Quảng Ngãi: Người trẻ làm du lịch cộng đồng

Cập nhật: 28/07/2022
Đầy tâm huyết và dám nghĩ, dám làm, những người trẻ đã tham gia làm du lịch cộng đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, mang lại thu nhập cho người dân, mà họ còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Người dân được hưởng lợi

“Thời gian đầu, chúng tôi xác định đầu tư phát triển hợp tác xã (HTX) chưa vì mục đích lợi nhuận, mà ít nhất phải từ 3 - 5 năm sau mới có doanh thu. Chúng tôi làm vì đam mê, tâm huyết với mong muốn đóng góp công sức để xây dựng HTX, mang lại thu nhập cho người dân”, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) Đoàn Phú Việt Nam chia sẻ. Chàng trai 32 tuổi này sinh ra và lớn lên ở xã Hành Nhân, bởi vậy anh luôn mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của quê hương. 

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành Đoàn Phú Việt Nam trò chuyện cùng người dân thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành).

Khi bắt tay làm du lịch cộng đồng, anh Nam và các thành viên trong HTX gặp nhiều khó khăn bởi mô hình HTX du lịch cộng đồng còn mới mẻ ở địa phương. Đây là HTX du lịch cộng đồng đầu tiên tại huyện Nghĩa Hành. Tuy nhiên, điều thuận lợi là mô hình du lịch cộng đồng ở thôn Bình Thành được các cấp, ngành ủng hộ, người dân tích cực tham gia. Vượt qua khó khăn ban đầu, những con đường, vườn trái cây, ngôi nhà của người dân ở thôn Bình Thành dần trở nên rộn ràng khi đón những đoàn khách đến tham quan, vui chơi, thưởng thức trái cây và các món ăn do người dân làm. Du khách đến thôn Bình Thành còn có thể kết hợp thăm viếng chùa Lam Sơn, thưởng thức các món ăn chay tại chùa, tham quan cây đa và đình Lam Sơn. Ngoài ra, HTX đã tổ chức một vài sự kiện tạo dấu ấn như phiên chợ đêm ẩm thực, hội thảo tại thôn Bình Thành...

Bà Trần Thị Nhơn (64 tuổi), ở thôn Bình Thành cho hay, trước đây người dân chủ yếu làm nông nên đời sống còn khó khăn, buôn bán kinh doanh cũng hạn chế. Từ ngày địa phương làm du lịch cộng đồng, tôi bán ram bắp, bánh xèo, bánh bột lọc... cho khách du lịch. Ngoài ra, khi tham gia hướng dẫn cách làm bánh cho khách tham quan, tôi còn có tiền công như một ngày lao động. Nhờ đó, gia đình tôi có thu nhập ổn định. 

Anh Nam cho hay, từ khi làm du lịch cộng đồng, người dân có thêm thu nhập từ việc hướng dẫn các đoàn khách tham quan, bán trái cây. Người dân còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn trái cây đáp ứng tiêu chuẩn để làm du lịch... Đó là những điều người dân hưởng lợi từ khi triển khai chương trình du lịch cộng đồng ở địa phương. Hy vọng trong tương lai, làng du lịch Bình Thành sẽ kết nối với các điểm du lịch như Khu du lịch Suối Chí (Nghĩa Hành), Làng Teng (Ba Tơ), Thác Trắng (Minh Long)... để thúc đẩy phát triển du lịch.  

Khởi nghiệp từ sản phẩm du lịch ở Lý Sơn 

Từ khi còn là sinh viên, cô gái Lê Thị Thanh Thanh (27 tuổi), ở thôn Đông An Vĩnh (Lý Sơn) đã tham gia Hành trình khởi nghiệp do Bộ KH&CN tổ chức năm 2017 và đoạt giải Ba với dự án Vinarongbien. Thanh mong muốn nhiều người biết đến và sử dụng rong biển Lý Sơn, một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Năm 2018, Thanh từng tham gia cuộc khi khởi nghiệp của tỉnh với dự án Vua mắm. Thanh đã ấp ủ dự định hình thành cửa hàng Lý Sơn Farm chuyên bán những sản phẩm đặc trưng của quê hương mình.

Để thực hiện ước mơ khởi nghiệp, bên cạnh nỗ lực làm việc để tích lũy tài chính, Thanh đã tham gia các khóa huấn luyện khởi nghiệp chuyên sâu dành cho những người trẻ khởi nghiệp, gặp các nhà đầu tư, điều hành các công ty lớn, nghiên cứu các dự án khởi nghiệp khác để học hỏi, tích lũy kiến thức. Thanh chia sẻ, khởi nghiệp là một hành trình, trên hành trình đó bản thân vừa là người làm chủ, cũng vừa là nhân viên, nên gặp nhiều khó khăn về vốn, kêu gọi nhà đầu tư, phân phối sản phẩm... Tuy vậy, điều quan trọng nhất đó là tâm huyết, nghị lực vượt qua khó khăn trên hành trình khởi nghiệp. “Với Lý Sơn Farm, đó không chỉ là cửa hàng trưng bày, kinh doanh các sản phẩm, mà còn kết nối du lịch trải nghiệm. Du khách mua sản phẩm có thể tham quan vườn trồng hành, tỏi của gia đình và cùng thực hiện các công đoạn trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch hành, tỏi. Dự án còn giúp thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”, Thanh cho hay.

Theo Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Tiến Dũng, du lịch cộng đồng là một trong những định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Sắp tới, Sở VHTTDL sẽ tiến hành sơ kết các hoạt động du lịch cộng đồng, nhằm đánh giá rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. 

Những người tiên phong

Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Tiến Dũng nhận định, để phát triển du lịch cộng đồng, ban giám đốc các HTX du lịch đảm nhận vai trò hỗ trợ người dân thay đổi nhận thức và cùng bắt tay vào làm du lịch cộng đồng; làm cầu nối với các đoàn khách đến với người dân; mở rộng, phát triển các hoạt động, sản phẩm và kịp thời bắt nhịp với thị trường để phát triển du lịch. Không chỉ là người tiên phong, mạnh dạn, những thành viên trong HTX đã chia sẻ, chịu phần thiệt về mình bởi thời gian đầu chưa được nhận lương từ HTX. Đến nay, từ sự đóng góp công sức của các HTX, người dân tại các điểm du lịch cộng đồng đã nâng cao ý thức cùng chung tay phát triển du lịch cộng đồng, để phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Bài, ảnh: Huỳnh Thảo

Nguồn: Báo Quảng Ngãi - baoquangngai.vn - Đăng ngày 26/07/2022