Kiểm kê tài nguyên du lịch làm cơ sở cho quy hoạch du lịch bền vững qua ví dụ ở xã Nà Hẩu (tỉnh Yên Bái)

Cập nhật: 21/07/2022
Theo định nghĩa trong Luật Du lịch số 09/2017/QH14, tại Chương II Tài nguyên du lịch, Điều 13: “Tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đang được khai thác và chưa được khai thác”.

Theo đó, tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tài nguyên du lịch phải được quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả sử dụng và bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững. Để làm cơ sở cho quy hoạch du lịch, việc kiểm kê tài nguyên du lịch là cần thiết. Hiện nay, công tác kiểm kê tài nguyên du lịch ở Việt Nam mới làm ở tầm vĩ mô (với những đối tượng và hiện vật quan trọng cho các khu vực lớn), còn ở các khu du lịch nhỏ lẻ thì chưa làm được do thiếu nhân lực và chuyên môn. Bài báo trình bày một số ví dụ bất cập trong việc chậm bảo vệ, giữ gìn các biểu tượng du lịch ở một số địa phương xảy ra trong thời gian gần đây như “cây phong ba” trên đỉnh Lảo Thẩn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai đã bị chặt làm củi. Hàng nghìn cây thông ở Đà Lạt, Tây Nguyên bị đốn chặt từng ngày. Những cánh rừng thông trên đèo Hải Vân chỉ còn là ký ức. Mới đây là sự suy giảm rạn san hô ở khu bảo tồn biển Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang. Thông qua những ví dụ này, bài báo đề xuất việc kiểm kê tài nguyên cho xã Nà Hẩu (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), nơi vừa được trao giải (công nhận) là “Sản phẩm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao”. Đề xuất này do nhóm những người yêu thiên nhiên Nà Hẩu thực hiện và mong muốn nơi đây sẽ trở thành một “ốc đảo” du lịch sinh thái miền núi với nguồn lực được huy động từ cộng đồng người dân địa phương. Đây chính là hướng đi bền vững cho phát triển du lịch sinh thái tại xã Nà Hẩu trong tương lai.

1. Một số vấn đề bất cập trong việc thực hiện công tác kiểm kê tài nguyên của ngành du lịch nước ta

Cuộc khủng hoảng của mô hình phát triển du lịch truyền thống vào những năm 1960 và 1970 đã làm bùng lên những tranh luận về lý thuyết và thực tế đối với phát triển ngành du lịch của từng quốc gia và từng vùng. Về lý thuyết, cuộc khủng hoảng này để lại những thiệt hại về môi trường ở những nơi tiếp nhận du lịch. Ví dụ điển hình về việc tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ 20 là không tôn trọng đúng mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, xã hội và văn hóa. Còn trong thực tế, các nhà bảo vệ thiên nhiên và các du khách am hiểu thì đã đưa ra các giải pháp thay thế, đó là phải tôn trọng các khía cạnh sinh thái thiên nhiên, xã hội và văn hóa của điểm đến, cũng như khai thác những trải nghiệm độc đáo. López, et al. (2015) đã chỉ ra, ngày nay đã qua cái thời quản lý nhu cầu du lịch (nghĩa là chỉ quản lý khách đến với các dịch vụ ăn uống nghỉ ngơi và xây dựng các tua du lịch), mà phải chuyển sang thời kỳ mới với kỹ năng quản lý hoàn toàn khác như quản lý những tác động của du lịch đối với biến đổi khí hậu và các tài sản du lịch nhạy cảm như tài nguyên nước, di sản văn hóa, sự đa dạng sinh học của các khu bảo tồn.

Đối với ngành du lịch Việt Nam được thành lập từ năm 1960 nhưng mãi đến cuối những năm 1990 mới khởi động phát triển (Nguyen, 2011), hay đã trải qua ba giai đoạn: 1960-1991 tập dượt kinh doanh du lịch, 1992-2006 tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới, 2002-2019 khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn (Huy, 2021). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành tăng từ 2.009 tỷ năm 2001 lên 44.669 tỷ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19). Đến nay, nhờ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, nhiều đường bay quốc tế được khôi phục, khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2022 đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so cùng kỳ năm trước. Song tiềm năng và lợi thế của đất nước còn chưa được khai thác hết. Một điều cần lưu ý là hiện nay, ngày càng nhiều khách quốc tế và khách trong nước tìm đến thiên nhiên hoang dã và du lịch sinh thái. Vì vậy cần phải chú trọng đến việc bảo vệ và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái, những điểm check-in, các điểm đến du lịch hấp dẫn ở nhiều địa phương. Nếu việc làm này chậm trễ thì sẽ có những hậu quả đáng tiếc xảy ra như cây biểu tượng du lịch hay điểm check-in yêu thích bị tàn phá và hạ sát thành củi đốt như cây phong ba ở đỉnh Lảo Thẩn nêu trên. Lúc đó mọi tiếc nuối của chúng ta trở nên vô nghĩa. Tương tự như vậy ở xã Nà Hẩu (tỉnh Yên Bái) có cây xoan đào già cỗi mọc trên tảng đá lớn thì bị người dân chặt đi cách đây 3 năm, làm cho nhiều du khách tiếc nuối. Nếu những người làm quy hoạch du lịch phát hiện sớm, đưa ra quy định bảo vệ và chế tài đặc biệt với các biểu tượng này, thì những “điểm tựa” sống ảo không bị mất đi, sẽ vun đắp tình yêu thiên nhiên cho những tâm hồn trẻ và cho nhiều thế hệ trong tương lai.

