Tân Lạc (Hòa Bình): Ghi dấu ấn bằng tiềm năng du lịch văn hóa

Cập nhật: 22/07/2022
Tân Lạc là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam của tỉnh Hòa Bình, là “cửa ngõ” ra vào vùng Tây Bắc và nối liền với Thủ đô Hà Nội qua quốc lộ 6. Nhờ hệ thống giao thông thuận tiện và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú nên Tân Lạc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, vùng đất này vẫn khá lạ lẫm với nhiều người, vì thế, cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài để Tân Lạc ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Các chàng trai, cô gái Mường hát giao duyên trong lễ hội khai hạ Mường Bi. Ảnh: Việt Hoàng

Vùng “lõi” của nền văn hóa Hòa Bình

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 110km, Tân Lạc có điều kiện thời tiết lý tưởng cùng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hấp dẫn chờ du khách khám phá. Điều kiện địa hình đa dạng, chủ yếu là những dãy núi đá vôi có độ cao từ 150 - 1.100m so với mực nước biển, Tân Lạc sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo như động Nam Sơn, vịnh Ngòi Hoa, núi Cột Cờ, hang Muối, động Mường Chiềng, hang Bưng, động Thác Bờ, động Hoa Tiên...

Tân Lạc có tới 84,5% dân số là người Mường. Nơi đây còn được biết đến như là vùng “lõi” của cái nôi văn hóa Hòa Bình bởi đến nay còn giữ được nét đặc sắc riêng có của văn hóa Mường như những áng mo Mường bất hủ với áng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”, các làn điệu dân ca Thường đang, Bộ mẹng, ví đúm, tục ngữ... Cùng với đó là phong tục tập quán và các lễ hội đặc sắc như hội Đooc Moong, hội xuống đồng, lễ cơm mới, lễ rửa lá lúa. Đặc biệt, cần phải kể tới lễ hội khai hạ Mường Bi mang đậm bản sắc dân tộc Mường được tổ chức vào mùng 7 - 8 tháng Giêng hằng năm hay lễ hội đánh bắt cá suối (xã Lỗ Sơn), lễ hội chùa Kè (xã Phú Vinh) với nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian tiêu biểu của người Mường. Tài nguyên nhân văn này cũng là nguồn cảm hứng để du khách tìm hiểu, trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng và các điểm di tích như quần thể di tích lịch sử - văn hóa Mường Bi, làng Mường cổ ở xóm Lũy Ải (xã Phong Phú), điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến (xã Vân Sơn)...

Du khách Phạm Đình Khôi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một người đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh cho biết: “Tôi mê mảnh đất Tân Lạc bởi sự quyến rũ khó cưỡng từ khung cảnh thiên nhiên, con người và bản sắc văn hóa đậm đặc ở bất kỳ nơi nào đặt chân đến. Đây là mảnh đất khiến tôi phải quay lại nhiều lần, không chỉ để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ qua mỗi bức ảnh mà còn để hiểu và “ngấm” sâu mạch nguồn văn hóa, lịch sử. Điều đó giúp tôi hiểu hơn về sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mường sinh sống ở mảnh đất này”.

Bảo tồn truyền thống để phát triển du lịch

Ý thức được việc đang nắm giữ khối tài sản quý giá là nguồn tài nguyên văn hóa đặc sắc, người dân và chính quyền huyện Tân Lạc luôn chủ động gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản để phát triển du lịch. Ông Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Lạc cho biết, huyện đang triển khai Đề án du lịch huyện Tân Lạc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá các lễ hội truyền thống, văn hóa dân tộc và các danh thắng trên địa bàn.

Đặc biệt, huyện cũng quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo các xóm làng nhằm lưu giữ nét truyền thống và văn hóa Mường gắn với phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, lễ hội. Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh phát triển các làng nghề, khôi phục nghề dệt truyền thống; sản xuất những mặt hàng lưu niệm, quà tặng độc đáo, mang tính đặc trưng của địa phương, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp sạch và là đặc sản của địa phương như bưởi đỏ, su su, quýt, các loại rau... Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2022, huyện đã thu hút hơn 100 nghìn lượt khách du lịch nội địa và quốc tế.

Tân Lạc nhận thức rõ sự hạn chế về cơ sở hạ tầng du lịch (hạ tầng giao thông, nước, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí…), chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 suốt hai năm qua khiến du lịch Tân Lạc “khó chồng khó”. Tuy nhiên, theo ông Đinh Sơn Tùng, huyện đã có những giải pháp căn cơ, lâu dài trong việc thực hiện chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư, phát triển du lịch, đặc biệt là tại các xã vùng cao nhằm đưa Tân Lạc trở thành Khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Chúng tôi ý thức được rằng, cần phải định vị thương hiệu du lịch Tân Lạc bằng những sản phẩm mang tính đặc thù để tạo sức hấp dẫn, thu hút khách đến với những trải nghiệm mới lạ, khác biệt. Khối di sản văn hóa to lớn mà cha ông để lại chính là tài sản vô giá cần được bảo tồn, gìn giữ cho các thế hệ sau và cũng là nguồn lực thúc đẩy, đưa du lịch Tân Lạc trở thành một điểm đến được định danh bằng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, nổi bật” - ông Tùng chia sẻ.

Mỹ An

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 22/7/2022