Quảng Ninh: Mở lối khai thác thế mạnh du lịch nông thôn ở Tiên Yên

Cập nhật: 03/10/2022
Là xu hướng được quan tâm sau dịch Covid-19, du lịch nông thôn ở Tiên Yên bước đầu có một số sản phẩm dựa trên tiềm năng, tài nguyên sẵn có. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, phát triển loại hình du lịch mới mẻ này, ngoài sự quan tâm đầu tư, cần giải bài toán về khuyến khích, phát huy nội lực, sự tham gia của cộng đồng.

Phong phú về tiềm năng, thế mạnh 

Theo các chuyên gia, du lịch nông thôn được hiểu là một chuỗi hoạt động, dịch vụ, tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn nhằm mục đích khai thác thế mạnh của vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Du lịch nông thôn sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng nông thôn (bản, làng) với các cơ sở văn hóa làng (đình, đền, chùa, miếu), cơ sở sản xuất truyền thống, kết hợp đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông... gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa, sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp của cộng đồng dân cư.

Tiên Yên sở hữu đa dạng tài nguyên, thắng cảnh cho phát triển du lịch nông thôn.

Với Tiên Yên, vùng đất ngã ba sông có diện tích rộng lớn, có vùng nông thôn trải dài, sở hữu nguồn tài nguyên phong phú với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng. Tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn ở đây là rừng, núi, sông, thác nước trải dài ở khắp các xã Hà Lâu, Điền Xá, Phong Dụ, Đại Dực...; là các vùng trồng rau có tiếng ở Phong Dụ, trang trại gà, nông sản Tiên Yên có tiếng.

Ngoài ra, đây là vùng bao gồm nhiều tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, như: Văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng, cảnh quan hoang sơ... Đó là hệ thống rừng ngập mặn trải dài ven biển ở các xã Đồng Rui, Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng và Tiên Lãng; thác Pạc Sủi với 16 tầng thác tại xã Yên Than và nhiều thắng cảnh khác như: Hang Rồng (xã Hà Lâu), thác Khe San, núi Vua (xã Phong Dụ), thác Nậm Văm, Đồi Tình, hồ Tuyệt tình cốc (xã Đại Dực), hồ Khe Táu (xã Đông Ngũ), hồ Khe Cát (xã Hải Lạng)...

Tiên Yên còn có rừng, có biển, có 14/22 dân tộc anh em của Quảng Ninh cùng sinh sống. Vì thế đây là nơi hội tụ nhiều luồng văn hóa, di sản của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc như Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Chỉ, Sán Dìu… Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của huyện Tiên Yên là nguyên liệu đặc sắc, phong phú và đa dạng, gồm: Trang phục, ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật, phong tục, tập quán, nghề truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc, những nghi lễ theo chu kỳ đời người của các dân tộc…

Gắn liền với sự đa dạng đó, Tiên Yên sở hữu nhiều lễ hội của bà con các dân tộc phân bố ở các vùng nông thôn. Tiêu biểu như: Lễ hội văn hoá thể thao các dân tộc Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu, Dao gắn với phiên chợ Hà Lâu ở các xã Đại Dực, Phong Dụ, Hà Lâu; Lễ hội đua thuyền truyền thống của xã Đồng Rui... Ngoài ra, Tiên Yên còn một số di tích lịch sử, văn hóa giá trị, có thể đưa vào khai thác như: Đền thờ Đức Ông Hoàng Cần (xã Hải Lạng), chùa Quán Âm (xã Tiên Lãng)...

Ngày hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Tày Tiên Yên (xã Phong Dụ) là điểm thu hút đông đảo du khách về tham quan.

Có thể nói, Tiên Yên có nguồn nguyên liệu đa dạng để phát triển du lịch nông thôn gắn với thắng cảnh, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể… Cho tới nay, nhiều điểm du lịch trong số này đã phát huy được giá trị, trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích khi đặt chân khám phá vùng nông thôn ở Tiên Yên.

Để mở lối cho du lịch nông thôn

Là xu hướng phát triển sau dịch Covid-19, du lịch nông thôn cũng đã được quan tâm thúc đẩy, đầu tư. "Việc phát triển du lịch nông thôn cũng chính là quan tâm, phát huy thế mạnh của nông thôn, góp phần nâng cao đời sống người dân trong khu vực. Điều này phù hợp với chính sách, chủ trương và định hướng của huyện. Vì thế, chúng tôi cũng quan tâm đầu tư, cải thiện môi trường, hạ tầng..., góp phần vào thúc đẩy xu hướng du lịch mới này" - ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, chia sẻ.

Theo đó, thời gian qua, Tiên Yên cũng có sự quan tâm, đầu tư ở khu vực này. Cụ thể: Đã hoàn thành tuyến đường đi dọc thác Pạc Sủi, đến năm 2019 hoàn thành đầu tư các điểm nhấn cảnh quan của thác Pạc Sủi với trị giá gần 10 tỷ đồng; mở rộng đường vào xã đảo Đồng Rui; xây dựng quy hoạch, giải phóng mặt bằng đền thờ Đức Ông Hoàng Cần, xã Hải Lạng năm 2020; trồng hoa tạo cảnh quan, sưu tầm vật dụng của người Tày để trưng bày tại Làng văn hóa dân tộc Tày...

