Hà Nội: Giữ gìn phong độ riêng của văn hóa

Cập nhật: 06/10/2022
Không một tỉnh, thành phố nào trên cả nước có nhiều di sản văn hóa như ở Hà Nội. Có di sản vật thể sừng sững, có di sản phi vật thể phải thật tinh mới cảm nhận được, đó là lối ứng xử ý nhị, tế vi. Văn hóa Hà Nội đa dạng, phong phú cũng dễ hiểu vì là nơi hội tụ bốn phương và liên tục gần 800 năm, Hà Nội là kinh đô, từ thế kỷ 20 là Thủ đô của đất nước.

Trong một nghiên cứu về văn hóa dân gian Hà Nội, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định: "Văn hóa Hà Nội có phong độ riêng". Phong độ riêng là có nhiều di sản tầm cỡ thế giới và rất nhiều di sản được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Trải qua thời gian, có văn hóa lưu truyền đến ngày nay, song cũng có văn hóa bị lãng quên vì không phù hợp quan điểm của xã hội đương thời, hoặc sai lầm trong nhận thức.

Các sản phẩm văn hóa không chỉ để thưởng thức, hưởng thụ mà còn là niềm tự hào của một địa phương, quốc gia, nên nó là tài sản quý. Từ thời Lê đến thời Nguyễn, các vua đã ban sắc phong Nhân thần hay Huyền thần ở các địa phương trên cả nước. Vì Nhân thần và Huyền thần được thờ tự ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nên địa phương đó có trách nhiệm bảo vệ, hư hỏng, xuống cấp phải trùng tu. Với các thần có tầm ảnh hưởng rộng lớn, triều đình sẽ lấy ngân khố để sửa chữa, trùng tu khi nơi thờ tự xuống cấp.

Viện Viễn Đông bác cổ là nơi đầu tiên đã làm được một việc là xếp hạng di sản văn hóa thông qua giá trị của hiện vật, công trình, từ đó có chính sách ưu tiên bảo vệ. Sau năm 1954, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa. Ngày nay, vai trò của văn hóa càng được coi trọng vì được coi là động lực của phát triển xã hội.

Để bảo vệ, gìn giữ không thể chờ trông vào ý thức tự giác vì không phải ai cũng hiểu giá trị của di sản văn hóa. Thậm chí ngay cả khi người ta nhận thức được thì việc xâm phạm vẫn xảy ra. Nhiều di tích văn hóa ở Hà Nội do các địa phương quản lý sau khi trùng tu đã mang dáng vẻ xa lạ. Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa và trong Luật Thủ đô cũng có điều khoản về bảo tồn, gìn giữ văn hóa Hà Nội. Tuy nhiên, không luật nào có thể điều chỉnh hết các hành vi trong xã hội. Đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, nếu đi qua phố Lê Thái Tổ vẫn thấy khách sạn đang xây lừng lững che chắn hết không gian. Phần xây dựng của khách sạn không hề xâm phạm vào phạm vi di sản, nhưng giá trị một di sản còn bao hàm cả không gian chung quanh. Chính không gian chung quanh tôn thêm cái đẹp của di sản. Nếu quanh Hồ Gươm có nhiều công trình cao tầng thì hồ Hoàn Kiếm truyền thuyết sẽ trở thành "ao làng".

Hà Nội có rất nhiều biệt thự trong khuôn viên xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 với đa dạng các phong cách kiến trúc châu Âu mà không đô thị châu Á nào có được. Tuy nhiên, nhiều biệt thự mang phong cách kiến trúc Đông Dương có giá trị nghệ thuật vẫn chưa được xếp hạng. Phát triển và bảo tồn luôn mâu thuẫn, nếu không xếp hạng thì một ngày nào đó các biệt thự này có thể bị phá bỏ. Thực tế nhiều biệt thự đã trở thành nhà cao tầng. Bức phù điêu ở 61 Trần Phú không được xếp hạng, nếu dư luận không lên tiếng thì chủ đầu tư đã phá bỏ. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và xếp hạng.

Từ nhiều năm nay, trong điều kiện ngân sách không dư dả nhưng Hà Nội đã dành hàng nghìn tỷ đồng để di dời các hộ dân sống trong phạm vi các di tích. Hà Nội đã ưu tiên trùng tu, tôn tạo các di tích tiêu biểu bị xuống cấp. Nhưng danh sách di sản văn hóa cần trùng tu trong thành phố là khá dài. Ở Ba Vì, Sơn Tây có nhiều làng cổ có các ngôi nhà xây bằng đá ong, nội thất gỗ với họa tiết độc đáo, tính biểu thị văn hóa cao có tuổi đời hơn trăm năm đến ba trăm năm đã xuống cấp. May mắn là chúng đã được xếp hạng di sản văn hóa và không may là thành phố chưa có kinh phí nên chủ nhà vẫn đang tiếp tục phải sống trong nỗi lo. Trong lần trò chuyện với giám đốc một doanh nghiệp lớn, hỏi ông sao có doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ rất lớn cho các sự kiện giải trí nhưng lại không sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để trùng tu di sản văn hóa. Ông này nói rằng, xã hội hóa là tất yếu để đỡ gánh nặng cho ngân sách, hỗ trợ ít thì không là vấn đề, nhưng hỗ trợ lớn cần phải có cơ chế rất cụ thể, trong đó có tính đến lợi ích doanh nghiệp.

Bảo vệ các di sản văn hóa vật thể dù sao cũng dễ hơn bảo vệ văn hóa phi vật thể. Hà Nội sưu tầm phục dựng được các điệu múa cổ là đáng ghi nhận. Tuy nhiên kể từ liên hoan năm 2010 đến nay, nếu muốn xem tiết mục múa Giảo Long của làng Lệ Mật hay Con đĩ đánh bồng của làng Triều Khúc thì chỉ còn cách chờ… đến hội làng. Hiếm thấy nó xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật do Hà Nội tổ chức. Hai điệu múa này không chỉ là dân vũ có giá trị nghệ thuật động tác hình thể mà còn là tâm thức Hà Nội. Gìn giữ mà không phổ biến rộng rãi thì giống như báu vật trong bảo tàng. Việc hát Xẩm biểu diễn ở phố đi bộ phải chăng nên được xem là hình mẫu cho cách đưa các giá trị văn hóa cổ này đến với công chúng nhiều hơn?

Nhiều năm nay, ngành công nghiệp không khói của Hà Nội phát triển, thu hút du khách nước ngoài phần lớn ăn theo di sản văn hóa. Không công ty nào không có tour đưa khách đến Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, các ngôi đình ở Ba Vì, Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, Đông Ngạc, làng nghề Bát Tràng… Khi di sản văn hóa là con gà đẻ trứng vàng thì gìn giữ càng phải coi trọng.

Hà Nội đã có bài học từ những sai lầm về quản lý, gìn giữ các di sản văn hóa trong quá khứ. Vì thế, muốn gìn giữ phải liên tục truyền thông về giá trị văn hóa Hà Nội, đưa vào các tiết học trong trường học. Và cần có cơ chế xã hội hóa cụ thể để cứu vãn những di sản có nguy cơ biến mất.

Nguyễn Ngọc Tiến

Nguồn: Báo Nhân Dân - nhandan.vn - Đăng ngày 30/09/2022