Bảo vệ bờ biển tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né (Bình Thuận): Tìm giải pháp khả thi và hiệu quả bền vững

Cập nhật: 16/09/2022
Trước thực trạng sạt lở bờ biển, nên thời gian qua có một số khu du lịch tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né (TP. Phan Thiết) đã chủ động xây dựng kè tạm nhằm bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn trước năm 2019 tại khu vực này chủ yếu sử dụng kè mái nghiêng cấu kiện bê tông lắp ghép và kè bậc cấp xây đá chẻ. Nhưng giai đoạn sau đó thiên về sử dụng kè tạm ống cát Geotube, đến nay có khoảng 12 cơ sở du lịch làm kè tạm gồm 2 dạng: Kè bờ (như tại Biển Xanh, Sài Gòn - Mũi Né, Thái Hòa, Làng Tre) và kè mỏ hàn (Tiến Đạt, Hoàng Ngân, Sunny Beach, Full Moon Beach, Sunrise Beach, Villa Aria Mui Ne…). Đối với đoạn bờ bao quanh núi Cố, thuộc phường Phú Hài thì một số khu du lịch làm kè mỏ hàn đá đổ để tạo bãi (như Cát Trắng, Phú Hải, Romana, Nhất Viên…).

Do sạt lở bờ biển, trước đây đã có một số khu du lịch xây dựng kè tạm tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né.

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo mô hình đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, TP. Phan Thiết. Tại đây, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày dự thảo Hướng dẫn giải pháp xây dựng kè tạm bằng ống cát Geotube tại Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né. Qua phân tích, đánh giá sơ bộ hiệu quả và tác động kè ống cát, sở chức năng đề xuất sử dụng giải pháp kè ống cát theo hướng kè bờ kết hợp kè mỏ hàn cho khu vực này. Cụ thể: Kè bờ đặt song song với bờ nhằm ổn định được bãi theo yêu cầu do khả năng giảm sóng, tạo bãi của kè mỏ hàn còn hạn chế (vì có chiều dài chưa đủ theo yêu cầu tạo, giữ bãi). Đồng thời còn dự phòng trường hợp kè mỏ hàn bị lún sụt hoặc bị hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời… Trong khi kè mỏ hàn được bố trí tại 2 đầu kè bờ, trường hợp ranh giao đất phía biển lớn thì bố trí thêm kè mỏ hàn trung gian để giảm sóng, tạo bãi và che chắn nhằm tăng tuổi thọ cho kè bờ.

Về bố trí mặt bằng kè theo hướng dẫn thiết kế thì giải pháp kè tạm ống cát bao gồm kè bờ (đặt song song với bờ) kết hợp kè mỏ hàn (đặt vuông góc với bờ), tim kè bờ đặt cách ranh giao đất về phía biển của cơ sở du lịch trung bình 20 m nhằm đảm bảo giữ được bãi tối thiểu 20 m. Còn tại hai đầu kè bờ, bố trí kè mỏ hàn với mũi kè cách ranh giao đất phía biển tối đa 45 m, gốc kè mỏ hàn được đặt cách ranh giao đất là 10 m nhằm đảm bảo để người dân, du khách được đi lại dọc bờ biển và không ảnh hưởng cơ sở hạ tầng bên trong. Bình quân 50 m (khoảng từ 40 m đến 60 m) bố trí một mỏ hàn trung gian với mũi mỏ hàn cách tim kè bờ tối đa 25 m để giảm sóng, tạo bãi và che chắn cho kè bờ…

Có thể nói, việc xây dựng kè tạm có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong bối cảnh các khu vực ven biển Bình Thuận chịu nhiều tác động tiêu cực do triều cường, sạt lở bờ biển gây ra, đặc biệt là trên tuyến Hàm Tiến - Mũi Né làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Tuy nhiên trong điều kiện ngân sách tỉnh và nguồn vốn của doanh nghiệp còn khó khăn, nên lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng cần nghiên cứu chọn phương án, giải pháp phù hợp tình hình thực tế.

Đối với thủ tục đầu tư thì các sở chức năng, địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu tham mưu tỉnh cho chủ trương triển khai xây dựng kè với mục đích là công trình phục vụ chung và doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng… Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Phan Thiết nghiên cứu chọn mô hình phù hợp nhất để thực hiện đồng bộ, ưu tiên phương án đầu tư mang lại hiệu quả bền vững.

Quốc Tín

Nguồn: Báo Bình Thuận - baobinhthuan.com.vn - Đăng ngày 15/09/2022