Hậu Giang: Khai thác hiệu quả tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Cập nhật: 23/08/2022
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch triển khai đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại các địa phương. Trong đó, chú trọng đến mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hậu Giang nằm trên các trục giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên địa bàn tỉnh có các tuyến quốc lộ đi ngang qua, như Quốc lộ 1, 61, 61B, 61C, Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp. Về giao thông thủy, tuyến sông Hậu, kênh xáng Xà No... là tuyến đường thủy huyết mạch của vùng.

Ngoài ra, địa phương này còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái sông nước. Trong khi đó, cảnh quan sinh thái nông nghiệp thuận lợi cho việc hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp. 

Tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh khai thác phát triển lợi thế du lịch trên kênh xáng Xà No 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, thích hợp phát triển du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử, một số khu di tích đang khai thác phục vụ khách du lịch như: Di tích Chiến thắng Chương Thiện, Đền thờ Bác Hồ, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ...

Bên cạnh đó, còn có một số công trình văn hóa tôn giáo (Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Quan Đế miếu, nhà thờ Vị Hưng...); lễ hội văn hóa (Lễ dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ; Lễ hội của đồng bào Khmer, Hoa); làng nghề truyền thống (nghề đan đát, nghề trồng trầu,...)

Nhằm phát huy những thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch phát triển 4 trụ cột kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị) giai đoạn 2021- 2025 với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 35.556 tỷ đồng.

Theo đó, ở trụ cột du lịch, tỉnh sẽ tập trung xây dựng thành công 2 điểm nhấn du lịch vươn tầm khu vực và cả nước, đó là du lịch trên tàu tuyến kênh xáng Xà No đi làng khóm nổi tiếng Cầu Đúc, du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là một trong những điểm nhấn du lịch tại tỉnh Hậu Giang

Việc khai thác Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gắn với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và chợ nổi Ngã Bảy. UBND huyện Phụng Hiệp và Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư, cùng các sở, ngành liên quan đầu tư giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại khu bảo tồn (diện tích 9,7ha). 

Cụ thể, khai thác tàu du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No đi vùng khóm Cầu Ðúc - Khu Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại TP Vị Thanh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang chủ trì phối hợp với các đơn vị khai thác hiệu quả tàu du lịch Xà No bằng cách tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối các điểm tham quan và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, liên kết doanh nghiệp đưa khách tham quan trải nghiệm tàu du lịch... 

Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh và có khả năng trở thành khu du lịch quốc gia giai đoạn đến năm 2030.

Đề án nêu rõ các sản phẩm du lịch được định hướng phát triển rất cụ thể, bao gồm sản phẩm theo hướng truyền thống, như: Du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên gắn với hệ động thực vật; Du lịch vui chơi giải trí; Du lịch gắn với bản sắc địa phương; Ẩm thực, mua bán sản phẩm lưu niệm… Cùng với các sản phẩm theo hướng độc đáo, như: Du lịch “Con đường Tràm”; Du lịch trải nghiệm, khám phá “thuần thiên nhiên”; Du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường; Du lịch trải nghiệm kết hợp dịch vụ sản xuất; Du lịch trải nghiệm, mạo hiểm.

Du lịch nông nghiệp được đẩy mạnh triển khai tại các huyện Châu Thành A, Phước Hiệp.... Ảnh: Minh Nhật 

Nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tỉnh Hậu Giang tập trung đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông. Thời gian qua, Hậu Giang đầu tư 35 tỷ đồng cho tuyến đường vào Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng; 10 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp tuyến đường vào địa điểm Cây di sản Lộc Vừng; đường vào Đền thờ Bác Hồ (đoạn từ xã Xà Phiên đến Đền thờ) với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng; xây dựng cầu tàu du lịch (thành phố Vị Thanh) với vốn đầu tư 7 tỷ đồng… 

Du lịch Hậu Giang đang từng bước khởi sắc khi những tháng đầu năm 2022, du lịch Hậu Giang khởi sắc, toàn tỉnh đón 160.775 lượt khách tham quan du lịch (đạt 46% so kế hoạch), trong đó khách quốc tế là 2.235 lượt (đạt 45% kế hoạch); tổng thu từ du lịch đạt 73 tỷ đồng (đạt 49% kế hoạch). Hậu Giang đã đưa vào khai thác tàu du lịch Xà No, từng bước tạo được ấn tượng với du khách đến Hậu Giang cũng như người dân trong tỉnh.

Vũ Hương

Nguồn: TCĐT thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 22/08/2022