguyên, Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm trên địa bàn 10 xã, với diện tích hơn 1.400ha.

Ông Đoàn Văn Sơn, ở xóm Kỳ Linh, xã Mỹ Yên (Đại Từ), chia sẻ: Trước đây, người dân thường vào rừng đốn hạ những cây to từ 2-3 người ôm để xẻ gỗ, người thì vào rừng chặt cây làm củi… Ngoài ra, năm nào cũng xảy ra cháy rừng, do ý thức về bảo vệ rừng đầu nguồn của người dân còn hạn chế, kỹ thuật và thiết bị phòng hộ chưa được đầu tư tốt... Chính những tác động đó đã làm rừng Tam Đảo bị suy kiệt, nên khả năng trữ nước bị ảnh hưởng, khiến nguồn nước hồ Núi Cốc sụt giảm…

Còn anh Nguyễn Anh Tuấn, nhà ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ), nói: Thời điểm những năm 1990 trở về trước, dòng suối Cái nước cạn đến gót chân. Tuy nhiên, gần 20 năm trở lại đây, những cánh rừng tự nhiên thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo đã phát triển mạnh, không còn tình trạng khai thác gỗ trái phép, không xảy ra cháy rừng diện rộng, nên nguồn nước chảy về từ các khe suối khá dồi dào.

Khi trở thành Vườn Quốc gia, cán bộ kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương trong việc kiểm tra rừng thường xuyên, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của nhân dân. Do vậy, tình trạng người dân tự ý lên rừng đốn củi, xẻ gỗ trái phép không còn nữa.

Ông Nguyễn Thành Công, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo, cho biết: Trong công tác tuyên truyền, ngoài phổ biến các quy định về bảo vệ rừng, chúng tôi còn định hướng để người dân có thể khai thác tiềm năng thế mạnh của rừng, như: Phát triển nuôi cá tầm bằng nguồn nước từ rừng; phát triển du lịch ở những hồ, đập dưới chân núi Tam Đảo.

Còn theo ông Vũ Thế Cường, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Đại Từ: Hiện nay, người dân trên địa bàn không để tình trạng đất trống, đồi trọc mà đã tích cực trồng rừng và khai thức nguồn lợi từ lâm sản phụ... Qua đó, làm tăng khả năng trữ nước, phòng chống sạt lở, thiên tai. 

Hiện nay, Vườn Quốc gia Tam Đảo phần thuộc địa phận Thái Nguyên quản lý có hơn 11.400ha, được bảo vệ nghiêm, giúp việc trữ nước, điều tiết nước hồ Núi Cốc khá tốt. Những dòng suối đầu nguồn chảy từ rừng Tam Đảo qua các xã Ký Phú, Văn Yên, Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên rồi đổ về hồ Núi Cốc dồi dào, góp phần giảm tình trạng lũ quét vào mùa mưa và giảm khô cạn trong mùa nắng nóng. Qua đó, giúp nguồn nước Hồ Núi Cốc luôn ổn định, phục vụ tốt sản xuất, sinh hoạt cũng như phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên.

Dương Hưng

Nguồn: Báo Thái Nguyên - baothainguyen.vn - Đăng ngày 05/07/2022