Mùa “ăn” rong ở xứ đảo

Cập nhật: 19/07/2022
Bồng bênh trên chiếc thuyền thúng nhỏ giữa trời nước mênh mông, những người dân xứ đảo Lý Sơn chòng chành đời mình với đời rong, một thứ “của trời cho” trong những ngày nắng hạ để mưu sinh, trang trải cuộc sống.

Người dân đảo Lý Sơn thu hoạch rong trên biển. Ảnh: Tiêu Dao

Trên hòn đảo tiền tiêu Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều loài rong biển có giá trị kinh tế cao. Rong biển Lý Sơn là rau xanh của biển cả đang được rất nhiều người ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng và cả sự độc đáo, lạ lẫm trong món ăn.

Từ sáng sớm, hàng trăm người chèo ghe thúng đi khai thác rong. Khi đi, họ chuẩn bị sẵn cơm, nước để buổi trưa dùng bữa bên các gành đá. 14 giờ, họ quay về với ghe thúng đầy rong mơ. “Vào mùa thu hoạch rong, chúng tôi phải ngâm mình trong nước biển đến ngực khoảng 6 giờ mỗi ngày theo dọc các gành đá ven bờ. Hôm nào trúng đậm, mỗi hộ gia đình cũng thu được 300kg rong mơ” - bà Nguyễn Thị Anh, ngụ ở đảo Bé nói. Không chỉ dùng ghe thúng, người dân còn đóng bè xốp để khai thác loài thực vật này. “Bè xốp có thể chứa 300kg rong mơ. Gia đình chúng tôi khai thác cả ngày ngoài biển, tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian vận chuyển so với sử dụng phương tiện ghe thúng” - ông Phan Lên cho biết.

Bà Nguyễn Thị Lau ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn thông tin, vào tháng 6 đến tháng 7, khi thủy triều rút, bà cùng với những người dân sinh sống trên đảo lại ra lặn ở những bãi rong xung quanh đảo để khai thác rong biển. Các loại rong được khai thác chủ yếu là bồng bồng, lũy tre, rong chân vịt, rong mơ... Bà Lau chia sẻ: “Lượng rong khai thác được tùy thuộc vào điều kiện sóng, gió, hôm nào sóng yên, gió lặng thì hái được từ 7 - 10kg, còn hôm nào sóng lớn chỉ hái được khoảng 2 - 3kg. Rong thu hái đến đâu đều được các cơ sở thu mua trên đảo mua hết đến đó, nên không lo đầu ra”.

Rong biển ở Lý Sơn có nhiều loại bồng bồng, lũy tre, rong chân vịt, rong mơ..., nhiều màu sắc từ trong vắt, xanh mướt đến vàng mơ. Đặc sản rong biển ấy không phải ở đâu hay lúc nào cũng có. Ông Điền, một lão ngư có nhiều năm kinh nghiệm hái rong biển ở hòn đảo tiền tiêu này cho biết: “Đi hái rong biển phải đi lom khom thật chậm để nhìn qua mặt nước mới thấy được. Nếu rong ở nơi nước cạn thì dùng tay bứt, những nơi nước sâu phải dùng liềm để cào cho rau đông bật gốc ra khỏi đá!”. Khi thu hoạch rong biển, họ thường phải kéo theo một chiếc thùng rồi dò dẫm từng bước thật chậm để phát hiện ra bụi rong biển bám vào đá. Rong biển thường mọc thành từng bụi nhỏ, có thân mềm. Khi còn bám vào đá, loại rong này có màu xanh nhạt nên rất khó để nhìn thấy dưới làn nước biển.

Trong các loại rong, thì rong mơ được người dân trên đảo gọi là mơ trứng chuồn hay mơ trứng cá, mọc xung quanh đảo, chủ yếu là ở các bãi san hô. Đây vừa là nguồn thức ăn, vừa là chỗ để các loại hải sản sinh sống ven bờ trú ngụ và sinh sản, đồng thời cũng là môi trường thuận lợi cho hàng chục loại san hô quanh đảo Lý Sơn phát triển. Rong mơ trứng chuồn được cho phép khai thác vào khoảng thời gian từ đầu tháng 5 trở đi. Lúc này, thân mơ có độ dài khoảng từ 1 đến 1,2 mét và đây cũng là giai đoạn các loại hải sản sinh sống ven bờ đã sinh sản xong. Mấy năm trước, tình trạng khai thác rong mơ tại các khu vực trên diễn ra ồ ạt, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển nghiêm trọng. Vì vậy, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản nghiêm cấm khai thác, mua bán và vận chuyển rong mơ trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/12 năm trước đến ngày 30/4 năm sau. Theo đó, hình thức khai thác là không nhổ gốc mà phải cắt cách gốc ít nhất 10 cm và không quá 75% diện tích rong mơ mọc. Quá trình khai thác, hạn chế việc giẫm đạp, thả neo tàu... làm hư hại các rạn san hô.

