Phát huy giá trị hệ sinh thái tại các Vườn Di sản ASEAN

Cập nhật: 10/10/2022
Hai Vườn quốc gia của Việt Nam (Bạch Mã và Côn Đảo) đã được các Quan chức về môi trường của ASEAN (ASOEN) thống nhất đề cử trở thành Vườn Di sản (ASEAN Heritage Park). Việt Nam sẽ có tổng số 12 Vườn Di sản ASEAN trong năm tới.

Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường năm 2022, Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 33 và chuỗi các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 3-7/10, tại Campuchia, các quan chức về môi trường của ASEAN đã thống nhất đề cử hai vườn quốc gia của Việt Nam trở thành Vườn Di sản thứ 54 và 55 của ASEAN lên cấp Bộ trưởng môi trường ASEAN phê duyệt. Hiện tại, các vườn quốc gia của Việt Nam được đề cử đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN.

Vườn quốc gia Bạch Mã (nằm trên địa bàn tại tỉnh Thừa Thiên Huế) là khu bảo tồn thiên nhiên ở miền Trung Việt Nam, đạt được 10/10 tiêu chí của ASEAN trong bộ tiêu chí lựa chọn Vườn Di sản ASEAN. Đây cũng là vườn quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và ASEAN. 

VQG Bạch Mã đáp ứng 10/10 tiêu chí của ASEAN trong bộ tiêu chí lựa chọn Vườn Di sản ASEAN. Ảnh: Võ Thạnh 

Vườn quốc gia Bạch Mã có hai kiểu rừng chính là: Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở độ cao dưới 900 m và rừng kín thường xanh, mưa mùa á nhiệt đới ở độ cao trên 900 m. Rừng ở độ cao trên 900 m là rừng có đa dạng sinh học phong phú.

Về hệ thực vật, VQG Bạch Mã có 2.373 loài thuộc hệ nấm và thực vật, gồm 332 loài nấm, 87 loài rêu, 183 loài dương xỉ, 22 loài hạt trần và 1.749 loài hạt kín. Trong đó, có 73 loài cây quý hiếm được liệt kê trong sách Đỏ Việt Nam và 204 loài cần ưu tiên bảo vệ; Có trên 500 loài được sử dụng làm thuốc quý, đặc trưng như bảy lá một hoa; hoàng đàn, thích bắc bộ, thạch tùng, hoàng tinh hoa trắng, râu hùm, gừng dại, nghệ đen, sâm lông…

Hệ động vật tại VQG này có đến 1.728 loài thuộc 54 bộ, 266 họ. Trong đó có 70 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 52 loài có tên trong Danh lục IUCN năm 2016 như sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, gà lôi lam mào trắng, sói lửa, cầy mực… và 15 loài đặc hữu.

Vườn Quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới với 4 hệ sinh thái: Hệ sinh thái rừng trên vùng đồi núi thấp, hệ sinh thái rừng trên đồi cát và bãi cát hạn ven biển, hệ sinh thái rừng ngập nước phèn và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hiện nay, đã ghi nhận có 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc có có mạch và 155 loài động vật thuộc 64 họ, 26 bộ là loại thú, loài chim, bò sát. 

VQG Côn Đảo được ghi nhận là nơi có môi trường sinh sống và đang thực hiện tốt công tác bảo vệ rùa biển. Ảnh: VG 

Đồng thời, khu vực này còn là môi trường sống của 1.725 loài sinh vật biển với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 205 loài cá rạn san hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 7 loài thú biển... Bên cạnh đó, vùng biển Côn Đảo còn là nơi phân bố phong phú của rùa biển. Trung bình mỗi năm có 507 cá thể rùa mẹ lên bãi biển Côn Đảo đẻ trứng và có khoảng 110.651 cá thể rùa con được thả về biển.

Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện được đánh giá là Vườn quốc gia đạt 9/10 tiêu chí của ASEAN trong bộ tiêu chí lựa chọn Vườn Di sản ASEAN. Vườn quốc gia này được các quốc gia thành viên công nhận không chỉ vì sự đa dạng sinh học biển độc đáo mà còn cả những giá trị lịch sử - văn hóa của Việt Nam.

Vườn Di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN.

Theo đó, các Bộ trưởng về Môi trường của ASEAN đã ký kết Tuyên bố ASEAN về việc thành lập các Vườn Di sản ASEAN và nhất trí rằng: "Hợp tác chung là cần thiết để bảo tồn và quản lý các Vườn di sản ASEAN nhằm đảm bảo cho sự phát triển và thực hiện bảo tồn khu vực và kế hoạch hành động quản lý cũng như các cơ chế bổ sung cho nỗ lực của các quốc gia nhằm thực hiện các biện pháp bảo tồn".

Hiện nay, Việt Nam có 10 Khu bảo tồn quốc gia được công nhận là Vườn Di sản ASEAN bao gồm: VQG Hoàng Liên (Lào Cai);  VQG Ba Bể (Bắc Kạn); VQG Chư Mom Ray (Kon Tum); VQG Bái Tử Long (Quảng Ninh); VQG Vũ Quang (Hà Tĩnh); Khu bảo tồn Ngọc Linh (Kon Tum); VGQ Kon Ka Kinh (Gia Lai); VQG Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng); VQG U Minh Thượng (Kiên Giang); VQG Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh).

Đây là các khu bảo tồn được lựa chọn trong khu vực ASEAN, được biết đến với sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái độc đáo, sự hoang dã và các giá trị nổi bật, có tầm quan trọng đặc biệt. Các Vườn Di sản được đánh giá cao nhất vì tầm quan trọng của chúng như các khu bảo tồn để duy trì quá trình sinh thái và hệ thống hỗ trợ sự sống bảo tồn sự đa dạng di truyền đảm bảo các loài sử dụng bền vững và các hệ sinh thái duy trì những vùng hoang dã có giá trị về danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái, nghiên cứu và văn hóa, giáo dục...

PV

Nguồn: Tạp chí Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 08/10/2022