Hình 1. Cây cổ thụ cô đơn ở vị trí đặc biệt được coi là tài nguyên thiên nhiên trong du lịch

Theo đánh giá chung, công tác kiểm kê tài nguyên du lịch để làm cơ sở cho lập quy hoạch du lịch bền vững của từng điểm du lịch, của vùng và liên vùng, chưa được làm chi tiết, cụ thể và bị bỏ sót hoặc xem thường do bản thân công việc này chưa được chú trọng và người làm công tác này thì không đủ chuyên môn, kinh nghiệm và tầm nhìn.

2. Kinh nghiệm kiểm kê tài nguyên du lịch của nhóm chuyên gia Đức

Từ năm 2019, trong khuôn khổ Alumni-Seminar của tổ chức DAAD (Tổ chức trao đổi hàn lâm của Đức) ở huyện Văn Yên và xã Nà Hẩu, GS. Henning Bombeck của University of Rostock (Đức) đã chỉ ra sự cần thiết phải làm công tác kiểm kê tài nguyên du lịch của điểm đến và người làm công tác kiểm kê phải có tầm nhìn và sự hiểu biết sâu rộng. Giáo sư đã đưa ra những ví dụ rất đơn giản khi tư vấn du lịch nông thôn ở Đài Loan, chẳng hạn như đứng trước một bức tường cũ kỹ và cái chuồng lợn lụp xụp. Đối với người dân địa phương thì chúng chẳng có giá trị gì, nên đập bỏ và xây mới. Song đối với nhóm kiểm kê tài nguyên du lịch thì chúng cần được bảo tồn nguyên bản trong một khuôn viên gia đình nông dân được chọn để làm bảo tàng sống. Một con ngõ vòng vèo ở thôn quê đem đến cảm giác ấm cúng và hoài niệm thay vì đề nghị mở rộng và nắn thẳng ở một làng quê truyền thống. Như vậy, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống nông thôn của nhiều năm trước đây. Ở đây chúng ta không làm giả hiện vật như một số nơi đang làm. Chuyện đó vừa tốn kém và mất tính nguyên bản của hiện vật. Ngoài ra, với bức tường và chuồng lợn thì gia chủ có chất liệu để kể chuyện cho du khách.

Giáo sư nhấn mạnh việc giảng dạy cho sinh viên ngành du lịch phải cụ thể như một bức ảnh về cánh đồng lúa bao la với một cây cổ thụ cô đơn (tương tự như trong Hình 2). Cây cổ thụ ở đây được coi là một tài nguyên du lịch quan trọng. Ví dụ về cây gạo ở xã Lãng Sơn (tỉnh Bắc Giang). Nó được coi là một tài nguyên du lịch độc đáo duy nhất về vật chất và tinh thần như một người nông dân nói: “Khác với các cây gạo đầu làng, đầu thôn hay bãi đất trống khác, bao quanh cây gạo Lạng Sơn là cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay, là dòng sông thơ mộng. Từ xa nhìn về nơi ấy, thấy cây gạo đỏ rực, nổi bật trên nền trời xanh, tôi có cảm giác như hồn quê hút hết vào đó, vừa yên bình, vừa có gì đó rất sâu thẳm, da diết…” (Thu Phong & Duc Hoang, 2020). Điểm du lịch này sẽ mất đi tính hấp dẫn nếu bỏ đi cây gạo và điếm canh đê.

Hình 2. Bức ảnh về cây gạo ở xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) 

Về ẩm thực có thể lấy một ví dụ về du lịch nông thôn ở Đài Loan. Phục vụ khách bằng các món ăn của châu Âu như khoai tây chiên, thịt bò bít tết... người Đài Loan cho đó là hiếu khách. Nhưng theo Giáo sư, điểm du lịch nông thôn này cần khai thác những món ăn truyền thống của địa phương và cách ăn của người địa phương. Dĩ nhiên phải loại trừ trường hợp ở Ấn Độ nơi mà ăn bốc tay. Ở đây phải đề cao tính nguyên bản và duy nhất, không để cho tình trạng “Âu hóa”, “Hàn hóa” hay “Mỹ hóa” trong bữa ăn nơi du lịch nông thôn và sinh thái. Chẳng hạn bữa ăn ở xã Nà Hẩu thì nên sử dụng thực phẩm địa phương như rau củ quả hoặc rau lấy ở sông suối rừng về. Ở đây tránh trường hợp vì khai thác nhiều làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Như vậy trong bữa ăn có thể giới thiệu cho khách và marketing sản phẩm của xã. Thậm chí có thể lồng ghép trong bữa ăn là giới thiệu các loại thảo dược với tác dụng trước và sau bữa ăn.