Đồng thời, cùng với việc phê duyệt các dự án bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch nông thôn, Tiên Yên cũng đẩy mạnh đầu tư phục dựng, khôi phục và nâng cao chất lượng cho các lễ hội truyền thống. Cụ thể là các Lễ hội Văn hóa, Thể thao của dân tộc Sán Chỉ (xã Đại Dực), dân tộc Tày (xã Phong Dụ), dân tộc Sán Dìu (xã Hải Lạng), Lễ hội đền Đức Ông Hoàng Cần, Ngày hội Văn hoá, Thể thao, Lễ hội đua thuyền (xã Đồng Rui, Tiên Lãng)…

Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ và khuyến khích người dân đầu tư công nghệ chế biến các nông sản mang thương hiệu OCOP của huyện như: Gà Tiên Yên, kẹo lạc hồng, mật ong, khâu nhục, trứng vịt biển Đồng Rui...

Du lịch khám phá thác Khe San gắn với tìm hiểu mô hình nuôi cá tầm là một trải nghiệm thú vị với du khách.

Có thể thấy, dù có nguồn tài nguyên phong phú, có sự đầu tư, song du lịch nông thôn mới chỉ sơ khai ở Tiên Yên. Thời gian gần đây, có một số mô hình du lịch nông thôn được hình thành, tuy còn mới mẻ và nhỏ lẻ. Đơn cử như mô hình Eco-Family, tổ chức du lịch dựa trên cảnh quan của đầm nuôi tôm ở Hải Lạng, nơi có hoạt động trải nghiệm câu cá, làm các loại bánh của bà con vùng nông thôn, dân tộc. Đây là mô hình mới được đưa vào hoạt động giữa năm 2022. Quy mô hơn chút là mô hình homestay ở thác Pạc Sủi (xã Yên Than) với công suất tối đa là 50 khách, 2 phòng tập thể, 1 phòng đơn.

Ngoài dịch vụ lưu trú, khám phá trải nghiệm thác, dự kiến kết hợp với bà con nông dân mở tour du lịch trồng rau, gặt lúa... Hoặc mô hình du lịch trải nghiệm thác Khe San (xã Phong Dụ) gắn với lưu trú, nhà hàng quy củ với khả năng đón tiếp khoảng 100 khách.

Nhìn trên tổng thể, du lịch nông thôn ở đây mới chỉ phát triển tự phát là chính, tính hệ thống và sự kết nối chưa cao. Phổ biến nhất hiện nay là các hình thức như: Chủ thể khai thác, cung ứng dịch vụ theo kiểu gia đình tự đầu tư kinh doanh homestay (khách có thể lưu trú tại gia đình và trải nghiệm nếp sống, văn hóa, ẩm thực cùng gia đình); quy mô nhỏ, khả năng đáp ứng các đoàn khách lớn kém.

Trong khi đó, việc phát triển các sản phẩm bài bản, quy mô, chất lượng như sản phẩm trang trại, HTX nông nghiệp có kết hợp cung cấp dịch vụ du lịch thì chưa thực sự xuất hiện. Việc thu hút các nhà đầu tư vào du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng còn gặp khó.

Trên thực tế, tiềm năng thế mạnh trên đã thu hút một số nhà đầu tư vào tìm hiểu, phát triển du lịch ở khu vực này, như: Flamengo tìm hiểu về suối nước nóng ở Đại Thành; Tập đoàn TH True Milk… cũng quan tâm, khảo sát đầu tư. Nhưng hiện việc quy hoạch tổng thể vùng của huyện và một số vùng, xã chưa hoàn thiện nên không có mặt bằng sạch, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư…

Tổ chức chợ phiên Hà Lâu tạo điểm nhấn cho địa phương thu hút du khách về tham quan khám phá.

Có lẽ vì thế, để phát huy tiềm năng, có lẽ trước mắt cần có sự quan tâm, tạo cơ chế, hỗ trợ để phát huy nội lực, thúc đẩy sự quan tâm, nguồn lực từ cộng đồng... như nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã thành công. Nhìn vào các sản phẩm du lịch mới xuất hiện như: Mùa vàng Đại Dực, thác Khe San... rất có tiềm năng, cũng bước đầu thu hút du khách tăng dần, đạt từ 8.000-9.000/năm, đặc biệt đông vào mùa lễ hội.

Kỳ vọng rằng, khi dịch vụ từng bước được cải thiện, nâng cao, du khách sẽ tới nhiều hơn, tạo ra "đòn bẩy" khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của du lịch nông thôn tại Tiên Yên.

Tạ Quân

Nguồn: Báo Quảng Ninh - baoquangninh.com.vn - Ngày 02/10/2022