So với đánh bắt hải sản thì đi khai thác rong mơ dễ và ít chi phí đầu tư hơn. Để khai thác, chỉ cần thuyền thúng chèo tay, hoặc ghe máy nhỏ chèo, chạy ra cách bờ 1-4 hải lý là đến địa điểm khai thác. Thông thường, mùa hái rong mơ từ đầu tháng 6 đến tháng 8 hàng năm thì kết vụ. Vào thời gian này, đa số ngư dân tại đây đều sử dụng thuyền thúng đi hái rong thay vì khai thác hải sản gần bờ.

Bà Huỳnh Thị Gái, một người chuyên thu mua và sơ chế rong biển cho biết, loại hải sản này được xem là loại thực phẩm sạch do biển cả ban tặng nên có bao nhiêu thương lái cũng mua chở vào đất liền. Với số lượng rong mơ cắt hái và mang về phơi trung bình từ 80-150kg khô/ngày, tùy theo thời điểm mà giá mua của rong mơ biển khác nhau, mức giá dao động từ 3.000-8.000 đồng/kg đã mang về cho nhiều hộ gia đình ở Bình Hải số tiền trên dưới 1 triệu đồng/ngày. Sau khi được thu hái, rong biển được xử lý sơ chế để loại bỏ rác, đá còn bám vào gốc. Rong biển phải được phơi khô tự nhiên dưới cái nắng của miền biển đảo Lý Sơn từ 3 đến 5 ngày liên tục mới cho ra được sản phẩm.

Sau một ngày phơi nắng, rong mơ có thể cho vào bao và cân cho tư thương. Ảnh: Tiêu Dao

Hiện, mỗi năm, người dân Lý Sơn thu hoạch được khoảng 200 tấn rong các loại ở đảo và 300 tấn ở khu vực biển Hoàng Sa, chủ yếu được bán cho các thương lái và phân phối đi các nơi. Bình thường, một kg rong khô sau khi ngâm nở ra sẽ được khoảng 6 - 7kg rong tươi, lại nhẹ và không cồng kềnh nên đặc sản này cũng trở thành quà du lịch nổi tiếng của đảo Lý Sơn. Loại rong này dùng chế biến thành món ăn giải nhiệt trong mùa hè. Cách nấu cũng rất đơn giản, nên được người dân ưa chuộng. Rong biển khô sau khi ngâm sẽ có màu trắng trong, có thể sử dụng để chế biến nhiều món ăn lạ miệng và bổ dưỡng. Nhờ rong mơ mà ngư dân địa phương có thêm khoản thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống.

Thời gian trước đây, trong khi nghề nuôi trồng rong biển ở Quảng Ngãi chưa được đánh thức, thì hoạt động khai thác rong biển lại đang diễn ra quá mức, làm suy giảm nguồn lợi rong biển trong tự nhiên và ảnh hưởng đến đa dạng nguồn gen tự nhiên của rong biển. Trong đó, đáng báo động nhất là tình trạng khai thác rong câu chân vịt, rong sụn gai xung quanh đảo Lý Sơn. Bởi theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, thì 2 loài rong biển này nằm trong danh mục các loài thủy sản nguy cấp quý hiếm nhóm 1.

Ông Nguyễn Ngọc Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho biết: “Địa phương luôn vận động bà con ngư dân khai thác rong biển phải để lại khoảng 10cm phần gốc cho các loại hải sản sinh sôi. Khai thác rong mơ phải đúng mùa, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm cá. Ngư dân cũng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rong mơ, tổ chức khai thác đúng thời vụ và thời gian cho phép. Đồng thời, để không lãng phí nguồn lợi rong biển, cần phải phát triển nghề nuôi trồng rong biển, khai thác tiềm năng những vùng biển phù hợp với nuôi trồng một số loài rong biển có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó là thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp phát triển các loài rong biển bản địa thành sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, thay vì bán thô với giá rẻ như hiện tại”.

Tiêu Dao

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 12/07/2022