Bảo vệ nguồn tài nguyên quý hiếm

Cập nhật: 08/07/2022
Động vật hoang dã là một bộ phận không thể thiếu trong lớp sinh quyển mà con người chúng ta đang có mặt và là một mắt xích quan trọng cho chuỗi chuyển hóa sinh học đang diễn ra. Bảo tồn động vật hoang dã, một nguồn tài nguyên quý giá, cũng là thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội. Tuy nhiên, tình trạng săn bắn, mua bán trái phép động vật hoang dã ở nước ta hiện vẫn còn phức tạp.

Đầu tháng 4/2022, TAND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lưu động vụ án dùng súng săn bắn chết 5 cá thể voọc chà vá quý hiếm. Hai đối tượng giết hại 5 cá thể voọc chà vá đã phải lãnh án mỗi người 6 năm tù. Đây không phải là phiên tòa hiếm hoi xét xử về tội săn bắn trái phép động vật hoang dã.

Trên thực tế thì, chuyện hạ sát thú rừng kiểu như trên không hề hiếm. Và, không chỉ có mỗi loài voọc bị bắn giết mà nhiều loài thú khác như chồn, tê tê, nai, hươu, mang, heo rừng... cũng chịu chung cảnh ngộ. Ngay cả những chú voi  - một loại động vật gần gũi với con người cũng bị các đối tượng săn bắn. Ở tỉnh Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên, từng có không ít voi rừng dính đạn từ đám thợ săn.

Nhiều loài thú rừng nằm trong sách đỏ của Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loài thú có số lượng cá thể lớn trước đây, thì bây giờ cũng đang thưa thớt dần trước “họng súng” nhẫn tâm của một số người.

Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều “đội thợ” săn bắn thú rừng trái phép, nhất là vùng miền Trung - Tây Nguyên, trong đó có Quảng Ngãi. Các đối tượng này thường sử dụng súng tự chế để săn bắn. Hằng đêm, nhiều con thú quý hiếm bị hạ gục. Trong khi đó, cơ quan chức năng không đủ lực lượng trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.

Để bắt được thú rừng không hề dễ, nếu như người thợ săn không có súng. Bởi thế nên hầu như thợ săn nào cũng trang bị cho mình một khẩu súng hành nghề và những khẩu súng họ mang theo người phần lớn là vi phạm sử dụng vũ khí trái phép. Nếu quản lý tốt việc này, tịch thu súng sử dụng trái phép, thì sẽ cứu được không ít muông thú.

Mặc dù, về cơ bản, hiện nước ta đã tạo lập được một hành lang pháp lý tương đối toàn diện để bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Thế nhưng, trong khâu bảo vệ động vật của các ngành chức năng lại làm theo kiểu đơn lẻ, thiếu sự phối, kết hợp giữa người dân - chính quyền - cơ quan bảo vệ động vật.

Động vật hoang dã, thú quý hiếm của Việt Nam có được bảo vệ và nhân rộng hay không rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn của các cấp, ngành ngay từ lúc này. Đặc biệt, từ việc nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, mỗi cá nhân phải thay đổi hành vi ứng xử của mình đối với thiên nhiên, cũng như đối với đa dạng sinh học và môi trường.     

Minh Huy

Nguồn: Báo Quảng Ngãi - baoquangngai.vn - Đăng ngày 07/07/2022