Thúc đẩy triển khai các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu

Cập nhật: 30/08/2022
Sáng 29/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và việc với ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 để thảo luận về việc thúc đẩy triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26 và hướng tới COP27.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chào mừng Ngài Alok Sharma, Chủ tịch COP26, cùng các đồng nghiệp tại Vương quốc Anh và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đến làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, bày tỏ sự vui mừng khi gặp lại trực tiếp ngài Chủ tịch COP 26 sau 6 tháng.

Toàn cảnh buổi tiếp

Đây cũng là chuyến thăm lần thứ hai đến Việt Nam trong 6 tháng qua của Chủ tịch Alok Kumar Sharma. Điều này cho thấy cá nhân Chủ tịch Alok Kumar Sharma và Vương quốc Anh rất coi trọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng.

Với tinh thần triển khai quyết liệt các cam kết của Việt Nam tại COP26, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch giảm phát thải khí methane và nhiều văn bản quan trọng khác nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 của Việt Nam, nêu rõ các quan điểm xuyên suốt về vị trí và vai trò, mức độ ưu tiên, trách nhiệm, phương thức và nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu; đặt ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cùng với các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra theo các giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2050 đảm bảo đạt mức phát thải ròng bằng “0”; đề xuất nhiệm vụ và giải pháp thực hiện về thích ứng với biến đổi khí hậu, về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đảm bảo việc đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Nội dung NDC năm 2022 sẽ bám sát các nội dung trong bản NDC cập nhật năm 2020, bổ sung thêm các hành động để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; tính toán cụ thể các cam kết của Việt Nam đến 2030 trên cơ sở các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định sự coi trọng đối với việc hoàn tất đàm phán Tuyên bố chính trị về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để báo cáo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng thúc đẩy hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam. Bộ trưởng cũng đề nghị Chủ tịch Alok Kumar Sharma vận động các bên cung cấp nguồn tài chính ổn định, rõ ràng về tổng vốn và lộ trình cung cấp cho Việt Nam để chủ động thực hiện quá trình chuyển đổi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng trao đổi với Chủ tịch Alok Kumar Sharma về tác động của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên, miền núi phía Bắc của Việt Nam; đồng thời cho biết thời gian tới Việt Nam sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách để nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng cho các khu vực này.

Chủ tịch Alok Sharma cho biết sẽ thúc đẩy các bên liên quan của các nước phát triển tiếp tục chuyển giao công nghệ cũng như tài chính để Việt Nam hoàn thành được cam kết mạnh mẽ tại COP26.

Chủ tịch Alok Sharma cho rằng các quốc gia cần mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện chuyển đổi các nguồn năng lượng truyền thống sang nguồn năng lượng sạch nhiều hơn. Các quốc gia đã và đang triển khai các hoạt động bên lề COP27 để tìm các mục tiêu chung về tìm kiếm nguồn vốn, tài chính xanh cũng như các cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu.

Nhóm G7 mong muốn JETP sẽ hoạt động như "một trung tâm điều phối" giúp điều phối các hỗ trợ, hợp tác quốc tế của G7 cho Việt Nam một cách hài hòa, thống nhất, hiệu quả. Việt Nam và các đối tác sẽ có cách tiếp cận chung, tránh phải làm việc với từng đối tác riêng lẻ, hạn chế lãng phí, trùng lắp, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Việt Nam và các đối tác đạt được những mục tiêu đặt ra./.

Minh Phan (T/h)

Nguồn: Báo Kinh tế và đô thị - kinhtedothi.vn - Đăng ngày 30/08/2022