Sơn La: Quản lý, bảo vệ môi trường Di sản thiên nhiên theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường

Cập nhật: 14/09/2022
Mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn số 2738/UBND-KT về việc triển khai thực hiện quản lý, Bảo vệ môi trường (BVMT) Di sản thiên nhiên theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Theo đó, UBND tỉnh Sơn La giao Sở TNMT chủ trì tuyên truyền, phổ biến về vai trò, giá trị của Di sản thiên nhiên, các quy định về quản lý, BVMT Di sản thiên nhiên; Sở NNPTNT có trách nhiệm chủ trì, tham mưu UBND tỉnh thực hiện điều tra, đánh giá các Di sản thiên nhiên được xác lập theo quy định về lâm nghiệp, thủy sản; Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tham mưu thực hiện điều tra, đánh giá các Di sản thiên nhiên được xác lập theo quy định về Di sản văn hóa.

Công văn cũng nêu rõ việc cần thiết phải xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý, BVMT Di sản thiên nhiên, trong đó, với các Di sản thiên nhiên đã có quy chế, kế hoạch, phương án quản lý trước khi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 có hiệu lực thi hành, thực hiện lồng ghép, cập nhật các nội dung theo quy định vào quy chế, kế hoạch, phương án về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản, di sản văn hóa. Đối với Di sản thiên nhiên chưa có quy chế, kế hoạch, phương án quản lý, cần khẩn trương xây dựng.

Ảnh minh họa

Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở TNMT chủ trì rà soát, xây dựng phương án điều tra, đánh giá các vùng đất ngập nước quan trọng đối với địa phương, các danh lam thắng cảnh chưa được công nhận. Trên cơ sở đó, Sở TNMT chủ trì tham mưu triển khai thực hiện các dự án xác lập Di sản thiên nhiên đối với Di sản thiên nhiên cấp tỉnh; thực hiện trong 2 năm 2024 - 2025. Đồng thời, chủ trì tham mưu xây dựng Dự án xác lập Di sản thiên nhiên cấp quốc gia trên địa bàn quản lý và gửi Bộ TNMT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận; phối hợp với Bộ TNMT trong thẩm định Di sản thiên nhiên cấp quốc gia có một phần ranh giới nằm trên địa bàn tỉnh; thực hiện trong 2 năm 2024 - 2025…

Mục tiêu cụ thể về BVMT thiên nhiên cảu tỉnh Sơn La đến năm 2030

Tỉnh Sơn La đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Tỷ lệ diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ trên tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp đạt 2,5%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%; 100% các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom; 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom; 50% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom; 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý.

Trên 50% nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn với đô thị loại II trở lên; trên 20% nước thải đô thị được xử lý với đô thị còn lại. 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy; 100% khách sạn, khu du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần…

94,8% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 90% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch… Tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 32%.

Đến năm 2050, môi trường tỉnh Sơn La có chất lượng tốt, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của người dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, đảm bảo cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; xã hội hài hòa với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các bon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa các bon…

Nguyệt Minh

Nguồn: Tạp chí Môi trường - tapchimoitruong.vn - Đăng ngày 13/09/2022