3. Khảo sát, kiểm kê tài nguyên du lịch phục vụ cho công tác quy hoạch du lịch bền vững ở xã Nà Hẩu

Xã Nà Hẩu nằm cách trung tâm huyện Văn Yên khoảng 30 km về phía Nam. Xã nằm ở lõi của BTTN Nà Hẩu, trong một thung lũng hẹp trải dài, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Phía Bắc giáp xã Đại Sơn, phía Nam xã Sùng Đô (Văn Chấn), phía Đông xã Mỏ Vàng, phía Tây xã Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên. Tổng diện tích tự nhiên là 5.640,36 ha, trong đó rừng đặc dụng chiếm 80%. Theo đánh giá chung, hệ sinh thái nơi đây còn khá nguyên vẹn, cuộc sống của người dân còn giữ được nét văn hóa truyền thống. Với cách thức đưa khách quay về với thế giới thực, thiên nhiên hoang sơ, đời sống mộc mạc của người dân bản địa... Sau khi khảo sát, nhóm đã đề xuất với chính quyền địa phương, xây dựng nơi đây thành một làng du lịch sinh thái đơn sơ dành cho những du khách yêu thiên nhiên và cảnh quan thiên nhiên. Trong 3 năm qua, chính quyền xã và người dân đã đặt những cơ sở nền móng quan trọng cho du lịch sinh thái và đã đạt được những thành công ban đầu như mở trang trại nuôi cá tầm sinh thái (Pham, et al., 2022), trồng bổ sung nhiều cây mới, cải tạo làng bản cho sạch đẹp... Mới đây, xã được trao giải (công nhận) “Sản phẩm du lịch cộng đồng bản Tát, xã Nà Hẩu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao”.

Trong thời gian qua, nhóm những người yêu thích thiên nhiên Nà Hẩu đã lập lên một khung kiểm kê tài nguyên du lịch (Bảng 1) và từng bước  tiến hành khảo sát và thống kê giúp xã Nà Hẩu. Trong thời gian tới, nhóm sẽ kết hợp với địa phương lập quy hoạch chi tiết cũng như thiết kế các tua du lịch với những chủ đề khác nhau như: du lịch sinh thái và làng quê chung, du lịch tìm hiểu hệ sinh thái thiên nhiên đặc biệt của khu BTTN Nà Hẩu; du lịch tìm hiểu về sự đa dạng của thảo dược ...

Bảng 1. Khung kiểm kê tài nguyên du lịch phân theo nhóm và loại tài nguyên cho xã Nà Hẩu

Hình 3. Các điểm được xem xét trong kiểm kê để lập quy hoạch du lịch ở xã Nà Hẩu

4. Kết luận

Tài nguyên du lịch là nền tảng cho phát triển bền vững, đồng thời là công cụ để chuyển đổi toàn nền kinh tế. Việc khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch này phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức và kiến ​​thức về sự tồn tại của các loại tài nguyên (Medlik, 1997). Điều này có nghĩa, các thông tin cơ bản về tài nguyên du lịch thì rất quan trọng để định hướng cho quy hoạch và phát triển ngành du lịch nói chung. Nếu phát triển du lịch được quy hoạch tốt thì có thể đa dạng hóa nền kinh tế địa phương.

Ở xã Nà Hẩu, nếu các tiềm năng thiên nhiên được xác định và khai thác một cách thích hợp thì xã có thể phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, nông thôn miền núi và qua đó giảm được tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập của người dân. Chính vì vậy, công tác kiểm kê tài nguyên du lịch ở xã Nà Hẩu là cần thiết. Kết quả của việc kiểm kê tài nguyên du lịch để lập quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp - du lịch - sinh thái gắn với cộng đồng của người dân vùng cao, đây là cơ sở để chính quyền địa phương ban hành những chính sách cho phép phát triển kinh tế trong khu BTTN một cách có kiểm soát. Đồng thời, xây dựng quy chế du lịch và cơ chế phân chia lợi ích, hưởng chi phí do du lịch mang lại; bảo vệ nghiêm ngặt chất lượng rừng nguyên sinh…

PGS. TS Nguyễn Trung Dũng - Trường Đại học Thủy lợi

Nguồn: Tạp chí Môi trường - tapchimoitruong.vn - Đăng ngày 20/07/2022