Ninh Thuận: Tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực

Cập nhật: 03/10/2022
Với điều kiện khí hậu đặc trưng ít mưa nhiều nắng cùng đường bờ biển dài 105km, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều thắng cảnh nổi tiếng... thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng trong phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, Ninh Thuận là tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế khác biệt về du lịch. Về vị trí địa lý, Ninh Thuận nằm trên giao điểm của các trục giao thông quốc gia, có quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam đi qua. Đặc biệt, Ninh Thuận có lợi thế lớn nhất đó là bờ biển dài với hơn 105 km, có tuyến đường ven biển đẹp và thuận lợi trong việc kết nối với các điểm đến thuộc dải ven biển của tỉnh. 

Bên cạnh đó, địa phương còn hệ thống những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất độc đáo và nổi tiếng. Đó là nghệ thuật văn hóa Chăm, các làng nghề truyền thống và những phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 239 di tích, di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt (Tháp Pôklông Garai và Tháp Hoà Lai), 18 di sản cấp Quốc gia và 46 di tích, di sản cấp tỉnh. 

Nguồn tài nguyên phong phú và hấp dẫn là điều kiện thuận lợi để Ninh Thuận thúc đẩy ngành du lịch phát triển toàn diện. 

Ngoài ra, tài nguyên du lịch tại Vườn quốc gia là Phước Bình và Núi Chúa là điều kiện thuận lợi để địa phương thúc đẩy du lịch phát triển. Với lợi thế tự nhiên là nhiều nắng quanh năm, Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng, vật nuôi đặc thù, là tiềm năng để phát triển du lịch như nho, táo, tỏi, măng tây, dê, cừu…

Theo định hướng phát triển du lịch Ninh Thuận thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, địa phương sẽ phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính. Nhóm 1 gồm 4 sản phẩm đặc thù: du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với vườn quốc gia Núi Chúa.

Nhóm 2 sẽ gồm 4 sản phẩm mới lạ: du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát – muối (hai sản phẩm độc đáo của mảnh đất Ninh Thuận), du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Nhóm 3 sẽ gồm 4 sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực, du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo, thương mại du lịch.

Ninh Thuận khai thác lợi thế trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với từng không gian du lịch

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển không gian các vùng du lịch trọng điểm. Không gian trung tâm là thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và các khu vực phụ cận, là khu vực tập trung cao nhất cơ sở vật chất ngành du lịch của tỉnh. Tại đây, tỉnh sẽ xây dựng sản phẩm du lịch: Du lịch đô thị-di sản-nghỉ dưỡng biển-ẩm thực.

Không gian phía Đông Bắc bao gồm phần lớn diện tích huyện Ninh Hải là khu vực tập trung những tiềm năng có giá trị lớn nhất của du lịch Ninh Thuận, đồng thời cũng là không gian du lịch trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng. Khu vực này sẽ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái biển-rừng-nông nghiệp.

Không gian phía Nam bao gồm dải ven biển Mũi Dinh-Cà Ná là không gian phát triển du lịch mới của tỉnh Ninh Thuận, gắn với các sản phẩm độc đáo, khẳng định thương hiệu du lịch Ninh Thuận mới trong khu vực và cả nước. Sản phẩm du lịch nơi đây sẽ là du lịch nghỉ dưỡng và khám phá độc đáo cát-muối-biển. Không gian phía Tây, Tây Bắc thuộc phạm vi các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc sẽ được xây dựng sản phẩm du lịch: Du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái rừng-thác và săn bắn bán hoang dã.

Nhằm tăng cường xúc tiến du lịch cũng như hiện thực hóa mục tiêu định hướng phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh Ninh Thuận đã ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên: Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận và Sở Du lịch TP. Hà Nội; chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận với Hiệp hội Du lịch TP. Hà Nội và các địa phương...

Tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh 

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội năm 2022. Tại Hội nghị, Tổng cục Du lịch cho rằng, Ninh Thuận cần dựa trên thế mạnh của du lịch tỉnh để ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19 như: Du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao; Du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; Du lịch nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa; Du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe....

Cùng với đó, xem xét, tập trung nâng cao tính chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá sản phẩm, chương trình du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch; xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch; chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động có tay nghề.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong khu vực và với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn theo cơ chế linh hoạt, thực chất, có sự tham gia của cơ quan quản lý với vai trò dẫn dắt, định hướng; tham gia của doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư để phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; tham gia của đơn vị, hãng thông tấn, truyền thông để hợp tác giới thiệu quảng bá du lịch, tiếp cận thị trường quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch.

Đức Toàn 

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 03/10/222